Phát triển nghề truyền thống:

Lấy mô hình hợp tác xã để duy trì và phát triển

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 11:09 - Chia sẻ
Lâu nay, các làng nghề truyền thống luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Để nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển, một số làng nghề đang dần chuyển sang mô hình hợp tác xã trong những năm gần đây…
Hiện nay, nhiều hợp tác xã là nới vừa giữ nghề, vừa làm kinh tế
Hiện nay, nhiều hợp tác xã là nơi vừa giữ nghề, vừa làm kinh tế

Vừa giữ nghề, vừa làm kinh tế

Các làng nghề truyền thống luôn có một chỗ đứng nhất định tại các địa phương, nó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho của người dân mà còn tạo nên một nét đẹp văn hóa mang tính đặc trưng vùng, miền. Tuy nhiên, do nhiều hộ gia đình tại các làng nghề thường có tâm lý giữ nghề, truyền nghề riêng cho người trong gia đình, dòng họ để tránh bị “mất nghề” nhưng quan niệm này nay đã thay đổi và nhiều gia đình đã chủ động truyền nghề lại cho thế hệ trẻ nhằm giúp làng nghề của họ tránh mai một và ngày càng phát triển hơn. Để nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển, hiện các làng nghề đã dần chuyển sang mô hình hợp tác xã.

Hà Nội với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng hiện nay chỉ có 223 hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Số lượng không nhiều nhưng các hợp tác xã đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn thì nghề truyền thống là nghề đã hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển. Thực tiễn ngày càng cho thấy sản phẩm làng nghề muốn tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại thì không chỉ có chất lượng kỹ thuật mà còn phải có giá trị thẩm mỹ cao, mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tâm hồn, trí tuệ của nghệ nhân. Những nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm là linh hồn, “báu vật” sống nắm giữ tinh hoa của làng nghề truyền thống. Vì vậy, để sản phẩm của làng nghề có nhiều người biết đến và đi được xa hơn, nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển thì mô hình hợp tác xã là chỗ dựa vững chắc cho làng nghề tồn tại và phát triển.

Khôi phục làng nghề gắn liền phát triển hợp tác xã

Làng nghề là một không gian lưu giữ những kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, cụ thể. Và du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa đầy tiềm năng đang được các đại phương trong khai thác có hiệu quả. Để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên cả nước đã xác định tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các làng nghề, xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường các hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho người dân, định hướng giá trị, mở rộng quảng bá sản phẩm của địa phương gắn kết với phát triển du lịch, hỗ trợ kênh liên kết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, hợp tác xã…

Nhiều địa phương đã lấy mô hình hợp tác xã để giúp người dân phát triển làng nghề truyền thống
Nhiều địa phương đã lấy mô hình hợp tác xã để giúp người dân phát triển làng nghề truyền thống

Chính được sự quan tâm để phát triển các làng nghề, xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên nhiều hợp tác xã đã đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư nhằm đẩy mạnh phát triển kinh doanh, liên kết mở rộng ngành nghề. Một số hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt một số khâu dịch vụ, từ đó làm nền tảng góp phần nâng cao hiệu quả đối với quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Việc xây dựng hợp tác xã cũng là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với yêu cầu ngay cấp xã phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã  hoạt động có hiệu quả.

Với việc đưa hợp tác xã có những cách làm, giải pháp bài bản đã góp phần giúp người dân làng nghề truyền thống thay đổi tư duy phát triển làng nghề truyền thống, giữ gìn, phát triển sản phẩm truyền thông, bên cạnh đó, từng bước tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân và xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bảo Ngân