Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - bước tiến lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Nhật Khánh 30/01/2013 18:21

QH vừa đi qua 366 ngày của năm 2012. Bàn về hoạt động của QH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ ĐÀO TRỌNG THI cho rằng, năm qua, QH đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó, Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là nội dung nổi bật nhất. Bởi đây là bước tiến lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Lấy phiếu tín nhiệm tạo điều kiện thực hiện cơ chế từ chức, khai mở cho văn hóa từ chức.

Với việc thực hiện trọng trách được giao, khi được hỏi Chủ nhiệm cảm nhận như thế nào khi biểu quyết thông qua Nghị quyết mà trong đó mình trở thành một trong những đối tượng điều chỉnh, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi chân thành và thẳng thắn: lấy phiếu tín nhiệm là cơ chế kiểm soát quyền lực quan trọng đối với một Nhà nước pháp quyền. Vì vậy không thể vì lợi ích cá nhân mà cản trở một chủ trương đúng đắn như vậy, một cơ chế đã phải trăn trở từ lâu mới có cơ hội trở thành hiện thực. Nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì dẫu là ai, cũng đều phải chấp nhận rút lui vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ của xã hội và vì sự phát triển của đất nước.

Tiền đề Nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là Nghị quyết Trung ương 4

- Thưa Chủ nhiệm, trong năm qua, cử tri và nhân dân cho rằng, QH tiếp tục ghi dấu ấn đẹp với nhiều quyết đáp quan trọng, mang tính lịch sử. Trước thềm năm mới, nội dung nào trong hoạt động của QH để lại cho Chủ nhiệm ấn tượng sâu sắc nhất? 

- Năm qua, QH đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung đặc biệt quan trọng, được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri cả nước. Với tôi, việc QH thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Tư là nội dung nổi bật nhất.

Nổi bật bởi việc thông qua Nghị quyết này là bước tiến lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa. Và nếu không quá lời, thì đây là kết quả quan trọng nhất, có giá trị nhất trong việc phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Thế nhưng, quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là dấu ấn quan trọng của dân chủ xã hội chủ nghĩa mà còn là kết quả rất có giá trị của chủ trương thiết lập các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Đào thất thốn Ảnh: Quang Tuấn
Đào thất thốn                                                                                              Ảnh: Quang Tuấn

Hiến pháp hiện hành khẳng định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân... Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Lần này, trong định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, chúng ta tiếp tục khẳng định và phát triển bản chất, mô hình tổng thể của thể chế chính trị, đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), một nội dung bổ sung quan trọng về sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

- Thưa Chủ nhiệm, khoảng một năm về trước, khi bàn về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, không ít ý kiến hồ nghi và cho rằng, yêu cầu bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ mang tính chất lý thuyết mà không có tính khả thi. Nhận định như vậy có chuẩn xác hay không? 

- Đấy là câu chuyện của một năm về trước và khi ấy QH chưa có Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với những quan điểm, quy trình rõ ràng và cụ thể. Còn bây giờ, sau khi Nghị quyết của QH được thông qua thì việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm có lẽ là cơ chế kiểm soát quyền lực quan trọng nhất giữa các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị. Xin nhấn mạnh: đây không chỉ là thành tựu của QH mà chính là kết quả của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Và đây là một trong những chủ trương sáng suốt nhất của Đảng, được cụ thể hóa thành công trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng và được thể chế hóa kịp thời trong Nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bước tiến trong hoạt động của QH này sẽ mở đường cho việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm ở các cơ quan, tổ chức khác của hệ thống chính trị. Bởi, chủ trương của Đảng đâu phải chỉ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong QH. Theo Nghị quyết, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn. Nếu những chức danh lãnh đạo cao cấp nhất như Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH... đều đã được lấy phiếu tín nhiệm thì lý gì đối với các chức danh khác trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị lại không áp dụng cơ chế này.

Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 như vậy hứa hẹn những kết quả thực sự. Công bằng mà nói thì có được những bước tiến như vậy nhờ cách làm đổi mới tương tự như trong cách thức triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng: làm từ trên xuống dưới, cấp trên làm gương cho cấp dưới. Với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng vậy, chúng ta bắt đầu đối với những chức danh chủ chốt, cao cấp nhất ở Trung ương và địa phương trước.

- Cũng trong quá trình thảo luận, không ít ý kiến băn khoăn giữa hai khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời đề nghị cần phân biệt rõ hai hình thức này? Theo Chủ nhiệm, đâu là điểm khác nhau mấu chốt để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu? Bởi, rõ về khái niệm sẽ tạo tiền đề mạch lạc trong quá trình triển khai thực hiện…?

- Lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức định kỳ, thường xuyên nhằm thăm dò mức độ tín nhiệm của tất cả các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Còn bỏ phiếu tín nhiệm chỉ thực hiện đối với những cán bộ lãnh đạo có tín nhiệm thấp để tiến đến miễn nhiệm chức vụ. Bởi vậy, lấy phiếu tín nhiệm tạo tiền đề cho việc bỏ phiếu tín nhiệm. Trước đây, pháp luật chỉ quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng các điều kiện để được tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm lại không khả thi. Vì pháp luật không cho phép vận động nên rất khó có thể hội đủ 20% tổng số ĐBQH đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một cán bộ cụ thể thuộc diện do QH bầu hoặc phê chuẩn. Điều kiện bỏ phiếu tín nhiệm khi có đề nghị của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc hoặc các cơ quan của QH cũng vướng các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định về công tác nhân sự của các cấp ủy. Đây có lẽ chính là nguyên nhân mà thời gian qua chúng ta chưa triển khai thực hiện được cơ chế đã được Hiến pháp và pháp luật quy định về bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - bước tiến lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ảnh 2
Nguồn: ITN

Như vậy, có thể xem lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò, chuẩn bị nhằm bổ sung cơ chế để lấp đầy khoảng trống trong quy định về bỏ phiếu tín nhiệm của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Với Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà QH thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với 49 chức danh lãnh đạo Nhà nước cao cấp nhất do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, chúng ta sẽ xác định được những cán bộ lãnh đạo nào không đủ uy tín để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

- Như vậy, với Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm rõ ràng đã khai mở cho một chủ trương lớn, tiến bộ của Đảng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật nhưng chưa có điều kiện thực hiện trên thực tế, thưa Chủ nhiệm?

- Nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn phù hợp với chủ trương chung của Đảng là lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên. Nhưng lấy phiếu tín nhiệm ở QH phải bảo đảm đúng quy trình, thủ tục của pháp luật, phải bảo đảm công khai, minh bạch và với hậu quả pháp lý rõ ràng, dứt khoát. Kết quả đã được 500 ĐBQH biểu quyết thì ai có thể sửa được? Ai có quyền làm ngược ý chí của QH được thể hiện bằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm? Đây là ý chí không phải của các cá nhân ĐBQH mà là của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Ai dám đứng trên pháp luật để thay đổi kết quả lấy phiếu tín nhiệm?

Đó là ý nghĩa lớn lao của Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bởi vậy, tôi đánh giá Nghị quyết này là thành công quan trọng nhất không chỉ của một kỳ họp hoặc một nhiệm kỳ QH. Việc QH thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã thể chế hóa một chủ trương lớn và sáng suốt của Đảng. Tiền đề của Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là Nghị quyết Trung ương 4. 

Từ quy trình lấy phiếu tín nhiệm tạo nên cơ chế thúc đẩy việc từ chức, khai mở văn hóa từ chức

- Với Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhiều cử tri nhìn nhận, đây là sự khai mở cho văn hóa từ chức. Có đúng như vậy không, thưa Chủ nhiệm?

- Ở xã hội phương Đông như chúng ta rất khó thực hiện việc từ chức, vì nó kéo theo nhiều hệ lụy. Từ chức ở ta coi như kết thúc sự nghiệp chính trị. Tâm lý là vậy, khác với ở các nước phương Tây, hôm nay từ chức nhưng chỉ một thời gian sau lại có thể quay trở lại chính trường một cách bình thường.

Nhưng với Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà QH vừa thông qua thì việc từ chức không còn hoàn toàn là vấn đề tự giác hay xuất phát từ ý thức trách nhiệm nữa mà đương sự phải cân nhắc rút lui như thế nào để mất mát ít nhất? Từ chức hay ở lại thì sẽ tốt hơn? Bởi lẽ trong trường hợp có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%, nếu không tự rút lui thì chính những ĐBQH vừa đánh giá anh thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ lại bỏ phiếu tín nhiệm đối với anh để quyết định có bãi miễn chức vụ hay không. Thế nên, từ chức trong trường hợp này có khi lại là lối thoát danh dự nhất và ít mất mát nhất. Lấy phiếu tín nhiệm tạo điều kiện là cơ chế tạo điều kiện thực hiện cơ chế từ chức, hay nói cách khác là khai mở văn hóa từ chức.

