Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, được xây dựng cụ thể hóa 5 chính sách gồm: Định danh nhà giáo, tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý Nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo ra đời được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn khi áp dụng chế độ, chính sách cho nhà giáo, đồng thời tạo sự đột phá về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng áp dụng; quy định rõ hơn về chứng chỉ hành nghề với nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo cần làm rõ hơn về câu từ; xếp loại đánh giá nhà giáo cần có sự thống nhất theo quy định; giảm bớt độ tuổi nghỉ hưu đối với các nhà giáo; cần bố trí, sắp xếp đội ngũ của các trường nhằm bảo đảm công bằng giữa các nhà giáo; tiếp tục có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy giáo dục ngoài công lập phát triển; hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý để các trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động.
Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã bổ sung 40 Điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Dự thảo Luật xây dựng theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, gồm: điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Góp ý Dự thảo Luật, các đại biểu tập trung vào phạm vi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay; các quy định liên quan đến trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức, thời hạn đóng, mức đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng bảo hiểm y tế, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng theo từng nhóm đối tượng (khoản 8, 9,10, 11, 12 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 12, 13, 15, 16, 17); phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (khoản 13, 14, 15 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 21, 22, khoản 7 Điều 23); thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế (khoản 20, 22, 23 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30, Điều 32 và điểm a, b khoản 1 Điều 35; khoản 21 Điều 1 bổ sung khoản 4, 5, 6 vào Điều 31); trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế (khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 6, 7a, 7c, 8, 10).
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sát, trách nhiệm, xuất phát từ thực tiễn của các đại biểu vào 2 Dự án Luật. Đồng thời khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp, nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội tại Kỳ họp tới.