Lễ Hội “Xôi” đặc sắc của người Hà Nội
Cứ vào ngày mùng 8 âm lịch hàng năm, người Hà Nội lại nô nức đến thăm quan lễ hội nấu xôi tại làng nghề Phú Thượng, nơi đã nổi tiếng từ lâu với nhưng chõ xôi “tiến vua”. Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm của làng, nhằm tỏ lòng thành kính với thành hoàng làng và cũng là Tổ nghề của người dân nơi đây. Lễ hội không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng mà còn tôn vinh truyền thống uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay của dân tộc.
Quy củ và văn minh
Từ ngã tư của con đường An Dương Vương vào đến cổng làng, những chiếc cờ hội được xếp hàng ngay ngắn, tung bay trong gió như để chào đón du khách và báo hiệu một năm mới vui tươi, tràn đầy năng lượng. Lễ hội “Xôi” của làng được tổ chức giống như nhiều lễ hội khác, có phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang nghiêm và thành kính nhưng cũng không kém đi sắc màu từ những mâm xôi mà các hộ tự tay làm dâng lên lễ Tổ. Ngoài ra cả làng còn góp sức thổi một mâm xôi ngũ sắc khổng lồ để tỏ lòng thành kính với Tổ nghề, cũng như tượng trưng cho sự gắn kết keo sơn của người dân để chung tay xây dựng một làng nghề bền vững, phát triển.
![]() | |
Mâm xôi dự thi Hội. | Nguồn: ITN |
Phần hội của buổi lễ tràn đầy sự vui tươi, phấn khởi với những trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, bắt vịt… Nhưng đặc sắc hơn cả là cuộc thi nấu xôi. Mỗi xóm sẽ cử ra một đội làm một “bàn tiệc” xôi cho thật đẹp, thật ngon để các cụ cao niên trong làm chấm điểm. Khác với lễ hội tại các làng nghề khác, lễ hội ở làng Phú Thượng nói không với mua bán, tất cả các mâm xôi sau khi được chấm điểm sẽ được đem ra mời du khách miễn phí, thậm chí còn có cả phần mang về.
Nói về ý nghĩa của việc tặng xôi cho du khách, Bí thư Đảng ủy Phường Phú Thượng Nguyễn Mạnh Hải cho biết, “Người dân của làng buôn bán cả năm, nhờ nghề xôi mà đi lên. Hôm nay là ngày chúng tôi muốn tỏ lòng biết ơn, trước nhất là với Tổ nghề, sau là với những thực khách đã gắn bó với gánh xôi Phú Thượng từ bao năm nay. Dù có bán, mua quanh năm nhưng đến mùng 8 âm lịch, xôi Phú Thượng sẽ được trở về đúng với ý nghĩa nguyên thủy của nó là một món quà biếu cho những người thân thiết như gia đình”.
Một trong những tiêu chí luôn được Hội thi đặt ra với những người tham gia là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu tham dự hội thi hoặc phục vụ việc nấu xôi tặng cho người dân khắp Hà Nội mỗi ngày luôn được người dân Phú Thượng chọn lựa kỹ lưỡng. Tất cả đều được các cán bộ y tế của phường kiểm tra trước khi đưa vào lễ hội.
Vươn ra thị trường lớn
Mối duyên lành với làng nghề nấu xôi đã cho chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Dũng - người có thâm niên 30 năm trong nghề. Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp gia đình anh tham gia lễ hội của làng. Anh Dũng chia sẻ rằng, xôi của gia đình anh và người dân làng đã có mặt ở nhiều nhà hàng Việt tại nước ngoài và được du khách châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ… ưa chuộng. Thế nhưng con đường đi đến “trời Tây” của những gói xôi Việt vẫn dựa vào mối quan hệ của từng gia đình hay nói theo cách khác là con đường tiểu ngạch. Khi chủ nhà hàng bên kia đặt thì gia đình anh Dũng đóng gói chuyển sang. Cách đóng gói cũng rất đơn giản, chỉ một lớp giấy bạc, một lớp lá sen rồi làm lạnh. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ di chuyển bằng máy bay một gói xôi có giá 10 -15 nghìn đồng đã được bán cho thực khách châu Âu với giá 9 - 12 euro.
![]() | |
Người dân nô nức thăm quan Lễ hội "Xôi". | Nguồn: ITN |
Nói về vấn đề mở rộng thị trường sang quốc tế, Bí thư Nguyễn Mạnh Hải cũng chia sẻ, “chúng tôi không phải chưa nghĩ đến vấn đề xuất khẩu nhưng từ tiểu ngạch đến chính ngạch là một chặng đường rất dài và gian nan”. Ở Việt Nam, chúng ta mạnh về xuất khẩu nguyên liệu hơn là xuất khẩu thành phẩm và với đồ ăn chín lại càng ít. Hơn nữa xôi Phú Thượng là một món ăn truyền thống, được sản xuất theo hộ gia đình và không có chất phụ gia nên rất khó bảo quản. Chỉ khi được đóng gói, bảo quản theo quy chuẩn được thế giới công nhận thì mới nghĩ tới việc xuất khẩu chính ngạch được.
Hơn nữa để bán được hàng, không thể thiếu khâu tiếp thị. Bí thư Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, những người dân ở Phú Thượng quanh năm buôn bán ở địa phương nên việc tiếp thị để nước bạn biết sản phẩm của mình là rất khó, chỉ một số hộ có người nhà bên nước ngoài mới đưa hàng sang được nhưng cũng rất manh mún, nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, để món xôi của Phú Thượng trở thành một đặc sản của Việt Nam, được bạn bè quốc tế biết đến và có giá trị kinh tế cao, cần một lộ trình cụ thể và rõ ràng. “Người dân Phú Thượng trong tương lai cần được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa ở các cấp, ban ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để món xôi có mặt tại các hội chợ, triển lãm quốc tế. Có như vậy món xôi Phú Thượng mới được bạn bè năm châu biết đến và ưa chuộng” - Bí thư Nguyễn Mạnh Hải khẳng định.