Lễ hội - vẫn còn những biến tướng, phản cảm

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:31 - Chia sẻ
Theo đánh giá chung tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013 được tổ chức mới đây, hoạt động lễ hội trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý lễ hội dần đi vào nền nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hình ảnh biến tướng, phản cảm cần được giải quyết triệt để, để mùa lễ hội 2014 sắp diễn ra được tổ chức tốt hơn.

Những hạn chế… chưa được giải quyết

Có một thực tế rằng, những bất cập, hạn chế xảy ra tại các lễ hội năm 2013 không phải là việc mới xảy ra mà nó đã diễn ra từ nhiều năm nay. Năm nào vào mùa lễ hội chúng ta cũng phải đối mặt với những hình ảnh không đẹp mắt như người chen lấn nhau, hòm công đức bày la liệt, tiền lẻ giắt mọi nơi, rác ngập tràn lễ hội. Đó là chưa kể đến những hàng quán la liệt, lộn xộn, chèo kéo khách với giá cả “trên trời”, rồi hàng quán bày bán thịt dê, hươu, lợn mán tràn lan…


Nguồn: kienthucphothong.vn
Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội Lê Thị Tân Trang thừa nhận, năm qua trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vấn đề về quản lý lễ hội, di tích mà điển hình là vụ việc thay tượng ở chùa Châu Long, việc bán hàng lộn xộn gây mất mỹ quan ở cụm dân cư trong Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, rất nhiều lễ hội diễn ra trên địa bàn Hà Nội vẫn thường xuyên xảy ra vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tràn lan đồ chơi Trung Quốc, ăn xin, trộm cắp vẫn hoành hành...

Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai Trần Hữu Sơn chia sẻ, vấn đề an toàn thực phẩm địa phương nào cũng mắc phải, rồi tình trạng người dân tham gia lễ hội quá lạm dụng việc đặt vàng mã, thắp hương sai quy định là những vấn đề chưa khắc phục được. Tất cả những hạn chế, bất cập đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến ý nghĩa của các lễ hội dân gian truyền thống; làm mất đi hình ảnh đẹp trong lòng du khách và bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Vì sao đã nhiều năm qua mà những hình ảnh phản cảm tại các lễ hội vẫn chưa thể bị xóa bỏ? Nhiều ý kiến cho rằng, chính vì nếp sống tùy tiện, thiếu ý thức, mạnh ai nấy làm của khách trẩy hội cùng sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý văn hóa và các cấp chính quyền đã gây nên sự xô bồ, nhếch nhác, mất trật tự vệ sinh, tạo “đất sống” cho các tệ nạn hoành hành tại các lễ hội.

Phát huy vai trò của các cấp chính quyền

Để từng bước xóa bỏ dần những hình ảnh phản cảm tại lễ hội, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định thành công, thất bại của lễ hội. Quản lý, tổ chức lễ hội phải xuyên suốt từ trên xuống dưới, các cấp đều phải có trách nhiệm khi tổ chức lễ hội. Ban tổ chức phải đủ thành phần và phải có sự quản lý của chính quyền cơ sở, tránh tình trạng một số người tìm cách luồn lách tăng thu nhập cá nhân hay vì mục đích “lợi ích nhóm” cho thiểu số.

Chỉ ra những kinh nghiệm quý giá trong tổ chức lễ hội, ông Bùi Văn Lững, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa danh thắng núi Bà Đen (Tây Ninh) chia sẻ, trước đây do chưa có sự phối hợp đồng bộ, công tác chỉ đạo chưa sát, các đầu công việc triển khai thiếu nhiệt tình dẫn đến hiệu quả không cao. Nhưng từ khi Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã trực tiếp làm Trưởng Ban tổ chức lễ hội, công tác chỉ đạo đủ “sức nặng” để các sở, ban, ngành vào cuộc nhiệt tình, triển khai đồng bộ nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, hoạt động lễ hội Xuân núi Bà Đen đã đi vào nền nếp, văn minh, quy mô cũng được mở rộng, công chúng đồng tình ủng hộ.

Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai Trần Hữu Sơn cho rằng, để quản lý tốt công tác lễ hội, cần có sự tham gia của 3 bên: vai trò của nhân dân, nhà khoa học và vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước. Đối với những công việc thuộc về nghi thức, nghi lễ trong lễ hội thì nên để nhân dân thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước tham gia công tác quản lý trật tự lễ hội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… Lễ hội dân gian thì phải trả cho dân, nhưng không thể phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và lễ hội nói riêng.

Trước tình trạng nhiều lễ hội biến tướng, phản cảm, làm mất đi những giá trị gốc của truyền thống sinh ra lễ hội, Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Huỳnh Vĩnh Ái lưu ý các địa phương cần có sự hướng dẫn người dân tham gia lễ hội và thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, nghiêm chỉnh. “Đây không phải là lĩnh vực dùng các mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh mà xong. Chúng ta còn cần tới các biện pháp vận động, thuyết phục, tuyên truyền và làm gương cho người dân...” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

Anh Thơ