Lấy ý kiến thực chất hay hình thức
Lấy ý kiến các đối tượng liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc lấy ý kiến có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, từ tổ chức hội nghị, hội thảo đến gửi văn bản xin ý kiến, góp ý. Nghĩa là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thì đây là yêu cầu bắt buộc và có nhiều kênh để các đối tượng liên quan, nhất là doanh nghiệp (DN) tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Nếu theo những quy định của pháp luật, đây là quá trình “đôi bên cùng có lợi”. Tuy nhiên, dường như giữa các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thống nhất, khiến cho hiệu quả của quy định này chưa phát huy được trên thực tế.
Từ phản ánh của nhiều DN, cũng như các tổ chức đại diện thì có thực tế đáng quan tâm là việc lấy ý kiến còn rất hình thức. Chính vì thế, DN không mặn mà. Không bàn vội đến những vấn đề như phản hồi của cơ quan soạn thảo trước ý kiến, hoặc ý kiến trái chiều của DN, mà chỉ nhìn ở khía cạnh trình tự, thủ tục lấy ý kiến cũng đã thấy được tính hình thức. Theo phản ánh của nhiều DN thì văn bản xin ý kiến xây dựng pháp luật, nhưng công văn lại đóng dấu… hỏa tốc; hoặc gửi văn bản xin ý kiến không liên quan đến lĩnh vực DN hoạt động, DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải thì lại nhận được công văn xin ý kiến dự thảo về lĩnh vực khí tượng thủy văn, hoặc ngược lại. Điều này có nghĩa là việc xin ý kiến chỉ làm cho “đủ”, không cần quan tâm đến chất lượng của việc xin ý kiến. Trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ thời gian lấy ý kiến các đối tượng liên quan, cũng như sự phản hồi ý kiến của cơ quan soạn thảo.
Tuy nhiên, khi nhìn vấn đề này ở góc độ của cơ quan được giao chủ trì văn bản lại thấy một thực tế khác. Đó là nhận thức về quyền và lợi ích của DN trong quá trình xây dựng pháp luật chưa cao, dù trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định rất rõ quyền đóng góp ý kiến của DN trong xây dựng pháp luật. “Đa số các DN còn rất thờ ơ với việc này, đặc biệt DN nhỏ và vừa, nơi bộ phận pháp chế còn mỏng. Khả năng tiếp cận, phân tích đánh giá văn bản quy phạm pháp luật còn thấp” - là những nhận định của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp về quá trình lấy ý kiến của DN. Phản ánh từ pháp chế địa phương còn cho thấy một thực tế khác nữa đáng quan tâm hơn, đó là dù rất vướng mắc nhưng rất ít DN cho ý kiến vì ngại “đụng chạm”.
Vậy tại sao là có sự “lệch pha” trên? Làm thế nào để giải quyết được khúc mắc? Để giải quyết, khắc phục những vướng mắc này, trước hết cần đổi mới cách lấy ý kiến, phản hồi ý kiến của cơ quan được giao chủ trì xây dựng văn bản. Đồng thời, cần có sự phân loại các vấn đề, đối tượng lấy ý kiến. Chỉ lấy ý kiến DN đối với những văn bản liên quan đến ngành, nghề lĩnh vực hoạt động của DN. Cần có thống kê bao nhiêu DN phản hồi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chứ không dừng lại ở con số bao nhiêu DN nhận được dự thảo lấy ý kiến.