Lấp “lỗ hổng” cổ phần hóa

Lê Hùng 19/06/2022 05:39

Theo nghị định của Chính phủ, nếu tài sản của doanh nghiệp nhà nước gắn liền với thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nếu nộp tiền đất một lần thì được tính vào giá trị doanh nghiệp. Đây là một “lỗ hổng” phải sớm bịt lại để bảo đảm sau khi chuyển sang cổ phần hóa thì đất đai không bị thất thoát.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh điều này khi ông trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vướng mắc khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua.

Cổ phần hóa, mãi vẫn chậm đã trở thành tồn tại “xuyên nhiệm kỳ”. Ở nhiều kỳ họp của nhiệm kỳ trước, các đại biểu Quốc hội đã rất “sốt ruột” trước tình trạng cổ phần hóa chậm. Đến nhiệm kỳ này cũng vậy, các đại biểu cũng băn khoăn, lo lắng khi tỷ lệ các doanh nghiệp được cổ phần hóa vẫn chỉ là con số rất khiêm tốn.

Đại biểu không “sốt ruột”, không lo lắng sao được khi trong suốt giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ cổ phần hóa chỉ đạt 30% kế hoạch. Đáng nói là, từ năm 2021 đến nay chỉ cổ phần hóa 5 doanh nghiệp, thoái vốn 38 doanh nghiệp, thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 4.402 tỷ đồng, chưa đạt kế hoạch đề ra.  

Thực tế cho thấy cổ phần hóa là một việc khó khăn, phức tạp. Bởi việc này đòi hỏi phải rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp. Trong khi thực hiện yêu cầu này gặp không ít khó khăn bởi quy trình thủ tục thời gian kéo dài cũng như tình trạng pháp lý đất đai phức tạp. Việc xác định lợi thế, giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm; đánh giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đang có những cách hiểu chưa thống nhất, dẫn đến lúng túng khi thực hiện. Trong khi trình phương án sắp xếp tài sản công, thì UBND các địa phương được giao thẩm quyền phê duyệt phương án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phê duyệt phương án hiện nay cũng rất “đủng đỉnh”.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, vướng mắc đặc biệt liên quan đến đất đai, làm thất thoát vốn nhà nước. Hàng loạt vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) là những bài học đắt giá. Cho chuyển mục đích sử dụng tính không sát giá thị trường, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước, nhiều lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đã vướng vòng lao lý.

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là “nút thắt” rất lớn trong quá trình cổ phần hóa. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến cổ phần hóa chậm thời gian qua. Do đó, cần sớm khắc phục tình trạng này. Theo đó, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, thì Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp và sau đó tổ chức đấu giá đất để thu về ngân sách. Nếu làm được việc này thì chênh lệch địa tô sẽ do Nhà nước điều tiết, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh sau cổ phần hóa cũng như góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Ngoài việc nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan đại diện chủ sở hữu thì việc hoàn thiện khung pháp lý để tạo thuận lợi cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp là điều rất cần thiết. Theo đó, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”. Cùng với đó, sớm sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định về định giá doanh nghiệp, việc tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tránh tình trạng chênh lệch địa tô rơi vào “túi” doanh nghiệp.

Chỉ khi hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, cá thể hóa được trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu thì thực hiện cổ phần hóa mới không còn đủng đỉnh, vắt qua nhiều nhiệm kỳ. Đồng thời, tránh tâm lý “vừa làm vừa lo” khi thực hiện cổ phần hóa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lấp “lỗ hổng” cổ phần hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO