Kỳ vọng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Để Hà Nội phát triển bền vững, đáng sống và xứng tầm đại diện quốc tế

- Thứ Bảy, 04/11/2023, 14:24 - Chia sẻ

Theo chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Là một trong những đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Thủ đô năm 2012, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khóa XIII (2011-2016), Ủy viên Hội đồng Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam (VPDF), Đại sứ HÀ HUY THÔNG đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô năm 2012 cũng như một số nội dung đáng chú ý trong Luật Thủ đô của một số nước trên thế giới, nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo cho các đại biểu trong quá trình cho ý kiến với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này.

Hai đặc thù của Thủ đô

- Là một trong những đại biểu từng bấm nút thông qua Luật Thủ đô năm 2012 và mới đây nhất tham dự Toạ đàm do UBND TP. Hà Nội phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đồng chủ trì ngày 2.10 vừa qua, ông nhìn nhận như thế nào về việc chuẩn bị sửa đổi Luật Thủ đô lần này?

Ông Hà Huy Thông, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại
Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại khoá XIII, Đại sứ Hà Huy Thông

- Trước hết, có thể thấy, tài liệu chuẩn bị và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này rất công phu, đã tăng từ 26 Điều trong 4 Chương ở Luật Thủ đô năm 2012, lên 59 Điều trong 7 Chương với nhiều điểm mới, thậm chí được coi là “đột phá”, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24.1.2022, của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Do Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 đến nay đã tròn 10 năm, theo tôi trong hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội lần này nên kèm theo tài liệu Phụ lục Báo cáo về “10 năm (2013-2023) Luật Thủ đô có hiệu lực” (nếu có). Hoặc có thêm Báo cáo tổng kết nêu những thành tựu và thách thức chủ yếu sau thập kỷ đầu thì sẽ rất bổ ích. Đây cũng chính là một trong những lý do cần sửa đổi Luật Thủ đô lần này để phát huy thành tựu và vượt thách thức.

- Trong sửa đổi Luật Thủ đô lần này, vấn đề tạo cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô được đặc biệt lưu ý. Theo ông, vì sao cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô và tính đặc thù này của Thủ đô cụ thể là gì so với các tỉnh, thành phố khác?

- Thủ đô, theo một số ngôn ngữ trên thế giới, có tên “Capital” xuất phát từ gốc Latinh chữ “caput” (genitive capitis) có nghĩa là “cái đầu” tương tự như chữ “Thủ” tiếng Hán Việt. Chỉ 6 ngày sau ngày giải phóng thủ đô (10.10.1954), trong buổi ra mắt đủ các tầng lớp đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội vào ngày 16.10.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chức năng “dẫn đầu” của Thủ đô: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng yêu nước nồng nàn, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”. (Trích báo Nhân dân số 240, ngày 17-18.10.1954).

Câu hỏi này làm tôi nhớ khi Quốc hội bàn về dự án Luật Thủ đô năm 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi ấy có nói: “Thủ đô là Thủ đô”. Tôi hiểu hàm ý của ông là Thủ đô khác với các tỉnh, thành khác khi Quốc hội lúc đó đang xây dựng Chương trình lập pháp liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật này được thông qua năm 2015); mà nếu được xác định như vậy, thì nước ta sẽ có Thủ đô và 62 tỉnh, thành. 

Các nhà nghiên cứu quốc tế hay dùng chữ “tính duy nhất” mà chỉ Thủ đô có. Thủ đô nói chung có 2 đặc thù, hay 2 đặc điểm "duy nhất” khác các tỉnh, thành. Thứ nhất, Thủ đô là nơi đặt trụ sở chính của các cơ quan Trung ương, như Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… Thứ hai, Thủ đô là nơi duy nhất có trụ sở các Đại sứ quán và trụ sở chính của cơ quan đại diện Liên Hợp Quốc (LHQ), trong khi các địa phương có thể có trụ sở của Tổng lãnh sự quán hay Văn phòng đại diện của LHQ và các tổ chức quốc tế.

