Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận thảo luận tại tổ

Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

- Thứ Năm, 09/11/2023, 17:25 - Chia sẻ

Thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận) chiều 9.11 về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), các ý kiến đều tán thành với việc phải sửa đổi bởi qua tổng kết 8 năm thi hành đã cho thấy, cùng với những thành tựu vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, chưa hợp lý.

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bảo đảm liên thông, kết nối với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án 

Đóng góp ý kiến, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, dự án Luật đã đưa ra nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên việc sửa đổi Luật này liên quan đến nhiều quy định của các văn bản khác trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các đạo luật về tố tụng và tổ chức của các cơ quan trong hệ thống tư pháp song đến nay, các luật này đều chưa có đề nghị về việc sửa đổi bổ sung. Do đó, việc ban hành luật này cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến quyền tư pháp (Điều 3), đại biểu Trần Hồng Nguyên tán thành với dự thảo luật vì Hiến pháp 2013 quy định tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Nội dung này cũng được Nghị quyết 27 đề cập. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, để bảo đảm liên thông, kết nối với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án được quy định tại Khoản 2, Điều 3 dự thảo luật.

Về nhiệm vụ thu thập chứng cứ của tòa án nhân dân (Điều 15), đại biểu Trần Hồng Nguyên nhất trí với quy định theo hướng tòa án cơ bản không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự bởi các lý do như trong giải trình của Tòa án Nhân dân Tối cao nhằm bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan trong thực hiện thẩm quyền xét xử của tòa án.

Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 27 và thực tiễn hoạt động xét xử có thể nghiên cứu, bổ sung quy định về một số trường hợp tòa án thực hiện thu thập chứng cứ...

Xem xét lại quy định chế độ tiền lương 

Tán thành với về sự cần thiết phải sửa đổi luật, nhưng theo ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái), cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại việc quy định chế độ tiền lương trong dự thảo luật này. Vì hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Việc quy định chế độ tiền lương riêng cho ngành tòa án trong dự thảo luật hiện nay là không hợp lý.

Mặt khác, tại Nghị quyết 27 chỉ có 5 bảng lương. Đó là xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp… Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
"Do vậy, việc có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án - theo tôi hiểu thì đây là bảng lương riêng là không phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ việc quy định chế độ tiền lương riêng cho ngành vào trong luật." Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận nhấn mạnh.

Còn theo ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), dự án Luật phải bám sát và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 27 ngày 9.11.2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Kết luận số 19 ngày 14.10.2022 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Đây là các cơ sở pháp lý của việc xây dựng dự án Luật, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính với cải cách tư pháp, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, trước hết là các luật trong lĩnh vực tư pháp...

Khương Ninh
#