Lịch sử Hà Nội trong lòng khách quốc tế
Từ những năm 1960 đến mùa đông 1972, khi miền Bắc đang phải chống chọi với mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, căn hầm trú ẩn trong khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole) đã góp phần bảo đảm an toàn cho nhiều vị khách quốc tế. Sau 40 năm, một số vị khách và nhân chứng lịch sử đã trở lại, đúng dịp căn hầm mở cửa đón khách tham quan.
![]() Tham quan lại căn hầm Ảnh: Hoàng Hà |
Xúc động và đầy ắp kỷ niệm về những ngày tháng ở Hà Nội thời kỳ chiến tranh ác liệt là tâm trạng chung của những vị khách này. Trở lại Hà Nội sau hơn 40 năm, Hoa hậu Quốc tế 1964, nhà báo Phillippines Gemma Cruz Araneta hồi tưởng: “Chồng tôi và tôi đến Hà Nội vào tháng 5.1968, khi Việt Nam bị chia cắt hai miền Nam Bắc và Philippines có quan hệ ngoại giao với miền Nam Việt Nam. Vì thế, chuyến thăm của chúng tôi đến miền Bắc Việt Nam (lúc đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) là chuyến thăm tuyệt mật. Tôi là nhà báo ở thời điểm đó - cho đến tận bây giờ - và chồng tôi là giáo sư đại học. Chúng tôi muốn biết sự thật về chiến tranh Việt Nam và chuyển tải tới người Phillippines”. Ở khách sạn Thống Nhất trong gần một tháng, đến nay, bà Gemma vẫn còn nhớ như in về căn hầm: “Ngay khi chúng tôi đặt chân đến khách sạn vào ngày thứ sáu, 17.5.1968, chúng tôi nhìn thấy một số tấm biển ghi Abri - hầm trú ẩn và mũi tên hướng tới vị trí căn hầm. Tôi đã hy vọng là mình sẽ không bao giờ phải sử dụng arbi, thế nhưng chúng tôi đã phải lao tới hầm trú ẩn 2 lần, một lần vào lúc 2h30 chiều ngày 24.5, khi tiếng còi báo động kinh hoàng rú lên trên toàn bộ thành phố. Hôm đó cũng là thứ sáu”.
Những tháng ngày ở Hà Nội và khách sạn Metropole cũng như căn hầm đã để lại ấn tượng mạnh, được Gemma Cruz Araneta miêu tả trong cuốn Nhật ký Hà Nội của mình. Trở lại thăm Hà Nội lần này, đúng vào dịp mở cửa lại căn hầm đáng nhớ, bà Gemma cho biết sẽ đưa hình ảnh khách sạn Metropole và hầm trú ẩn vào tập 2 của cuốn Nhật ký Hà Nội.
Gemma Cruz Araneta là một trong số rất nhiều vị khách quốc tế từng trú ẩn tại căn hầm này, như nhà ngoại giao Australia Bob Devereux, diễn viên điện ảnh Mỹ Jane Fonda, nhà chính trị Chile Salvador Allende Gossen... Năm 1975, ông Bob Devereux giữ chức tham tán sứ quán Australia tại Sài Gòn, sau đó chuyển công tác về Đại sứ quán tại Hà Nội, trụ sở nằm ngay trong khách sạn Thống Nhất. Ông chia sẻ: “Hà Nội trong giai đoạn chiến tranh thiếu thốn nhiều thứ: thức ăn, quần áo, điện nước... nhân viên sứ quán được phát một tập phiếu lương thực dùng cho các bữa ăn. Vì không có phòng trống nên nhân viên sứ quán Australia tận dụng hầm trú ẩn để đựng đồ nên ông còn để rượu dưới hầm... Sau 40 năm, tôi cũng tò mò muốn xuống lại căn hầm ngày xưa và cố nhớ một thời đã qua”.
Phụ trách việc đón tiếp các phái đoàn quốc tế đến Việt Nam nên thường xuyên đến khách sạn Thống Nhất và hàng chục lần xuống hầm trú ẩn, ông Cao Xuân Nhã, nguyên chuyên viên Ban đối ngoại, Bộ Ngoại giao nhớ rõ: hầm có 5 phòng, có phòng thông hơi, chứa đồ, trú ẩn đủ cho hầu hết khách lưu trú trong khách sạn. Thường thì khách phải xuống tránh bom dưới hầm trong 10 - 20 phút. Có người thấy máy bay đến thì rất sợ, sốt sắng xuống hầm ngay, song phần lớn khách quốc tế đều bình tĩnh. Ông kể: “Nữ diễn viên Jane Fonda từng có vài lần xuống hầm tránh bom khi 2 lần đến thăm Việt Nam vào năm 1971 - 1972. Khi nghe tiếng máy bay, bà bình tĩnh xuống hầm. Dưới hầm, bà nói rằng sẽ có hành động phản đối Mỹ ném bom vào các khu vực dân sự như nhà trẻ, đê điều. Ngay hôm đó, bà đã họp báo bày tỏ phản đối chiến tranh. Jane Fonda rất can đảm, những lần máy bay ném bom sau đó, bà nói rằng không cần xuống hầm. Lưu trú tại khách sạn Thống Nhất trong một thời gian dài còn có ca sỹ nhạc đồng quê người Mỹ Joan Baez. Có lần, khi máy bay ném bom, Joan Baez mang theo đàn xuống hầm và hát cho mọi người nghe...”
Theo ông Cao Xuân Nhã, căn hầm trú bom tại khách sạn Metropole là dấu tích lịch sử cần được bảo tồn, để các thế hệ người Việt cũng như bạn bè quốc tế hiểu thêm về thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, và cũng cho thấy người Việt Nam rất chu đáo, luôn bảo vệ an toàn cho khách quốc tế trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
Từ ngày 22.5, căn hầm trú ẩn tại khách sạn Metropole mở cửa đón khách lưu trú, đội ngũ nhân viên tại khách sạn. Học sinh và người dân Thủ đô cũng như những ai quan tâm tới căn hầm có thể liên hệ trước với khách sạn để được xếp lịch tham quan.