6 điểm đáng chú ý của Luật Thủ đô các nước

-  Ông có thể cho biết một số kinh nghiệm quốc tế về Luật Thủ đô?

- Như tôi được biết thì hiện có ít nhất 11 nước có Luật Thủ đô, gồm Argentina, Ấn Độ, Brazil, Canada, Malaysia, Kazakhstan, Hoa Kỳ, Nam Phi, Nigeria, Pakistan và Australia. Tôi đã nghiên cứu Luật Thủ đô của các nước này và nhận thấy có 6 điểm đáng chú ý:

Đầu tiên, hầu hết các luật đều xác định khu vực địa lý hay vùng Thủ đô rõ ràng.

Thứ hai, các luật này xác định rõ thẩm quyền, sự tương thích hay khác biệt với các luật hiện hành, nhất là khi có điều khoản thể hiện tính tự trị, tự quản… trái với các luật hiện hành khác…

Thứ ba, do Thủ đô có vị trí và vai trò đặc biệt, nên các nước rất coi trọng cơ chế giám sát quá trình thực thi. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn như có cần thiết lập Ủy ban quốc gia về Thủ đô hay không, báo cáo định kỳ và giải trình, tiếp xúc cử tri Thủ đô thế nào? Vai trò của cơ quan dân cử, tư pháp, báo chí ra sao?...

Thứ tư là những điều khoản trong Luật Thủ đô của một số nước, như Pakistan, cụ thể là Thủ đô Islamabad, đề cập rất nhiều vấn đề cụ thể mà Hà Nội đang phải xử lý, như công viên, chỗ đỗ xe công và tư…

Thứ năm là Luật Thủ đô của Kazakhstan (2007) và Pakistan (2015) đã tham khảo kinh nghiệm từ 10 Luật Thủ đô trước đó, có trình độ phát triển tương tự Việt Nam và đối mặt với nhiều thách thức về kỹ thuật lập pháp giống nước ta.

Thủ đô Prague, CH Séc tuân thủ nghiêm ngặt về khống chế chiều cao của các toà nhà. Nguồn: Wikipedia
Thủ đô Prague, CH Séc tuân thủ nghiêm ngặt về khống chế chiều cao của các toà nhà. Nguồn: Wikipedia

cuối cùng là các luật đều quan tâm đến tính hiệu quả. Chỉ sau 8 năm thực thi Luật Thủ đô Islamabad (2015-2023), đến nay đã có nhiều tổ chức trên thế giới xếp hạng Islamabad là một trong top 10 Thủ đô đẹp nhất hay “đáng sống nhất” hay “đáng thăm nhất thế giới” trong năm 2023.

Luật Thủ đô rất quan trọng không chỉ với Thủ đô mà còn có giá trị tham khảo cho các tỉnh, thành trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng; góp phần lan toả ý tưởng và cách tiếp cận quan trọng cho việc xây dựng đô thị quan trọng nhất của cả nước.

Vì vậy, theo tôi, các bản dịch hay lược dịch về 11 Luật Thủ đô nói trên sẽ cung cấp nhiều thông tin tham khảo hữu ích cho các đại biểu Quốc hội.

Hướng tới một Thủ đô phát triển bền vững

- Để góp ý cho sửa đổi Luật Thủ đô lần này, theo ông vấn đề nào cần tập trung nhất?

- Chúng ta đang hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, do vậy mục đích cuối cùng khi sửa Luật Thủ đô là hướng tới phát triển bền vững, nhất là tính bền vững trong quy hoạch không gian. Vấn đề này không phải bây giờ mới được đề cập. Kể từ khi nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới (năm 1986) và thi hành chính sách đối ngoại mới, nhiều khách quốc tế đã đến Hà Nội và Việt Nam.

Tôi xin chia sẻ mấy câu chuyện mà thông điệp của chúng thực sự có ý nghĩa.

