Đúng 7h, tại Hội trường Thống Nhất, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghỉ hưu, các nguyên lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ sáng sớm, các đoàn thể, người dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận đã về khu vực Dinh Độc Lập để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người chưa gặp trực tiếp Tổng Bí thư lần nào, chỉ biết và thấy qua các kênh truyền thông nhưng tên tuổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in sâu vào tâm trí họ. Họ đến viếng với tấm lòng chân thành, sự biết ơn, sự cảm phục, ngưỡng mộ… trước một nhân cách lớn vừa từ trần.
Cô giáo về hưu Phan Thị Hoa (64 tuổi, ngụ Quận 1) xúc động, chia sẻ, dù chưa được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng bà rất kính trọng vị lãnh đạo có đức, có tài nên sáng sớm 25.7 đã đến Hội trường Thống Nhất để thắp nén nhang tiễn biệt người lãnh đạo kính yêu.
Đi cùng đoàn đến Lễ viếng, chị Trần Thị Kiều Anh, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) xúc động: "Dù chưa được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài đời lần nào nhưng hình ảnh Tổng Bí thư trong tôi và tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh luôn là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, luôn gần gũi, thân thiết với Nhân dân. Chúng tôi luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Tổng Bí thư và sẽ khắc ghi, cố gắng rèn dưỡng tâm trong, trí sáng, cùng đóng góp để xây dựng đất nước như mong muốn của các thế hệ cha anh và Tổng Bí thư".
Trong Sổ tang tại Lễ Viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều người đã bày tỏ sự tiếc thương, kính cẩn nghiêng mình trước nhân cách lớn của Tổng Bí thư. Đại đức Châu Hoài Thái viết: "Chư tăng, phật tử Phật giáo Nam tông Khmer, đồng bào phật tử Khmer TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương vô cùng kính tiếc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đã dành trọn vẹn cuộc đời mình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh”.
Cũng tại Sổ tang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên viết: “Đồng chí mất đi là một tổn thất rất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Một mất mát không gì bù đắp được với gia đình, người thân. Chúng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh như một con người vô cùng giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường; một nhân cách lớn; một cán bộ đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất; một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ kính yêu, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, suốt đời vì nước, vì dân, tận tụy, tận tâm… Xin kính cẩn nghiêng mình, tri ân những công lao to lớn mà Đồng chí đã cống hiến và để lại cho đời. Nguyện học tập, noi gương Đồng chí và các bậc tiền nhân, thề tiếp nối truyền thống một cách xứng đáng, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đấu xây dựng TP. Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng” như Đồng chí hằng mong ước, chỉ dạy…” .
Hơn 500 đoàn đăng ký đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP. Hồ Chí Minh
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện có hơn 500 đoàn đăng ký đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Điều này thể hiện tình cảm rất đặc biệt của Nhân dân đối với Tổng Bí thư, là sự đền đáp lại tình cảm, sự quan tâm của Tổng Bí thư dành cho thành phố.
Theo ông Mãi, trước hết, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố sẽ tổ chức chu đáo Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết 24 về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31, các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm biến những tư tưởng, tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua các đề án trở thành hiện thực, để TP. Hồ Chí Minh trở thành động lực, là đầu tàu của cả nước. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.