Lars Von Trier - “Kẻ gây bão”
Người vừa trở lại Cannes sau 7 năm bị “cấm cửa”, mỗi lần đến đều mang theo bão tố. Nhưng không có những kẻ như ông thì phim ảnh cũng buồn lắm thay! Và Cannes biết lấy gì mà… “nổi lửa”?
The House That Jack Built - bộ phim mới nhất của Lars Von Trier, vị đạo diễn sau 7 năm bị “cấm cửa” tại Cannes vì lên tiếng “thấu hiểu hành động của Hitler về diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến 2” tại LHP Cannes năm 2011, lại tiếp tục gây bão tố tại một trong những LHP lớn nhất thế giới vừa diễn ra này. Phóng viên Variety tường thuật, khoảng 100 người bỏ về giữa chừng (trong phòng chiếu có đến 2.400 người) cùng những lời bình luận tiêu cực, đại loại như “buồn nôn, kinh tởm, 2 giờ 30 phút sống trong địa ngục”, thậm chí còn “kết tội” diễn viên đóng bộ phim.
Phim có bối cảnh những năm 1970, kể về một tay giết người hàng loạt, lại thích triết lý. Anh ta bảo đại loại thiên đường và địa ngục là một và chúng giống nhau, anh cho rằng linh hồn thuộc thiên đường còn thể xác thuộc địa ngục. Nói chung anh thuộc các thể loại ác nhân tâm thần bệnh hoạn và thích thiết lập lại trật tự xã hội.
“Là một kẻ cực đoan đến tận cùng, Lars Von Trier đi sâu khai phá cái ác, bản năng, sự tăm tối, thù hận của con người; ông cũng thích thiết lập lại xã hội vì cho rằng con người hiện đại quá suy đồi” |
Tuy nhiên, bất chấp lời bình luận tiêu cực của những kẻ yếu bóng vía và không chịu được nhiệt, The House That Jack Built vẫn nhận được tràng vỗ tay kéo dài gần 10 phút khi kết thúc phim. Giới phê bình báo chí cũng chia rẽ, có bài “xúc đất đổ đi”, có bài lại tâng lên mây, chẳng hạn như trang IndieWire thì chấm tới 4,5/5 sao và gọi đây là một tác phẩm gây tranh cãi (như thường lệ) rất tàn bạo, gây kinh hoàng, nhưng đồng thời cũng sáng chói của Lars Von Trier.
Hiển nhiên, Lars Von Trier mà không gây tranh cãi, không mang theo bão tố mỗi lần giới thiệu phim mới thì đã không phải là Lars Von Trier.
![]() |
Lars Von Trier là đạo diễn người Đan Mạch, từng đoạt Cành Cọ Vàng (Dancer in the Dark, 2000); Grand Prize (tức Giải Nhì, với phim Breaking the Waves, 1996) và Jury Prize (Giải của BGK với phim Europa, 1991), đồng thời có công mang lại chiến thắng Nữ diễn viên chính xuất sắc tại 3 kỳ LHP Cannes cho 3 nữ nghệ sĩ tài danh là Bjork (Dancer in the Dark), Charlotte Gainsbourg (Antichrist) và Kristen Dunst (Melancholia). Thậm chí ông còn giúp một con chó trong bộ phim Dogville (phim tôi thích nhất của ông) đoạt giải Palm Dog (tức là Cành cọ vàng cho… chó).
Nói chung, Lars Von Trier chẳng cần danh hiệu gì nữa. Phim lần này cũng chỉ là “Out of Competition”, tức là chiếu bên lề chứ không dự thi. Nhưng hễ phim ông xuất hiện là ngay lập tức trở thành tâm điểm, làm lu mờ hết xống áo thảm đỏ, sao lớn sao bé của Cannes.
Đạo diễn có nhiều kiểu. Có những đạo diễn chuyên dòng hiện thực, có những đạo diễn thích siêu thực, có những đạo diễn đề cao giá trị con người, cuộc sống; lại có những đạo diễn luôn chống đối những thứ giả tạo của con người, cuộc sống và những cái vòng kim cô đạo đức siết chặt bản năng của con người... Lars Von Trier là một đạo diễn như vậy. Là kẻ cực đoan đến tận cùng, ông đi sâu khai phá cái ác, bản năng, sự tăm tối, thù hận của con người; ông cũng thích thiết lập lại xã hội vì cho rằng con người hiện đại quá suy đồi.
Trong Dancer in the Dark, ông bảo vệ cho bà mẹ nhập cư câm điếc giết người vì những lý do chính đáng. Trong Dogville, lão để một người đàn bà bị săn đuổi (Nicole Kidman) thanh trừng hết cả cái làng từng chứa chấp nhưng hành hạ cô ta, chỉ trừ một con chó (chính là con chó từng đoạt giải Palm Dog). Trong Antichrist, ông nói về nỗi đau tận cùng của một bà mẹ ham hưởng lạc để con rơi qua cửa sổ chết. Nỗi đau và những cơn trầm cảm dai dẳng đó khiến cô ta hành động như một kẻ điên loạn. Trong Nymphomaniac, ông kể về những trải nghiệm kinh hoàng của một người đàn bà cuồng dâm trong suốt 4 tiếng đồng hồ (2 tập)...
![]() |
Nếu đã từng chứng kiến những trải nghiệm điện ảnh khốc liệt của Lars Von Trier thì sẽ không thấy sốc khi xem The House That Jack Built. Tôi đồ rằng 100 vị rời khỏi rạp chiếu kia chắc chưa bao giờ xem phim của Lars Von Trier. Nếu 2.400 vị khán giả tại Cannes hôm 14.5 vừa rồi mà bỏ về hết và không có màn vỗ tay 10 phút sau bộ phim thì tôi mới tin Lars Von Trier đã hết thời.
Nói chung Lars Von Trier là một ca rất lạ trong làng điện ảnh thế giới. Đến từ Bắc Âu, xứ sở văn minh và “hạnh phúc nhất thế giới”, nhưng đầu óc của ông thuộc loại “quái đản”, chứa đựng tinh thần phản kháng những giá trị xã hội, con người, đạo đức, tôn giáo... bị đóng khung. Ông là kẻ mà mỗi lần đến đều mang theo bão tố. Nhưng không có những kẻ như ông thì phim ảnh cũng buồn lắm thay! Chả thế mà Cannes đã phải mở cửa để rước ông quay trở lại, không thì lấy gì mà… “nổi lửa”?