Lễ hội giẫm đạp… vì chẳng ai hiểu lễ hội là gì!

Hoàng Phương 22/02/2016 19:04

(ĐBNDO)- Trước hiện tượng ngày càng có nhiều lễ hội đi kèm những hình ảnh phản cảm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư Trần Lâm Biền – một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xung quanh vấn đề này. Vị giáo sư này cho rằng, lễ hội xuất hiện những cảnh bạo lực là bởi chúng ta chưa tuyên truyền thực sự có ích về lễ hội.

Giáo sư Trần Lâm Biền Nguồn: ITN
Giáo sư Trần Lâm Biền
Nguồn: ITN

"Lễ hội theo kiểu tự phát thì phải hứng hậu quả thôi"

Những ngày gần đây, nhiều người khá bức xúc với cảnh tranh cướp lễ vật ở lễ hội Gióng, lễ khai ấn đền Trần hay hội cướp phết Hiền Quan… Tại những lễ hội này, cảnh giẫm đạp lên nhau tranh cướp lễ vật hay những sản phẩm cầu may đã khiến nhiều người ngất xỉu, xây xát…

Đánh giá về thực tại này, Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng chuyện đó là tất yếu. Ông nói: “Ngày xưa người ta hiểu lễ hội là gì thì nó khác, bây giờ chả hiểu lễ hội là gì thì nó phải đánh nhau thôi. Không phải vì quản lý kém mà là quản lý chặt hơn ngày xưa rất nhiều nhưng vấn đề đặt ra giáo dục tuyên truyền không làm. Lễ hội theo kiểu tự phát thì phải hứng hậu quả thôi. Nếu giải thích được lễ hội là gì và vì sao lại tranh cướp như thế, tranh cướp ở mức độ nào cho có văn hóa và gắn với tâm linh thì mới giải quyết được vấn đề!”

Theo Giáo sư Biền, trước đây lễ hội có tính cộng đồng cao và việc “tranh cướp” trong các nghi lễ là để đồng nhất giữa con người với thiên nhiên vũ trụ hoang sơ, gắn với thời gian mất trật tự để đi vào trật tự. Có thể hiểu điều này là xưa kia, việc tổ chức lễ hội có những cảnh “tranh cướp” là nhằm tạo ra một sự hỗn mang nhất định để hòa hợp với sự hỗn mang của thế giới. Sau sự “hỗn mang” tự tạo, con người hướng đến sự trật tự nhất định.

Giải thích về sự “hỗn mang” do con người tạo ra trong các lễ hội, Giáo sư Biền cho biết: “Ngày xưa các cụ vẫn nói là “tả tơi chơi hội”. Cái “tả tơi” đó là để con người hòa nhập với thời kỳ hỗn mang sau khi quy định “tả tơi” ở một thời lượng nhất định ví dụ ném đá chùa Hương, đốt pháo Đồng Kỵ, cướp cầu… sau đó mọi thứ lại trở lại bình thường. Sau cảnh tranh cướp trong lễ hội, người ta sẽ báo cáo với thần thánh rằng: “Hôm nay ngày rày (ngày này), đến đây thời hỗn mang mất trật tự đã qua rồi, từ đây trở đi xin thần linh hãy vì con người, vì chúng tôi đây mà đem đến mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi”. Con người ngày xưa sống đồng nhất với thiên nhiên vũ trụ và hòa đồng để sống. Nó phải “nhập” vào hỗn mang để đi đến trật tự, ngày nay thì đi ngược lại, chuyển sang sự hỗn mang.”

Theo Giáo sư, xưa kia, lễ hội hướng đến việc thông qua cái “hỗn mang” trong các nghi lễ để sau đó hướng đến cái trật tự. Giáo sư đưa ra ví dụ như ném đá ở chùa Hương trước kia chỉ từ mùng 2 đến mùng 6 chấm dứt. Và hội chính chùa Hương chỉ có ngày 18.2 và kết thúc sau vài ba ngày. Ông nhận định: “Chưa bao giờ hội chùa Hương và các lễ hội lại được mở lâu như chúng ta hiện nay mà thực chất sự mở lâu ấy một phần lớn là liên quan đến vấn đề kinh tế và sự hụt hẫng tinh thần. Vấn đề kinh tế dựa trên nền tảng của sự hụt hẫng tinh thần, không có ai giáo dục cho họ thế nào là tôn giáo, thế nào là tín ngưỡng một cách chính đáng. Đi lễ ở đâu ta cũng có thể bắt gặp toàn những lời khoán ước, họ đua nhau vứt tiền vào để khoán ước với thần linh”.

Những hình ảnh giẫm đạp phản cảm tại lễ hội cướp phết Hiền Quan ( Phú Thọ) Nguồn: ITN
Những hình ảnh giẫm đạp phản cảm tại lễ hội cướp phết Hiền Quan ( Phú Thọ)
Nguồn: ITN

Chưa giải quyết gốc của vấn đề thì còn phản cảm

Giáo sư Biền cho rằng, ngày nay, nhiều người tham gia lễ hội chỉ nhìn nhận nghi lễ “cướp” là đồng nghĩa với việc sẽ được lộc mà không ai chịu tìm hiểu căn nguyên của vấn đề như đã nêu trên. Theo Giáo sư Biền, nếu những vấn đề gốc này không giải quyết được thì những năm tiếp theo vấn đề lễ hội sẽ vẫn lại như thế. Theo ông cần phải có một sự tuyên truyền đồng bộ.

Ông nhấn mạnh vai trò của các nhà báo trong câu chuyện này: “ Ngày nay, tôi thấy các nhà báo chỉ đưa tin có tính chất giật gân câu khách chứ nhà báo chưa phải là người dẫn dắt nhận thức tinh thần lễ hội đối với quần chúng. Tất nhiên, trách nhiệm này là cả những nhà chức trách nữa. Tôi cho rằng, trách nhiệm của ngành văn hóa chỉ một phần mà cần có sự đồng bộ. Nhà báo cần nhận trách nhiệm về mình trước, văn hóa muốn tuyên truyền gì cũng phải thông qua báo chí, báo chí hiện nay chỉ đi theo hướng giật gân, càng giật gân thì càng hạ thấp mình xuống. Họ đưa giật gân nhưng không dẫn dắt dư luận và họ không có những người hiểu biết đứng đằng sau, họ không chịu đăng ý kiến của các nhà nghiên cứu. Nhà báo trong đó có cả tôi còn thiếu trách nhiệm bởi vì chúng ta mới đưa tin mà chưa phân tích, giải mã và chưa có xu hướng dẫn dắt; chưa giải mã hiện tượng gốc và hiện tượng mới”.

Đánh giá riêng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý về văn hóa trong vấn đề này, Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng các đơn vị này đang lúng túng trong nhận thức. Trên thực tế, họ không thiếu các biện pháp về pháp luật và họ đã kết hợp với công an trong các lễ hội ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, cái “tốt” ấy lại chưa lấy giáo dục làm trọng!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lễ hội giẫm đạp… vì chẳng ai hiểu lễ hội là gì!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO