Lê Thành Khôi - Nguyên Lê, “cha con và…”

(ĐBND Xuân Bính Thân)- Nhà sử học kỳ cựu Lê Thành Khôi sang Pháp từ sớm, có một quá trình học tập vô cùng xuất sắc. Ông được đào tạo về chuyên ngành kinh tế học và giáo dục học, nhưng công trình sử học “Lịch sử Việt Nam” của ông là một tác phẩm kinh điển. Ông còn là một nhà sưu tầm nổi tiếng, nhiều hiện vật do ông hiến tặng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Còn Nguyên Lê - con trai út của ông lại là một người tự học âm nhạc, từ rất sớm đã được coi là một trong những guitarist xuất sắc nhất của Pháp và không chỉ của Pháp. Anh luôn muốn khai thác các nhạc cụ châu Á ở một trình độ thật cao, thật chuyên sâu, tách rời khỏi truyền thống âm nhạc truyền thống châu Á thường quá chú trọng lời ca mà hay bỏ quên nhạc cụ…

Nhà sử học Lê Thành Khôi Ảnh: Lê Kim Hưng
Nhà sử học Lê Thành Khôi Ảnh: Lê Kim Hưng

Người - ngây - thơ - từng - trải

Đối với tôi, Nguyên Lê trước hết là một nụ cười. Một nụ cười không chỉ đẹp, mà hơn thế nhiều, ở đó có một sự ngây thơ mà tôi cho là rất quý giá, một sự ngây thơ mà người ta chỉ có thể đạt đến được sau rất nhiều từng trải. Sau này, biết được rằng cách đây vài năm, Nguyên Lê từng bị bệnh nặng, tôi càng hiểu hơn về một tâm hồn được nâng đỡ rất nhiều bởi âm nhạc, và rồi đến lượt mình, âm nhạc của Nguyên Lê lại có sức nâng đỡ rất lớn, truyền cảm hứng về những điều trong trẻo và sâu lắng.

Không có gì báo trước rằng Nguyên Lê (tên thật là Lê Thành Nguyên) sẽ đi theo con đường âm nhạc suốt cả cuộc đời, khi anh chính là con trai út của học giả có tầm vóc sừng sững Lê Thành Khôi, mà tác phẩm “Lịch sử Việt Nam” mới được xuất bản gần đây tại Việt Nam vừa hấp dẫn mạnh mẽ vừa tạo ra những cuộc tranh luận không nhỏ. Hồi trẻ, Nguyên Lê theo học ngành triết học tại trường Sorbonne. Tôi để ý thấy rằng rất nhiều người thành danh trong nghệ thuật tại Pháp, nhất là Paris, trước đây từng học triết học hoặc văn chương. Paris là môi trường không thể tốt hơn cho những thiên hướng tinh thần đặc biệt, khi mà giữa một khu phố nhộn nhịp khách du lịch của quận 6, xa xa án ngữ tòa nhà Montparnasse, có một quảng trường nhỏ mang tên Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir, hai triết gia vừa là bạn đời vừa là bạn đường của nhau và rất gắn bó với khu phố này cách đây vài chục năm. Một quảng trường nhỏ khác, ở một khu vực khác, gần đây được đặt tên “Dora Bruder”, nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano, nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn chương gần đây. Hoặc đơn giản hơn nữa, xuống khỏi tàu điện ngầm ở bến Cluny-La Sorbonne, ta sẽ thấy trên vòm trần của bến tàu gắn chữ ký của rất nhiều nhà văn, nhà triết học được khảm đá màu. Sống ở một thành phố đậm đặc không khí văn chương và triết học như vậy, dù không muốn, bạn cũng sẽ có lúc phải suy nghĩ sâu hơn một chút về cuộc đời và các tư tưởng, chắc vậy.

Nhưng mọi thứ ở Nguyên Lê đã được định đoạt từ sớm: Năm 15 tuổi, khi lần đầu tiên khám phá cây đàn guitar, anh đã cảm thấy mình tìm được cả một thế giới. Thế giới này, anh sẽ đắm mình ở trong suốt đời. Là một người tự học âm nhạc, rất khó đoán trước rằng Nguyên Lê sẽ rất sớm được coi là một trong những guitarist xuất sắc nhất của Pháp và không chỉ của Pháp. Nguyên Lê chọn nhạc jazz. Khi chúng tôi theo anh đến Bảo tàng Guimée để quay một buổi biểu diễn của anh cùng trio Saiyuki (cách gọi tiếng Nhật của tác phẩm “Tây du ký”), anh đã nói về nguyên tắc nền tảng mà anh tự đặt ra khi lập trio riêng của mình cùng một nữ nhạc công Nhật Bản có khả năng biến tiếng đàn koto trở nên ảo diệu không ngờ và một nhạc công người Ấn Độ, người chỉ cần chạm vào một trong vô số nhạc cụ của mình là người ta hiểu ngay tức khắc đây chính là hiện thân sống động của nhịp điệu. Nguyên Lê muốn khai thác các nhạc cụ châu Á ở một trình độ thật cao, thật chuyên sâu, tách rời khỏi truyền thống âm nhạc truyền thống châu Á thường quá chú trọng lời ca mà hay bỏ quên nhạc cụ. Tư duy này được Nguyên Lê “nhặt lấy” từ nhạc jazz, loại âm nhạc chỉ chấp nhận những nhạc công thực sự giỏi. Trước đây, Nguyên Lê từng rất nổi tiếng khi chơi nhạc của Jimi Hendrix và Pink Floyd. Quan niệm của Nguyên Lê là cần phải chơi giỏi bất kỳ loại âm nhạc nào, khi ấy người ta mới có thể thực sự tạo ra âm nhạc của riêng mình.

Nghệ sĩ Nguyên Lê Ảnh: Lê Kim Hưng
Nghệ sĩ Nguyên Lê Ảnh: Lê Kim Hưng

Bảo tàng gia đình

Nguyên Lê tự nhận ngay mình là người tò mò về mọi thứ, những gì bố anh mang về từ những chuyến đi khắp thế giới đã nuôi dưỡng trí tò mò ấy trong anh. Tôi hiểu anh muốn nói gì ngay khi bước chân vào căn hộ của vợ chồng học giả Lê Thành Khôi. Ban đầu, ông Lê Thành Khôi từ chối tiếp đoàn làm phim chúng tôi, nhưng sau đó đổi ý khi biết chúng tôi muốn phỏng vấn ông bà về Nguyên Lê, và chỉ cần nghe chúng tôi giới thiệu mình đang làm phim tài liệu, ông cười ngay: “Các anh chị tìm đúng người rồi, tôi chính là tài liệu đây”. Căn hộ trên tầng cao của ông bà tạo ngay cho khách mới đến một cảm giác pha trộn giữa bình yên và náo động, rất đặc trưng của những nơi nào có quá nhiều đồ vật. Phòng khách như một viện bảo tàng trưng bày đồ cổ, cái bàn tròn kê giữa nhà ngập sách và giấy tờ ghi chép của ông Lê Thành Khôi. Cứ năm phút, ông lại mời kẹo chúng tôi một lần và hỏi hôm nay là ngày bao nhiêu; cái nhìn lướt đến món đồ vật nào, ông lại kể xuất xứ của nó: một bức tượng sứ đời Đường, hai bức sơn mài từ Nhật Bản, tượng Chăm, mấy thứ đồ châu Phi… Chỉ cần nhích ánh mắt đi một chút là ta có nguy cơ chạm phải bức tranh của một danh họa Việt Nam. Ông Lê Thành Khôi từng thân thiết với họa sĩ tài danh Lê Phổ, và bỗng có một lúc, ông than thở rằng bạn ông, giáo sư Trần Văn Khê, thật tội nghiệp vì qua đời sớm quá.

Bà Lê Thành Khôi là một bất ngờ lớn. Khi chúng tôi hỏi hiện nay ông còn chụp ảnh không (Lê Thành Khôi gần đây in một tập sách ảnh nghệ thuật) thì bà trả lời đỡ, bảo giờ bà còn chụp nhiều hơn ông, bà còn vẽ tranh và gõ máy chữ các tác phẩm của ông. Ta có thể nhanh chóng nhận ra bà mới là người lưu giữ lịch sử và quản lý bảo tàng gia đình. Bà gần như không bỏ một buổi biểu diễn nào của Nguyên Lê, và trong suốt quãng thời gian chúng tôi ở đó, bà cứ lật giờ từng trang đống tạp chí Télérama. Đến khi chúng tôi sắp ra về thì bà tìm ra thứ mà bà muốn cho chúng tôi xem: một mẩu tin thông báo trên radio sẽ phát chương trình âm nhạc của Nguyên Lê. Bà thắc mắc hỏi chúng tôi vì sao ở Việt Nam gần đây Nguyên Lê lại được chú ý mà trước đây thì không mấy người biết đến, rồi bà nói thêm, trước thì bố nổi tiếng hơn, nhưng “giờ thì Nguyên nổi tiếng hơn rồi”. Bài hát ru “Gió mùa thu”, một tác phẩm “đinh” trong sự nghiệp âm nhạc của Nguyên Lê, xuất phát từ lời ru của bà khi nhạc sĩ còn nhỏ.

Vài hôm sau đó, hoàn toàn vì tình cờ, tôi được biết bà Lê Thành Khôi là con gái của dược sĩ Thẩm Hoàng Tín, một vị thị trưởng rất nổi tiếng của Hà Nội ngày xưa. Hồi ông bà còn nhỏ, hai nhà ở khá gần nhau, bà ở Cửa Nam còn ông ở Hàng Đẫy.

Ông Lê Thành Khôi sang Pháp từ sớm, có một quá trình học tập vô cùng xuất sắc. Ông được đào tạo về chuyên ngành kinh tế học và giáo dục học, nhưng công trình sử học “Lịch sử Việt Nam” của ông là một tác phẩm kinh điển. Ông còn là một nhà sưu tầm nổi tiếng, với nhiều hiện vật do ông hiến tặng hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông đi không còn thật vững nữa nhưng hằng tuần vẫn tự đi bộ đến thư viện gần nhà để mượn sách. Trên bàn xếp chồng những ghi chép để chuẩn bị cho một cuốn sách mà ông muốn viết về văn hóa thế giới. Được hỏi về bất kỳ vấn đề gì, ông cũng có câu trả lời hết sức bất ngờ, kết quả của một lịch sử tư duy cá nhân dồi dào và sâu sắc. Khi chúng tôi sắp ra về, ông đứng lên đi tìm cuốn sách về lịch sử văn học Việt Nam vô cùng bề thế để tặng cho chúng tôi, cuốn sách được xuất bản cách đây mới năm, bảy năm.

Nguyên Lê rất giống mẹ, và tình yêu âm nhạc Việt Nam ở anh một phần nhiều cũng xuất phát từ người mẹ (ông Lê Thành Khôi có quan điểm rất dứt khoát, ông cho biết ông thích nhất nhạc của Mozart, tiếp đến là Bach, Debussy rồi Beethoven). Nhưng ở buổi nói chuyện dài nhất với Nguyên Lê tại nhà anh, tôi nhận ra, không chỉ có những đồ vật nuôi dưỡng trí tưởng tượng của anh về thế giới, mà anh còn thừa hưởng được một phẩm chất đặc biệt, từ người bố.

Nguyên Lê không “đầu hàng” trước bất kỳ câu hỏi nào, một khi anh đã chấp nhận trả lời phỏng vấn. Nếu thấy khó, anh sẽ suy nghĩ thật lâu, thật thấu đáo, cho kỳ đến khi nào tìm ra cách trả lời mới thôi. Hôm ấy, trời bỗng hửng nắng lên trong một ngày đậm chất Paris nắng mưa đỏng đảnh. Căn hộ của Nguyên Lê cũng rất nhiều đồ đạc, ngay từ lối vào đã xếp đầy va li và hòm, sẵn sàng cho những chuyến đi xa bất tận. Khu phố nơi Nguyên Lê sống, Barbès-Rochechouart, đặc biệt nhộn nhịp sắc màu. Anh phá lên cười khi tôi hỏi cửa hàng Tati nằm về phía nào, và tỏ ra rất thích thú khi biết từng có một nhà văn Việt Nam miêu tả khu Barbès này cùng cửa hàng Tati vô cùng sống động. Nguyên Lê cho biết anh có thể hiểu được tiếng Việt khi nghe người khác, nhưng gần như không dám nói.

Cuộc gặp gỡ của Nguyên Lê với ca sĩ Hương Thanh, hai người cùng tuổi, vào đầu thập niên 90 là cả một mối duyên kỳ ngộ. Khi ấy, Nguyên Lê đã trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và ở vào thời điểm khao khát tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam, còn Hương Thanh đã sống ở Paris được hơn mười năm, hay đi biểu diễn cùng bố là tài tử cải lương Hữu Phước, một tên tuổi mà trước đây chẳng mấy ai ở miền Nam không biết tên. Đĩa nhạc “Tales from Vietnam” nhanh chóng ra đời như một sự bùng nổ và nhất là đĩa “Wind and Moon” sau đó đã tạo ra một bộ đôi tuyệt vời. Sự kết hợp ấy có những thành quả vô cùng to lớn trong vòng 15 năm. Ngày nay, tuy không còn cộng tác chặt chẽ như trước để mỗi người đi một con đường riêng, cả Hương Thanh lẫn Nguyên Lê đều dùng những tình cảm trân trọng nhất để nói về nhau.

Người bạn đời của nhà sử học Ảnh: Lê Kim Hưng
Người bạn đời của nhà sử học Ảnh: Lê Kim Hưng

Ba thế giới của Nguyên Lê

 “Nguyên Lê rất giống mẹ, và tình yêu âm nhạc Việt Nam ở anh một phần nhiều cũng xuất phát từ người mẹ. Nhưng trong buổi nói chuyện dài nhất với Nguyên Lê, tôi nhận ra, không chỉ có những đồ vật nuôi dưỡng trí tưởng tượng của anh về thế giới, mà anh còn thừa hưởng được một phẩm chất đặc biệt từ người bố...”

Trong phòng khách nhìn thẳng xuống một đại lộ tấp nập người qua lại của Nguyên Lê, vừa là phòng khách đồng thời là studio, tôi hỏi anh về ba thế giới cùng tồn tại trong con người anh. Nguyên Lê cười, nói “có vẻ triết học quá đây” và hỏi tại sao lại không phải là hai hay bốn thế giới. Thật ra tôi nghĩ rằng có nhiều hơn thế nữa, những thế giới đầy màu sắc và âm thanh, song song hoặc trùng vào với nhau ở mỗi thời điểm khác nhau. Nguyên Lê lại hỏi tôi, “tại sao không phải là ba thế giới theo quan niệm của đạo Phật, quá khứ, hiện tại, vị lai”. Tôi cười bảo anh, như vậy thì tuyến tính quá, tôi tin rằng các thế giới trong anh cũng giống như âm nhạc của anh, có nhiều lớp lang và phi tuyến tính.

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng ba thế giới song hành như vậy trong con người Nguyên Lê. Anh là một người rất hài hước, lối hài hước không điển hình, tôi nhận ra sự hài hước đó ở trong email đầu tiên tôi và anh trao đổi với nhau về công việc. Rất khó gọi tên thực sự đó là gì, nhưng tôi hiểu với kiểu người như anh, cuộc sống này rất đẹp, và nếu chẳng may có lúc nào đó có ai đó làm cho cuộc sống không đẹp trước mắt anh, Nguyên Lê sẽ biết cách nhìn nó đẹp với sự hài hước của mình.

Thế giới đầu tiên Nguyên Lê mô tả cho chúng tôi là thế giới của ký ức. Tôi đột nhiên nhớ tới câu nói của nhà văn Pháp Chateaubriand, “Mỗi con người luôn luôn mang trong mình một thế giới, bao gồm tất cả những gì mà anh ta đã thấy và đã yêu, nơi anh ta không ngừng quay trở về, cho dù đang lang thang rong ruổi ở một phương trời xa lạ”. Nguyên Lê nói, ký ức của anh là những đồ vật mà bố anh mang từ khắp nơi trên thế giới về và những câu hát ru của mẹ khi anh còn nhỏ.

Thế giới thứ hai của Nguyên Lê mà chúng tôi đề cập đến là thế giới bên ngoài của anh, là những thứ mà anh để cho người khác nhìn thấy. Nguyên Lê có vóc dáng của bố và gương mặt của mẹ. Nhưng phủ bên trên bề mặt của vóc dáng hay đường nét là một lớp trong suốt của sự tĩnh tại, mà theo tôi là một biến thể của tinh thần ngây thơ trong trẻo mà tôi đã nhắc đến ở trên. Chính cái lớp trong suốt phủ quanh Nguyên Lê ấy làm cho mọi cử động của anh rất duyên dáng, rất dịu dàng. Nó giống như một làn nước trên mặt hồ mùa thu, tinh khiết và mới mẻ. Anh nói đến các dự định và kế hoạch, đến mong muốn được ở nhà nhiều hơn để có thể yên tĩnh ngồi viết nhạc.

Thế giới thứ ba là thế giới nội tại, là nội tâm của người nghệ sĩ. Anh suy nghĩ lâu và nói thật chậm, cố tìm cách miêu tả thật chính xác những gì mà anh cảm thấy. Âm nhạc dường như làm cho con người ta thường xuyên chùng xuống, lắng lại, để có thể đi sâu hơn vào bên trong bản thân mình. Anh đã nói rất hay về quan niệm riêng của anh về “world music”, một loại âm nhạc rất dễ trở nên hổ lốn, nếu người ta tìm cách tiếp cận nó từ bên ngoài, ghép lại một cách bừa phứa những đường nét khác nhau, chỉ vì đó đang là mốt. Chỉ có một “world music” nếu sự hội tụ âm nhạc diễn ra ở bên trong người nghệ sĩ. Muốn làm được như vậy, nhất thiết phải có những chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và sâu sắc.

Mấy hôm sau, chúng tôi đến Bảo tàng Guimée quay buổi biểu diễn của Nguyên Lê cùng trio Saiyuki của anh. Bà Lê Thành Khôi có đến nghe cùng vài người trong gia đình. Tôi nghĩ, thật đặc biệt khi một người mẹ từng hát ru con trai hồi nhỏ cùng bài hát này (“Gió mùa thu”), rồi hôm nay lại ngồi đây nghe con trai mình biểu diễn bản nhạc ấy, giống như thể một giai điệu có thể kết nối lại biết bao nhiêu thời gian và ký ức.

Tôi cũng nhớ đến căn phòng nhỏ cạnh phòng khách ở căn hộ của Nguyên Lê. Trong đó bày một giá sách nhỏ và trên cây đàn piano đặt một tổng phổ, đó là bản “Question Mark”, được nhạc sĩ viết cho đĩa nhạc đầu tiên của mình cách đây gần 30 năm. Âm nhạc cũng là một cách đặt câu hỏi, rồi tự tìm câu trả lời, rồi lại đặt câu hỏi. Bức tường phía trên cây đàn treo một bức tranh rất dài, tuyệt đẹp, một bức tranh rất cổ của Việt Nam. Khi được hỏi về nó, Nguyên Lê cho biết anh cũng không thực sự biết ý nghĩa bức tranh, anh thấy nó ở nhà bố anh, thấy nó đẹp nên mang về nhà treo. Anh nói thêm như tự nhủ, sắp tới phải sửa chữa cho bức tranh, nó cũ quá rồi, nếu không nhanh có thể nó sẽ bị hư hại.

Còn với học giả Lê Thành Khôi, khi chúng tôi hỏi ông về lai lịch bức tranh treo ở nhà Nguyên Lê, ông cười hiền: “Tôi có ba đứa con, hai gái một trai, Nguyên là con trai út. Các con tôi chúng nó vẫn cứ đến đây và lấy những gì chúng nó thích để mang về trưng bày ở nhà chúng nó...”.

Văn hóa

Kiến trúc đối thoại và kết nối
Văn hóa - Thể thao

Kiến trúc đối thoại và kết nối

Đời sống xã hội đương đại đang đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có sự kết nối con người với không gian sống. Thách thức cho kiến trúc sư hiện nay là phải bảo đảm sự phù hợp, cân bằng giữa truyền thống và đổi mới.

Giải mã văn hóa Việt qua biểu tượng
Văn hóa - Thể thao

Giải mã văn hóa Việt qua biểu tượng

Có hàng trăm biểu tượng đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, mỗi biểu tượng đều mang câu chuyện về tín ngưỡng, ước vọng và chiều sâu văn hóa. Tìm hiểu, giải mã những biểu tượng này giúp độc giả hiểu hơn về văn hóa dân tộc.

Cẩm nang cho tuổi dậy thì
Văn hóa - Thể thao

Cẩm nang cho tuổi dậy thì

Cuốn sách tâm lý kỹ năng đặc biệt "Dậy thì là gì vậy nhỉ?" của hai tác giả người Mỹ là Harriet S. Mosatche và Karen Unger vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành trên toàn quốc.

Bài cuối: Cộng hưởng và nâng tầm
Văn hóa - Thể thao

Bài cuối: Cộng hưởng và nâng tầm

Một công trình không có tác phẩm nghệ thuật vẫn tồn tại, mang giá trị riêng; tuy nhiên, khi có sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc, hai yếu tố kiến trúc và nghệ thuật sẽ cộng hưởng, nâng tầm cho vẻ đẹp cảnh quan.

Động lực sáng tạo cho kinh tế bứt phá
Văn hóa

Động lực sáng tạo cho kinh tế bứt phá

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi điều hành linh hoạt, cải cách thể chế mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương. Bên cạnh yếu tố kinh tế truyền thống, vai trò của văn hóa ngày càng quan trọng.