Toàn tỉnh có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo Kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 khẳng định:Năm 2023, mặc dù là năm thứ hai chính thức được giao vốn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong điều kiện nhiều khó khăn, song hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh Lào Cai đều đạt và vượt kế hoạch giao. Tỉnh luôn được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước chủ động triển khai, sớm ban hành điều chỉnh các cơ chế, chính sách văn bản quy định quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG.
Hiện, toàn tỉnh có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng), lũy kế toàn tỉnh có 5 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Các huyện, thị xã, thành phố công nhận thêm 35 thôn nông thôn mới và 27 thôn kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh có 252 thôn được công nhận “Thôn nông thôn mới” và 204 thôn được công nhận “Thôn kiểu mẫu”.
Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 4,43%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,7%, bằng 128% kế hoạch tỉnh và Trung ương giao; tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 7,67%. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 đạt 39,82 triệu đồng/người, tăng 6,38 triệu đồng/người so với năm 2022.
Công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương được đẩy mạnh, đến ngày 31.12.2023, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 1.200 tỷ đồng, bằng 60,26% kế hoạch Trung ương giao, trong đó vốn đầu tư giải ngân gần 90% theo kế hoạch vốn Trung ương giao (xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố), ước thực hiện đến hết ngày 31.1.2024 đạt 95,8% kế hoạch, đạt chỉ tiêu Trung ương giao (95%)…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được được, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại hạn chế như: Kết quả chưa thực sự bền vững, tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, tiểu dự án thành phần (sắp xếp dân cư, hỗ trợ nhà ở, đất ở, dược liệu quý), nhất là nguồn vốn sự nghiệp còn chậm và kết quả giải ngân còn thấp…
Trên cơ sở đó, bước sang năm 2024, với tổng số vốn huy động thực hiện 3 chương trình MTQG hơn 3.500 tỷ đồng… Để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, Ban chỉ đạo đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình MTQG của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình MTQG năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.Tổ chức rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội vừa thông qua.Tiếp tục rà soát, đánh giá những khó khăn trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề xuất các các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc. Nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình MTQG năm 2024. Thực hiện có hiệu quả các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của từng Chương trình MTQG theo kế hoạch được duyệt và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của từng chương trình. Đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các Chương trình MTQG. Phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững nhằm phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương...
Nêu cao tinh thần làm việc gấp đôi
Tại hội nghị, thông qua các tham luận, các đại biểu đã nêu các kinh nghiệm quý báu thực tiễn trong việc triển khai giải ngân các nguồn vốn Chương trình MTQG; thực hiện công tác giảm nghèo và triển khai các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả; các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị… Đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như hệ thống các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG do các bộ, ngành ban hành còn nhiều, có nội dung chưa rõ ràng, thống nhất, chưa sát với thực tế ở tỉnh nên rất khó khăn cho địa phương trong việc nghiên cứu, theo dõi, tra cứu áp dụng văn bản trong tổ chức triển khai thực hiện. Vẫn còn một số nội dung chưa có hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện, ví dụ như Chương trình 1719: Nội dung đầu tư phát triển KTXH các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù (tiểu dự án 1, dự án 9): Chính sách đầu tư có thu hồi cho nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đánh giá cao kết quả triển khai trong thời gian qua, đặc biệt tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành được cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG; lồng ghép các nguồn vốn, đối với Lào Cai hết sức bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm giải ngân một cách tốt nhất.
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch các Chương trình MTQG, giai đoạn 2021- 2025, vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đề nghị các ngành, địa phương với tinh thần làm việc gấp đôi để đem lại hiệu quả gấp đôi; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ tồn tại, khó khăn vướng mắc.
Trong quá trình triển khai phải bảo đảm mục tiêu chung của các chương trình; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18.1.2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; phát huy vai trò của người đứng đầu và cá thể hóa nhiệm vụ đối với từng người thực hiện; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và nâng cao hơn nữa sự chủ động, trách nhiệm của các cấp các ngành, các địa phương.
Các ngành, địa phương cần sớm tháo gỡ những vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư. Các sở, ngành, địa phương chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bảo đảm đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai các công việc, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn; sớm lập kế hoạch chi tiết, cam kết giải ngân vốn đối với từng dự án, báo cáo tiến độ theo từng tuần, tháng; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn.
Để tạo sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân, người đừng đầu UBND tỉnh kêu gọi cả hệ thống tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khơi dậy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mọi tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
+ Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 3 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Đồng thời, phát động phong trào thi đua năm 2024 gắn với chủ đề năm là: “Đoàn kết - kỷ cương - hành động - hiệu quả - phát triển”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của 3 Chương trình MTQG năm 2024…