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán vòng đầu tiên (ngày 21.11.1991) giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ R.Solomon, Hoa Kỳ bắt đầu nới lỏng chính sách cấm vận. Ngày 17 - 18.11.1992, Thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ John Kerry khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ ở Bangkok, đã có phát biểu thẳng thắn được nhiều báo chí Thái Lan chia sẻ là: “Tôi không muốn Hà Nội là Bangkok thứ hai” với tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm…

Vỉa hè rộng rãi ở Anh. Nguồn: brixtonbuzz.com
Vỉa hè rộng rãi ở Anh. Nguồn: brixtonbuzz.com

Khi dự chiêu đãi của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm khi ấy, ông John Kerry cũng nêu 5 ý quan trọng về Thủ đô Hà Nội. Trước hết, ông ca ngợi kiến trúc trường phái Pháp của Hà Nội rất duyên dáng và “sang trọng”. Ông thậm chí cho rằng, Hà Nội chỉ cần tập trung tháo dỡ những chỗ cơi nới, chắp vá, khôi phục lại những tòa nhà cổ và trả lại vỉa hè, là đã có thể thu hút hàng triệu khách quốc tế. Họ đến không chỉ làm việc hay ở khách sạn 5 sao mà còn tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử, giáo dục, kiến trúc, văn hoá, nghệ thuật… của Thủ đô.

Thứ hai, ông cho rằng Hà Nội cần lưu ý bảo tồn di sản trong quá trình xây dựng và phát triển. Ông nêu lên vấn đề doanh nghiệp thường tối ưu hóa lợi nhuận và có thể xây dựng các tòa nhà cao tầng mà không quan tâm mấy đến tính bền vững và di sản lịch sử. Một khách sạn 5 sao chỉ cần một năm là hoàn thành, hoàn vốn hay có lãi. Nhưng nếu làm hỏng một di tích lịch sử thì có thể không bao giờ xây lại được nữa, như vậy Hà Nội sẽ mất đi một "bằng chứng lịch sử". Ông đề xuất rằng, Hà Nội nên bảo vệ di tích lịch sử của mình để không mất đi giá trị quý báu của chúng.

Thứ ba, ông đề xuất Hà Nội cần khống chế chiều cao theo 3 loại khu vực là cơ quan công sở, khu thương mại kinh doanh và khu nhà ở. Việc khống chế chiều cao sẽ bảo đảm môi trường, kết cấu hạ tầng, giảm tải giao thông, buộc phải xây nhà cao tầng trải dài ra ngoại ô, từ đó mở rộng đô thị hóa ven đô…

Thứ tư, tư nhân hay doanh nghiệp có yêu cầu tối ưu hoá lợi nhuận trong khi Nhà nước phải đảm bảo phát triển bền vững cho toàn xã hội và người dân.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh, việc phát triển Hà Nội phải gắn với chống biến đổi khí hậu để bảo đảm an toàn trước nguy cơ ngập, lụt ở nội đô…

- Vỉa hè có lẽ cũng là một trong những vấn đề mà Thủ đô cần quan tâm hiện nay, rất thiết thực. Theo ông nên thiết kế vấn đề này thế nào trong sửa đổi Luật Thủ đô lần này?

- Theo một số nhà sử học quốc tế, đến nay vẫn còn bằng chứng lịch sử và hồ sơ lưu trữ cho biết TP. Conirith của Hy Lạp cổ là có vỉa hè đầu tiên trên thế giới, được xây dựng từ thế kỷ thứ IV. Thời Trung cổ (thế kỷ thứ V đến XV) các lãnh chúa để cho người và xe cùng đi trên một loại đường, dẫn đến tình trạng hỗn loạn giao thông. Sau khi xảy ra vụ đại hoả hoạn năm 1666, Thủ đô London, Vương quốc Anh bắt đầu tách đường đi cho người và ngựa. Năm 1761, Anh thông qua Luật về xây dựng và vệ sinh vỉa hè. Đến thế kỷ XVIII, đặc biệt từ năm 1766, Hạ viện nước này thông qua Luật yêu cầu tạo lối đi bộ trong nội đô London.

Đến cuối thế kỷ XIX, nhiều nước châu Âu bắt đầu đưa ra luật quy định tách biệt đường cho phương tiện. Cuối thế kỷ XIX, vỉa hè rộng trở nên phổ biến ở nhiều Thủ đô châu Âu, rồi lan dần sang các nước thuộc địa của họ trên thế giới… Từ đó,  xây vỉa hè trở thành yêu cầu bắt buộc ở nhiều Thủ đô và thành phố trên thế giới, trong đó có người Pháp ở Đông Dương và Hà Nội.

Từ năm 1987 đến 1993, Đặc phái viên của nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ, ông John Vessy (nguyên Đại tướng - Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ), người đến Việt Nam tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), đã tới thăm Hà Nội 7 lần. Trong một lần nhìn thấy vỉa hè Hà Nội bị lấn chiếm, người dân phải đi xuống lòng đường, ông đã chia sẻ thẳng thắn rằng, Việt Nam cần phải xác định “vỉa hè là khoảng không công cộng”, không ai được phép “tư nhân hóa” hay tự lấn chiếm. Theo ông, mọi việc sử dụng khoảng không công cộng này phải được phép của cấp có thẩm quyền của thành phố. Ngoài ra, việc sử dụng phải được công khai, ghi biển cho cộng đồng biết, tiện phối hợp và phải giới hạn trong thời gian nhất định, giảm thiểu tác động, cản trở giao thông đi lại, mất an toàn, vệ sinh môi trường của cộng đồng, mỹ quan Thủ đô. Chưa hết, việc sử dụng phải nộp phí để sung công quỹ và minh bạch trước cử tri. 

Một góc Thủ đô Islamabad, Pakistan về đêm. Nguồn: nationsonline.org
Một góc Thủ đô Islamabad, Pakistan về đêm. Nguồn: nationsonline.org

Năm 2014, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ của đảng Cộng hòa John McCain có dịp trở lại Hà Nội với Thượng Nghị sĩ Whiteman. Trong buổi đi uống cà phê gần khách sạn, ông McCain chỉ cho tôi vỉa hè hẹp và nói nên mở rộng vỉa hè, không để lấn chiếm, để mọi người, nhất là trẻ em, người già, phụ nữ hay người khuyết tật đi lại an toàn và thuận tiện, giữ cho Thủ đô thông thoáng, phòng cả khi bị hỏa hoạn hay ngập lụt.

Cả hai ông đều đồng quan điểm với Thượng nghị sĩ John Kerry là Thủ đô cần khống chế chiều cao để giảm tải mật độ cư dân trong các tòa nhà, giảm chi phí năng lượng, điện, nước trong khi bảo đảm các tòa nhà cao tầng đủ chỗ đỗ xe cho từng căn hộ, không phải để tràn xe ra ngoài các phố xung quanh, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm…

- Việc khống chế chiều cao của các tòa nhà nên được quy định như thế nào khi sửa Luật Thủ đô 2012 lần này, thưa ông?

- Lịch sử xây dựng các tòa nhà cao tầng có nguồn gốc từ việc xây dựng tường bao quanh các thành phố ở châu Âu để bảo vệ khỏi tấn công từ bên ngoài. Tuy nhiên, đến khoảng đầu thế kỷ XVII, các nước châu Âu như Pháp và Italy ngừng xây dựng các tường bao hào cao. Sau đó, cách mạng công nghiệp đã lan tỏa đô thị hóa từ châu Âu sang Bắc Mỹ, và cơ hội để xây dựng các tòa nhà cao tầng nở rộ. Vào năm 1790, Hoa Kỳ chọn kiến trúc sư người Pháp Pierre Charles L'Enfant để thiết kế Thủ đô Washington, DC, với tòa nhà Quốc hội đầu tiên cao 46m. Tuy nhiên, việc quy định chiều cao của các tòa nhà trở nên cần thiết vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Năm 1889, Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên chính thức thông qua Đạo luật khống chế chiều cao các tòa nhà cao tầng. Và đến năm 1910, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật về chiều cao nhà cao tầng (Height of Building Act 1910) theo 3 khu vực chính ở Thủ đô Washington: khu các cơ quan trung ương: không quá 49m, khu kinh doanh thương mại: không quá 40m và khu dân cư: không quá 27m.

