Chuyển nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an

Lý lẽ chưa thuyết phục

- Thứ Ba, 17/11/2020, 06:44 - Chia sẻ
Quy định chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là chưa thực sự thuyết phục. Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận sáng 16.11, một số đại biểu Quốc hội cho biết, đây là hoạt động mang tính chất dân sự. Trong khi đó, tại Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1.8.2007, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X đã nêu rõ, một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý.

Chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước?

Có nên chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an hay không? Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, quy định này đang mang tính chất “lánh nặng, tìm nhẹ”, chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường Ảnh: Q. Khánh
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Q. Khánh

Cho rằng quy định chuyển thẩm quyền quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an chưa thuyết phục, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) thẳng thắn, quy định này không phù hợp với chủ trương của Đảng. Cụ thể, tại Nghị quyết số 17 - NQ/TW ngày 1.8.2007, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, đã nêu rõ: "Một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".

Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, từ năm 1995, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận nhiệm vụ quản lý việc cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô từ Bộ Công an, khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đến nay, đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô đã được xã hội hóa 100% với hệ thống vật chất trang thiết bị tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phù hợp với thực tiễn. Ngành giao thông vận tải đã và đang triển khai đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại trong việc cấp đổi, quản lý giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ và 63 Sở Giao thông Vận tải trong cả nước; đã thực hiện trên cổng dịch vụ quốc gia về thủ tục đổi giấy phép lái xe với cấp độ 3. Như vậy, về cơ bản, ngành giao thông vận tải đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhiệm vụ được giao.

Phản biện quan điểm cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông nên cần chuyển sang Bộ Công an quản lý, đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu rõ: Số người tử vong do tai nạn giao thông tính trên 100.000 giấy phép lái xe được cấp liên tục giảm. Cụ thể, năm 1995 là 61 người, đến năm 2020 ước chỉ còn 15 người tử vong do tai nạn giao thông.

Mặt khác, phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông. "Ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông gây ra tai nạn giao thông và có đến 90% các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có thâm niên lái xe từ 7 đến 10 năm. Cho nên, ý kiến đưa ra là chưa có cơ sở", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.

	Phần thi thực hành sa hình trong sát hạch đào tạo lái xe Nguồn: ITN
Phần thi thực hành sa hình trong sát hạch đào tạo lái xe
Nguồn: ITN

Cần lý lẽ thuyết phục hơn

Trên cơ sở rà soát tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, ĐBQH Hoàng Văn Liên (Long An) khẳng định, giao quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe cho Bộ Công an là không phù hợp với Luật Công an Nhân dân. Luật Công an Nhân dân hiện hành không giao nhiệm vụ này cho Bộ Công an quản lý. “Mặc dù công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, nhưng không phải vì một số nơi làm chưa tốt lại đặt vấn đề chuyển nhiệm vụ cho một bộ khác quản lý, nhất là cơ quan đó lại là lực lượng vũ trang. Điều đó không phù hợp với cả lý luận và thực tiễn”, đại biểu Hoàng Văn Liên nói.

Đại biểu Hoàng Văn Liên cho biết thêm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thực chất là nhiệm vụ mang tính dân sự. Đào tạo lái xe là hoạt động dạy nghề. Các hoạt động tại trung tâm sát hạch lái xe đang được xã hội hóa mạnh mẽ trong phạm vi toàn quốc, và được pháp luật quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, đại biểu Liên lưu ý, việc chuyển nhượng thẩm quyền này cho Bộ Công an quản lý còn ảnh hưởng tới tổ chức bộ máy, kinh phí đầu tư.

Hiện nay có hơn 2.000 người làm công tác này từ Trung ương đến địa phương, trong đó có 600 cán bộ, công chức quản lý; 1.700 công chức, viên chức, sát hạch viên; có 937 cơ sở đào tạo sát hạch lái xe. Nếu chuyển nhiệm vụ này sang, Bộ Công an phải giải quyết việc làm cho số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nói trên. Và cũng không thể chuyển họ sang Bộ Công an, nhất là trong điều kiện hiện nay, vì tinh giản biên chế phải đánh giá kỹ về nhân sự, kinh phí ngân sách, cơ sở vật chất và tác động về mặt kinh tế - xã hội của việc chuyển giao nhiệm vụ này.

Đại biểu Hoàng Văn Liên đề nghị, ngành công an cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ về an ninh, trật tự và an toàn giao thông, cấp đăng ký xe, xử lý vi phạm giao thông đúng như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quản lý nhà nước nói chung về giao thông vận tải, trong đó có quản lý việc đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe. 

Trước ý kiến của các ĐBQH về việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ban soạn thảo phải làm rõ thêm tính hợp lý của đề xuất này.

Anh Thảo