Rất mừng và kỳ vọng
-Được biết, trước đây ông từng là một trong những chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu và tư vấn chính sách phát triển cho TP. Đà Nẵng. Ông có cảm nhận thế nào khi Quốc hội đang xem xét ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố?
-Trước hết, cảm nhận của tôi là rất mừngvàkỳ vọng. Mừng vì Đà Nẵng cần động lực về thể chế khả dĩ khai thông được nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn và nhất là hình thành được hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo; tận dụng được thời cơ trong giai đoạn phát triển mới. Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho Đà Nẵng thay cho Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo tinh thần Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị, thì đây là tín hiệu rất tích cực.
Kỳ vọng vì nếu Quốc hội thông qua, thì Đà Nẵng lần đầu tiên có được một hệ thống các quy định về mô hình chính quyền đô thị chính thức (không phải thí điểm); cơ chế mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương trong nhiều lĩnh vực; nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành công nghệ cao; đổi mới sáng tạo, nhất là thí điểm xây dựng khu thương mại tự do (FTZ)... để Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của đô thị động lực của vùng duyên hải Trung Bộ.
Thứ đến, theo quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng đô thị “sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế... Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm tài chính quy mô khu vực, là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á...”, nên Đà Nẵng cần được thí điểm những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, vượt trội để tạo động lực thực hiện mục tiêu phát triển theo quy hoạch.
- Để đạt được kỳ vọng đó, theo ông những nội dung nào của nghị quyết, nếu được thông qua sẽ mang tính “vượt trội, đột phá” như tinh thần Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị?
- Tôi cho rằng, trước hết là hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bao gồm cả 3 bộ phận thể chế, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức; chính quyền kiến tạo phát triển và xây dựng nền công vụ phục vụ. Mô hình tổ chức phù hợp với đặc điểm của đô thị về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công vụ địa phương; dư địa về chính sách cho HĐND chủ động khai thác nguồn lực phát triển và trong quản lý đô thị.
Nội dung tiếp theo là cơ chế phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn như: quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, tài chính - ngân sách... tăng tính chủ động và trách nhiệm của bộ máy hành chính thành phố; giảm cơ chế xin - cho trong công vụ; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành thành phố; nâng cao vai trò của chế độ thủ trưởng đối với Chủ tịch UBND Thành phố và các quận cũng như vai trò quyết định và giám sát của HĐND... Với quy mô diện tích và dân số của Đà Nẵng hiện nay có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị.
Về chính sách tạo động lực, có 2 nhóm quan trọng, gồm: chính sách thu hút đầu tư để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển. Đà Nẵng phải đi đầu trong phát triển kinh tế số, công nghiệp bán dẫn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghiệp xanh; dịch vụ xanh, đô thị xanh... thông qua chính sách thu hút đầu tư. Và nhóm chính sách huy động nguồn lực tài chính cho ngân sách, mở rộng mô hình PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và nên thí điểm cả cơ chế TOD trong phát triển giao thông đô thị (hiện đang thí điểm cho TP. Hồ Chí Minh).
Việc thí điểm xây dựng FTZ gắn với cảng biển - logistics sẽ biến nơi đây thành một điểm mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu; điểm đến của nhà đầu tư, nên cần cơ chế, chính sách vượt trội. Tôi rất hoan nghênh nếu Quốc hội cho phép Đà Nẵng miễn thuế thu nhập cá nhân về tiền lương, tiền công trước mắt trong 5 năm đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, cá nhân hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khóa học công nghệ... nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Cần quyết tâm chính trị rất cao
- Nhưng thực tế cũng cho thấy, giữa luật, nghị quyết của Quốc hội và quá trình thực hiện luôn có khoảng cách. Theo ông, để nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả cao nhất khi thực hiện, thì cần quan tâm những vấn đề gì?
- Những nội dung của nghị quyết của Quốc hội cho thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù chưa được quy định hoặc trái với quy định hiện hành, nhưng sẽ có hiệu lực như một đạo luật, nên cần cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội bằng các văn bản quy định pháp luật khác, như nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND mới có thể đi vào cuộc sống. Do đó, công tác chuẩn bị những công việc này để kịp thời gian vào thời điểm nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực sau khi được thông qua sẽ là thách thức rất lớn. Nhiều nội dung phải triển khai bằng đề án, dự án... mới có thể đi vào cuộc sống.
Cơ chế phân cấp, phân quyền bao giờ cũng đi liền với việc nâng cao năng lực vận hành của bộ máy hành chính địa phương, nên việc tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân lực phù hợp với yêu cầu cũng là thách thức không nhỏ.
Cuối cùng là cần có sự quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị địa phương cùng với sự hỗ trợ, đồng trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong quá trình thực thi, nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình, thủ tục từng đề án, dự án cụ thể.
Cơ chế, chính sách đặc thù chỉ một phần trong hệ thống các quy định về quản lý nhà nước, nên từng dự án cụ thể sẽ phát sinh “sự vênh” giữa thẩm quyền quyết định và thủ tục theo quy định hiện hành nên không tránh khỏi những vướng mắc trong thực tế. Tuy nhiên, với khát vọng phát triển, sự năng động, sáng tạo vốn có của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, tôi tin rằng sẽ thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội, đưa Đà Nẵng phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
- Xin cảm ơn ông!