Từ năm 2017-2018, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nhiều lý do cần phải hạn chế chiều cao của các tòa nhà cao tầng trên toàn cầu. Các lý do bao gồm việc bảo vệ ánh mặt trời chiếu xuống khu đô thị, không che chắn tầm nhìn của các tòa nhà xung quanh, ngăn chặn việc lún và hỏng hóc của các tòa nhà, cải thiện kiểm tra và bảo trì thang máy, sửa chữa các thiết bị công nghệ trong các tòa nhà, giảm trọng lượng của các tòa nhà, bảo đảm an toàn cứu hỏa, và nhiều lợi ích khác nhau về năng lượng, môi trường, và chất lượng sống cho cư dân…

Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra quy định hạn chế chiều cao của các tòa nhà để bảo đảm rằng xây dựng đô thị diễn ra bền vững. Các ví dụ bao gồm Pháp (từ những năm 1970), Trung Quốc (từ năm 2016), Mông Cổ (từ năm 2021), và Hàn Quốc (từ năm 2023).

Luật Xây dựng Praha năm 2016 quy định 8 cấp độ cao cho các tòa nhà, trong đó cấp độ thấp nhất được cao tới 6m, cấp độ cao nhất được cao tới 40m.

- Về kỹ thuật lập pháp, ông nhận thấy kinh nghiệm quốc tế có điểm nào chúng ta nên tham khảo khi sửa Luật lần này?

- Ta có thể tham khảo Luật Thủ đô của một số nước có điều khoản riêng về: Khu các cơ quan trung ương; Trụ sở cơ quan của thủ đô (Thành ủy, HĐND, UBND…); Khu Ngoại giao đoàn; Quy hoạch không gian; Chiều cao các tòa cao tầng, có thể quy định theo 3 loại khu vực chính (cơ quan công quyền, trụ sở kinh doanh - thương mại; nhà ở); Công viên; Sông hay hồ ở Thủ đô (đã được nêu trong Luật Thủ đô 2012); Vỉa hè; Chợ; Nơi đỗ xe; Trường học; Bệnh viện; Nghĩa trang; Khu biểu tưởng Thủ đô; Nhà tưởng niệm...

Sau này có thể sửa hay bổ sung từng điều mới độc lập, không phải sửa cả Luật.

Xứng tầm đại diện quốc tế

- Như ông đã khẳng định, Thủ đô phải mang ý nghĩa đại diện của quốc gia đối với quốc tế. Ông kỳ vọng như thế nào về việc Hà Nội giúp nâng cao vị thế quốc tế của đất nước?

- Trước hết, hãy quay lại đặc thù thứ 2 của một Thủ đô, đó là việc nó thường trở thành nơi đặt trụ sở chính của các Đại sứ quán và cơ quan đại diện quốc tế như LHQ. Theo Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao, các quốc gia thường đặt trụ sở Đại sứ quán tại Thủ đô của nhau. Cách mà các quốc gia tương tác và số lượng cơ quan đại diện quốc tế được đặt tại Thủ đô đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và xếp loại vị trí của Thủ đô.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên đã ký Sắc lệnh 41 (ngày 4.10.1945) đặt trụ sở Bộ Ngoại giao ở số 1 Tôn Thất Đàm, Hà Nội. Sau đó, nhiều Đại sứ quán đặt trụ sở xung quanh, để bảo đảm an ninh và thuận tiện làm việc thường xuyên với Bộ Ngoại giao.  

Thực tế, sứ mệnh của Thủ đô không chỉ đơn thuần là nơi đặt trụ sở các cơ quan nói trên, mà còn đóng vai trò là biểu tượng đại diện quốc gia và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Do đó, việc tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường sự phối hợp giữa Hà Nội, Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán và cơ quan đại diện của LHQ sẽ đóng góp vào việc nâng cao vị trí, vai trò, hình ảnh, và uy tín quốc gia trong mắt các nước và khách quốc tế.

- Xin cảm ơn Ông!

Quốc Đạt thực hiện
#