Dư âm Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội

Kỳ vọng Hội nghị tạo hiệu ứng chuyển hóa các luật, nghị quyết vào thực tiễn nhanh chóng, hiệu quả

- Thứ Bảy, 09/03/2024, 07:12 - Chia sẻ

ThS. Nguyễn Vân Hậu

Thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được Nhân dân quan tâm, đánh giá cao. Đó là cách làm mới, hiệu quả, biến điều chưa có tiền lệ thành thông lệ, thể hiện tinh thần hành động nói đi đôi với làm, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, gắn kết chặt chẽ với công tác tổ chức thực thi chính sách. Kỳ vọng và tin tưởng sau Hội nghị sẽ thúc đẩy hành động quyết liệt, chuyển hóa các luật, nghị quyết vào thực tiễn nhanh chóng, hiệu quả.

Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV 	Ảnh: Hồ Long
Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Quyết tâm đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất

Hội nghị cho thấy quy mô, sự chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, kỹ lưỡng, quyết tâm đưa pháp luật vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nhìn lại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10 và 11.2023) và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm (tháng 1.2024), Quốc hội Khóa XV đã thông qua 9 luật, 11 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đó là kết quả lao động trí tuệ, sáng tạo, thể chế hóa chính sách của Đảng và Nhà nước bằng pháp luật, đưa cuộc sống vào trong luật trước yêu cầu thực tiễn và theo ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Trong đó, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có hơn 400 nội dung chi tiết gắn với trách nhiệm, tiến độ thực hiện của từng tổ chức, đơn vị, cơ quan trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành - một khối lượng công việc rất lớn đang được chuyển hóa vào đời sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Đây là những luật, nghị quyết quan trọng có ý nghĩa không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo của đất nước. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua là hoạt động lập pháp có tầm quan trọng chỉ đứng sau Hiến pháp.

Nhà nước xây dựng, ban hành pháp luật cũng chính là một bước xây dựng và ban hành chính sách. Tổ chức thực thi chính sách là khâu trung tâm kết nối chu trình chính sách, quyết định hiện thực hóa mục tiêu của chính sách và các mục tiêu chung thông qua việc thi hành luật, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Chính vì lẽ đó, dư luận cử tri và Nhân dân rất quan tâm các hoạt động trong, sau hội nghị này.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá sơ bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác triển khai luật, nghị quyết, nhất là sau thành công của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất; các cơ quan đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực khẩn trương triển khai thi hành luật, nghị quyết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, yêu cầu và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân rất lớn đối với hành động của bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp trong thời kỳ mới.

Hiệu ứng tích cực thúc đẩy hành động 

Thực tiễn cho thấy, chính quyền các cấp ở một số địa phương còn chưa coi trọng hoặc tổ chức chưa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nhất là phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức và cho các tầng lớp Nhân dân theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012. Sự am tường, tinh thông pháp luật của không ít cán bộ, công chức (kể cả lãnh đạo, quản lý) một số nơi còn hạn chế; biểu hiện rõ nhất là cán bộ, công chức phản ứng chính sách, pháp luật còn chậm, thậm chí không phản ứng khi có dấu hiệu trái pháp luật. Chẳng hạn, hiện nay nhiều đô thị lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ sai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; cá biệt, có nơi gần 50% biển báo giao thông trái pháp luật về độ cao biển báo (trong đô thị và khu đông dân cư phải có chiều cao tối thiểu 2m, ngoài khu đông dân cư là 1,8m) nhưng cán bộ quản lý đô thị, đơn vị lắp đặt biển báo và người thực thi công vụ đều không nhận thức được sai phạm và hậu quả pháp lý có thể dẫn đến vô hiệu các biển báo.

Trong một vấn đề khác, Điều 76, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, còn tình trạng ngăn cản người dân thực hiện quyền sử dụng đất của mình, gây bức xúc trong Nhân dân. Thực tiễn trên cho thấy, pháp luật chưa được thực thi một cách công bằng, nghiêm minh, trái với tinh thần bình đẳng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước pháp quyền.

Về quy định chi tiết thi hành luật, thời gian qua, do thiếu văn bản hướng dẫn, chính quyền địa phương thường ban hành văn bản hỏi cơ quan chuyên môn cấp trên trước khi ra các quyết định hành chính. Từ đó, phát sinh trường hợp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp bộ ban hành văn bản hành chính thông thường nhưng có chứa quy phạm pháp luật để phúc đáp. Cá biệt có công văn còn quy định biểu mẫu quyết định hành chính (một bộ phận thủ tục hành chính), giải thích, hướng dẫn thi hành luật cho các địa phương, là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Thông qua việc tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông, cử tri và Nhân dân theo dõi sát, đánh giá cao chất lượng các báo cáo trình bày tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai (ngày 7.3.2024) triển khai luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV với những nội dung cụ thể, thuyết phục, “rõ người, rõ việc” trong kế hoạch tổ chức triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng đại diện quyền lực của Nhân dân tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức chậm thi hành pháp luật, tiêu cực tham những, lợi ích nhóm trong thi hành pháp luật.

Kỳ vọng và tin tưởng sau Hội nghị lần này sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực từ cách làm mới, thúc đẩy chính quyền địa phương trong cả nước cùng Quốc hội, Chính phủ và hệ thống chính trị hành động quyết liệt, chuyển hóa các luật, nghị quyết vào thực tiễn nhanh chóng, hiệu quả, góp phần khẳng định và tô thắm thêm các giá trị cốt lõi của nền dân chủ ở nước ta. 

#