Nhà nước cần có sự định hướng, điều phối, kiểm tra, giám sát hoạt động từ thiện nhân đạo

- Thứ Bảy, 08/10/2022, 06:22 - Chia sẻ

Tại Hội thảo "Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam" diễn ra sáng qua, nhiều đại biểu cho rằng, cần có sự quản lý, định hướng và điều phối với hoạt động này. Đồng thời, xem xét có cơ chế kiểm tra, giám sát để hoạt động từ thiện nhân đạo mang tính bền vững hơn, thay vì tự phát, bảo đảm công khai, minh bạch và lành mạnh hóa hoạt động này.

Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, hoạt động từ thiện, cứu trợ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã góp phần phát huy bản chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - “lá lành đùm lá rách”. Về bản chất, hoạt động này phát sinh theo cách tự nguyện, không ép buộc, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động từ thiện, cứu trợ để giúp đỡ những người, nhóm người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đó là nhóm người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, người có bệnh hiểm nghèo không có điều kiện cứu chữa, bà con ở vùng sâu, vùng xa… Do đó, về bản chất, đây là hoạt động nhân đạo, có thuộc tính nhanh, kịp thời, đúng đối tượng để xử lý các vấn đề mang tính “khẩn cấp”.

Nhà nước cần có sự định hướng, điều phối, kiểm tra, giám sát hoạt động từ thiện nhân đạo -0
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Những năm qua, quy định của pháp luật về các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện nhân đạo không ngừng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong việc tham gia đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Nhấn mạnh đặc điểm này, nhiều đại biểu khẳng định, sự ra đời của hàng loạt văn bản luật, nghị định, thông tư đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động từ thiện. Có thể kể đến, như Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008; Nghị định 03/2022/NĐ - CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); Nghị định số 93/2021/NĐ - CP, ngày 27.10.2021, của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo... Các văn bản trên cho thấy, khung pháp lý cho các hoạt động từ thiện nhân đạo ở nước ta đã hình thành tương đối đầy đủ, tạo điều kiện để các hoạt động này ngày càng phát triển, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra, đó là pháp luật về từ thiện nhân đạo đang được quy định tản mát trong nhiều văn bản, do nhiều chủ thể khác nhau ban hành. Những văn bản tập trung điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo mới chủ yếu dừng ở mức nghị định, thông tư - mức pháp điển hóa chưa cao. Mặt khác, các hoạt động từ thiện hiện chủ yếu là tự phát, dẫn tới cách làm còn thiếu chuyên nghiệp. Chưa kể một số cá nhân thực hiện công tác từ thiện không có động cơ, mục đích trong sáng, khiến từ thiện nhân đạo trở nên biến tướng, có hiện tượng quà từ thiện bị ăn bớt, đánh tráo, người nhận từ thiện phải nộp tiền mới được nhận quà, chất lượng đồ từ thiện không bảo đảm, thậm chí là trục lợi tiền từ thiện nhân đạo.

Trước thực trạng trên, các đại biểu cho rằng, cần thiết nghiên cứu, xây dựng “Luật Từ thiện” để hoạt động từ thiện thực sự bài bản, đi vào chiều sâu, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích.

Phòng ngừa, hạn chế, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh

 Nhấn mạnh quan điểm cần khuyến khích, phát huy hoạt động từ thiện nhân đạo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu mặt trận, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Xuân Đức cho rằng, khi xây dựng luật chuyên ngành về từ thiện nhân đạo cũng cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung, đối tượng điều chỉnh như thế nào. Phải chăng Luật này sẽ điều chỉnh đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm từ thiện, đặc biệt chú trọng hoạt động từ thiện nhân đạo ở khu vực tư - khu vực tư cũng có nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, nhiều chủ thể tham gia khá đa dạng, nhưng thời gian qua lại phát sinh một số hạn chế trong quản lý, công khai, minh bạch hoạt động từ thiện nhân đạo.

 Một vấn đề nữa cũng được đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam đặt ra là sự quản lý, định hướng của Nhà nước đối với hoạt động từ thiện nhân đạo như thế nào? Thực tiễn cho thấy, đây là hoạt động rất cần có sự định hướng, điều phối của Nhà nước, bởi từng có trường hợp có nơi nhận được quá nhiều sự hỗ trợ, có nơi lại chưa, dù còn khó khăn. Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động từ thiện nhân đạo, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình giám sát, để hoạt động từ thiện nhân đạo thực sự bền vững, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân.

Trong bối cảnh đặc thù của nước ta, thường xuyên có thiên tai, bão lũ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các hoạt động từ thiện nhân đạo vì thế diễn ra khá liên tục. Đây cũng thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc được lưu truyền qua các thế hệ, thu hút sự quan tâm của cả xã hội và là quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể khác nhau. Chính vì vậy, Nhà nước phải có ưu tiên, chú trọng xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo và xử lý kịp thời những vi phạm phát sinh. Với tinh thần này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo" cần tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu, từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể với việc hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo. Đồng thời, xem xét đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức làm từ thiện và người nhận từ thiện, tránh xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.

Anh Thảo