Lấy ý kiến kết quả rà soát văn bản trong lĩnh vực thành lập, đăng ký, điều kiện đầu tư kinh doanh

- Thứ Năm, 26/11/2020, 15:16 - Chia sẻ
Ngày 26.11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp, Đại sứ quán Anh; Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã đồng tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN.
Lấy ý kiến kết quả rà soát văn bản trong về thành lập, đăng ký, điều kiện đầu tư kinh doanh

Trên cơ sở rà soát 304 văn bản bản quy phạm pháp luật cho thấy, phần lớn các văn bản đều cho thấy sự bảo đảm về tính hợp pháp, đáp ứng tính khả thi, minh bạch, tạo cơ sở sở pháp lý cho hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, cần được bổ sung, hoàn thiện để thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả. Chẳng hạn, Điểm e, Khoản 2, Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “trường hợp Cơ quan đăng ký có yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu Lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh” là chưa rõ ràng, cụ thể về các trường hợp người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu Lý lịch tư pháp. Điều này dẫn đến sự tuỳ tiện trong thực thi, gây khó khăn cho các chủ thể khi thành lập doanh nghiệp. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Đổng Ngọc Ba cho rằng, cần phải quy định cụ thể các trường hợp Cơ quan đăng ký yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu Lý lịch tư pháp.

Nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật đã được nhóm đề xuất

Tại hội thảo đại diện của các bộ, ngành, doanh nghiệp cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo; đồng thời đề xuất  các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý kịp thời các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước tăng cường công tác rà soát hệ thống các văn bản pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản pháp luật về thành lập, đăng ký doanh nghiệp, điều kiện đầu tư kinh doanh để loại bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tế đã được ban hành cũng như hạn chế việc ban hành các quy định không hợp pháp, hợp lý.

Phạm Hải