Lấy tình người làm trọng

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh 19/05/2020 08:09

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tin rằng dù có điều kiện ban hành đầy đủ pháp luật, thì quan điểm đức trị vẫn được tôn trọng, dù không thể thay thế cho pháp trị…

Nhiều năm trở lại đây, Quốc hội nước ta thông qua nhiều đạo luật, thể chế hóa quyền dân chủ bằng pháp luật để thay thế cho các sắc lệnh. Trước thành tựu ấy, có người cho rằng sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ chăm lo đức trị mà ít chú ý pháp trị. Chúng tôi không tán thành ý kiến này. Bởi xét hoàn cảnh thực tế, trong khi đang tập trung chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội không thể có điều kiện tập trung ban hành các bộ luật như Quốc hội hiện nay.

Và với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tin rằng dù có điều kiện ban hành đầy đủ pháp luật, thì quan điểm đức trị vẫn được tôn trọng, dù không thể thay thế cho pháp trị. Trong tập thơ Nhật ký trong tù, Người từng nhắc: “Không dùng quyền uy, chỉ cần ân nghĩa”(1). Tuy nhiên, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ân nghĩa hoàn toàn không phải là quan hệ riêng tư của một số người, mà ân nghĩa chính là quyền lợi dân chủ cho đại đa số nhân dân. Người nói: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2).

Là lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ tự cho mình là đứng trên nhân dân. Người luôn tự coi mình và các cộng sự là đầy tớ của nhân dân và đòi hỏi những đầy tớ ấy phải lấy ý nguyện của dân làm mục đích hoạt động. Năm 1952, Người nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ của dân”(3). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để làm tròn nhiệm vụ phục vụ nhân dân, điều trước tiên đòi hỏi người cách mạng là phải tự mình rèn luyện đạo đức, phẩm chất. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những năm 1920, mở đầu các bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh lại bắt đầu từ mục “Tư cách người cách mệnh”, và trong những tư cách ấy, tính tổ chức, kỷ luật và đạo đức của người cán bộ phải được đặt lên hàng đầu.

Dám làm, dám chịu trách nhiệm là tư cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta chủ trương thực hiện cải cách ruộng đất để giải phóng nông dân. Đường lối, mục đích cải cách ruộng đất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng do một số sai lầm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện mà cải cách ruộng đất đã phạm sai lầm, dẫn tới tổn thất uy tín của Đảng và hạn chế thắng lợi ở nông thôn. Khi phát hiện sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết chỉ đạo sửa chữa và bản thân Người cũng nghiêm khắc tự kiểm điểm. Ngày 25.8.1956, trong lời khai mạc Hội nghị Trung ương Khóa II lần thứ 10 mở rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên tiếp cận với chủ nghĩa Marx - Lenin, và cũng chính Người đã chủ tâm học tập ở chủ nghĩa Marx - Lenin hai điều quan trọng. Hai điều ấy, như chính Người đã từng bộc bạch: Thứ nhất là học phép biện chứng của chủ nghĩa Marx - Lenin và thứ hai là muốn hiểu chủ nghĩa Marx - Lenin thì phải sống với nhau có tình có nghĩa.

Ngày 7.6.1968, khi bàn với một số cán bộ về việc xuất bản lại sách Người tốt, việc tốt nhằm động viên và khuyến khích mọi việc làm tốt đẹp trong nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa… Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là chủ nghĩa Marx - Lenin được”(5). Và cho đến những lời dặn cuối cùng trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Hồ Chí Minh đã ân cần nhắc nhở Đảng phải giữ gìn kỷ luật, đoàn kết, nâng cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, nhưng sự phê bình ấy “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(6).

Trong cuộc đấu tranh để tồn tại và phát triển, không chỉ riêng các chính đảng tư sản, mà ngay cả một số đảng anh em bạn bè ta cũng đã từng trải qua các cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt. May mắn thay, Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam có một lãnh tụ kiên quyết mà nhân hậu, đã đứng mũi chịu sào hứng bao sóng gió hiểm nguy, nhưng luôn lấy TÌNH NGƯỜI làm trọng. Bài học này, truyền thống này mãi mãi còn giữ nguyên giá trị, mãi mãi là cẩm nang để duy trì sức mạnh của một đảng cầm quyền.

Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, học tập tấm gương Hồ Chí Minh về tính kỷ luật, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình là việc làm thiết thực để Đảng ta chỉnh đốn và tự đổi mới, làm trọn nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện ý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng con người.

----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.376
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.56-57
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.515
(4) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.333
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.554
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.49

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lấy tình người làm trọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO