“Lên rừng, xuống biển” để gần dân hơn

- Thứ Ba, 30/03/2021, 08:09 - Chia sẻ
Thực hiện đúng tinh thần xây dựng Chính phủ hành động, quyết liệt phục vụ nhân dân và coi trọng ý kiến của dân, hiểu được điều dân muốn, phải làm điều dân cần và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả cho hoạt động của chính quyền, các thành viên của Chính phủ cần tăng cường "vi hành" để gần gũi với dân hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đã nhấn mạnh như vậy trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng qua (29.3), về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ. Đây không chỉ là những lời tâm huyết của đại biểu ở diễn đàn Quốc hội, mà còn là tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu cử tri và Nhân dân cả nước đối với các thành viên Chính phủ, với mong muốn xây dựng một Chính phủ thực sự vì dân.

Cử tri và nhân dân cả nước có lẽ rất vui mừng với những kết quả mà Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đạt được. Đó là một nhiệm kỳ mà theo nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri nhận định là thành công trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.

570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” mà thủ tướng, các phó thủ tướng đã thực hiện trong nhiệm kỳ này để làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình đã phần nào thể hiện được sự quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng một Chính phủ hành động, phục vụ vì dân. Thông qua các cuộc “lên rừng, xuống biển” đã giúp giải quyết gần 2.200 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Với hơn 5.000 cuộc họp, mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn, hoạch định chính sách, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, bất cập đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong suốt nhiệm kỳ này.

Có thể nói, nhiều "nút thắt" về cơ chế, chính sách, cũng như vướng mắc trong thực thi được tháo gỡ từ những chuyến “công cán” của lãnh đạo Chính phủ. Quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động đã làm chuyển động bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận chung, việc chuyển động chưa đều, chưa đồng bộ. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số cán bộ công chức vì lợi ích cá nhân chi phối, chưa thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, chỉ chăm chăm thu vén lợi ích cho cá nhân mình. 

“Một số cơ quan hành chính nhà nước cũng đang bị đánh giá là hành dân là chính. Nạn tham nhũng vặt đặc biệt vẫn tiếp tục làm xấu hình ảnh công chức, hình ảnh cơ quan hành chính nhà nước”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đã thẳng thắn chỉ rõ. Nhiều ý kiến đại biểu và dư luận đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa về những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Đơn cử như câu chuyện được báo chí phản ánh cách đây chưa lâu về sự việc xảy ra khi ông Nguyễn Hữu Quế, Bí thư Huyện ủy Ia Grai (tỉnh Gia Lai) trong vai người dân đến trụ sở UBND xã Ia Pếch, ông bắt gặp một công chức phụ trách địa chính đang ngủ trong giờ làm việc, chân gác lên bàn. Khi ông Quế gọi cán bộ này dậy nhắc nhở thì bị hỏi ngược lại "có việc gì?". Công chức này sau đó bị xử lý sai phạm do vi phạm giờ giấc, tác phong lề lối làm việc. Ông Quế cho rằng, để biết chính xác cán bộ làm việc như thế nào, chỉ có cách đi kiểm tra là chính xác nhất.

Những trường hợp vi phạm tác phong, lề lối làm việc, cư xử với công dân thiếu chuẩn mực không nhiều, nhưng nếu xử lý không nghiêm sẽ tạo thói quen “hành dân” và coi thường kỷ cương công vụ, làm xấu hình ảnh của cán bộ trong mắt người dân.

Hàng trăm cuộc “lên rừng, xuống biển” của lãnh đạo Chính phủ về với địa phương, cơ sở ở nhiệm kỳ này là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hiểu hơn về thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, ngoài những cuộc làm việc thông thường, cần nhiều hơn những cuộc "vi hành", thị sát ngẫu nhiên của lãnh đạo Chính phủ, người đứng đầu chính quyền địa phương về với cơ sở. Để từ đó có được những giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn một cách hiệu quả nhất. Bởi tiếng nói của người dân bao giờ cũng sinh động, chân thực hơn những "từ ngữ hay" trong các bản báo cáo.

Hà An