Ở các nước trên thế giới có lẽ cũng vậy thôi, quan chức không hoàn thành trách nhiệm buộc phải từ chức vì nếu không từ chức thì sẽ bị cách chức. Nói cách khác, từ chức không hoàn toàn là tự nguyện mà là theo yêu cầu thì đúng hơn. Các quan chức đều hiểu rất rõ rằng với lỗi mà mình gây ra tất yếu sẽ dẫn đến yêu cầu phải từ chức, và nếu không chủ động xin từ chức thì sẽ phải đối mặt với hậu quả mạnh mẽ hơn là bị cách chức. Hành động từ chức của họ không hoàn toàn xuất phát từ sự tự giác hay ý thức trách nhiệm mà trước đó họ đã nhận được tín hiệu yêu cầu từ chức.

Tương tự như vậy, việc đánh giá thấp thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm rõ ràng là tín hiệu mạnh mẽ và trực tiếp gửi đến cán bộ lãnh đạo do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn rằng, nếu không từ chức thì có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý nghiêm khắc hơn. Đây là điểm có giá trị: từ quy trình lấy phiếu tín nhiệm tạo nên cơ chế thúc đẩy việc từ chức.

- Như hai mặt của một vấn đề, cùng với mặt tích cực thì lấy phiếu tín nhiệm cũng có mặt tiêu cực. Theo Chủ nhiệm, nên xử lý mâu thuẫn này như thế nào để đạt tới mục tiêu đã đề ra và hiệu quả như mong muốn?

- Trong quá trình thảo luận, cũng có không ít ý kiến băn khoăn: liệu sức ép của việc lấy phiếu tín nhiệm có làm thui chột, hạn chế sáng kiến và tính năng động, sáng tạo của những người được lấy phiếu tín nhiệm hay không? Đây là vấn đề phải tính toán để nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt trái trong quá trình triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Tôi cho rằng, mặt tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ yếu, sẽ tác dụng tốt đến chất lượng công việc cũng như trách nhiệm của những người giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quyền lực nhà nước.

- Theo Nghị quyết của QH thì Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban thuộc 49 chức danh lấy phiếu tín nhiệm. Bấm nút thông qua một Nghị quyết mà trong đó Chủ nhiệm cũng là một trong những “đối tượng điều chỉnh”…?

- Như bạn biết, theo dự kiến ban đầu thì việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ dừng ở 49 chức danh như Nghị quyết đã được QH thông qua mà khoảng 350 chức danh khác cũng thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Nhưng kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, đa số ĐBQH không tán thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Trong quá trình thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị, chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH và các thành viên Chính phủ. Vì ở các nước trên thế giới người ta không lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh của QH.

Thực tế, tâm lý băn khoăn, ngại lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là có thật.

Nhưng, hệ thống các cơ quan quyền lực của chúng ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau. Quốc hội hay Chính phủ cũng đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước. Lấy phiếu tín nhiệm là cơ chế kiểm soát quyền lực quan trọng đối với một Nhà nước pháp quyền. Vì vậy không thể vì lợi ích cá nhân mà cản trở một chủ trương đúng đắn như vậy, một cơ chế đã phải trăn trở từ lâu mới có cơ hội trở thành hiện thực. Chính vì vậy, cá nhân tôi rất thoải mái và sẵn sàng để được lấy phiếu tín nhiệm. Các cán bộ lãnh đạo đã được nhân dân giao phó và đã nhận trọng trách thì phải sẵn sàng chấp nhận các thách thức. Các chủ nhiệm Ủy ban của QH cũng không ngoại lệ. Nếu các ĐBQH thay mặt cho ý chí của nhân dân, không hài lòng với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước thì họ có trách nhiệm và thẩm quyền tỏ thái độ thông qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì dẫu là ai, cũng đều phải chấp nhận rút lui vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ của xã hội và vì sự phát triển của đất nước.

- Xin trân trọng cám ơn Chủ nhiệm!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - bước tiến lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO