Lãnh tụ và dân thường
Lãnh tụ dẫn dắt dân chúng bằng trí tuệ, thuyết phục dân chúng bằng tấm gương. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lay động lòng người bởi trí tuệ siêu việt, đạo đức cao cả và lối sống giản dị. Người ra đi, để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cách để chúng ta kế thừa di sản ấy. Tuy nhiên, học tập Người không phải là treo đầy băng rôn, biểu ngữ, hô hào trên loa phóng thanh mà phải đem điều gần gũi, giản dị, thực tế đến với mỗi người dân, như khi còn sống Người vẫn làm như thế…

Học tập tư tưởng Bác
Có thể nói rằng, các trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức đồ sộ. Một người dân cày không thể đọc Hồ Chí Minh toàn tập như một ông giáo sư cả đời cất công nghiên cứu được. Trong một cuộc hội thảo về Hiến pháp năm 1946, TS Lê Minh Thông, Phó viện trưởngViện Khoa học tổ chức Trung ương, cho rằng để hiểu được hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh thì nên nghiên cứu 3 tác phẩm mang dấu ấn đậm nét của Người. Đó là Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp 1946 và Di chúc. Đây là 3 tác phẩm mà Bác dành toàn bộ trí lực, tình cảm, tâm huyết vào đó. Tất nhiên, cần phải phổ thông hóa những nội dung trong các tác phẩm này để mọi người hiểu được và làm được.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chưa bao giờ đòi hỏi mỗi người dân bình thường phải học thứ lý luận cao siêu. Năm 1953, trong một hội nghị của Đảng, khi các Đảng viên tranh luận về khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, Bác chỉ đứng lên ôn tồn nói một câu giản dị: “chủ nghĩa xã hội là những gì có lợi cho dân cho nước thì làm”. Trước đó, trong cuộc Tổng tuyển cử 1946, khi phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nữ nhà báo phân vân hỏi rằng, trình độ dân trí thấp, một số phụ nữ lấy lý do là bận việc gia đình, nuôi con nhỏ, không biết ứng cử viên là ai với ai nên không đi bỏ phiếu. Người đã hỏi lại nữ nhà báo kia là đã thuyết phục, giải thích cho phụ nữ thế nào rồi? Nữ nhà báo trả lời rằng đã giải thích với mọi người là đi bầu cử để bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ. Người trầm giọng xuống, giải thích rằng dân trí không cao thì có hiểu được các khái niệm độc lập, tự do, dân chủ không? Chi bằng hãy nói với người ta đi bầu cử để ngày mai có trường mẫu giáo tập trung cho trẻ nhỏ, ngày mai được đi học để xóa mũ chữ, được dạy cách trồng ngô để đuổi cái nghèo…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ tư tưởng cho nhân dân bằng hàng triệu hành động nhỏ được dẫn dắt bởi sự giải thích giản dị, dễ làm. Bác khuyên thiếu niên nhi đồng “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình”. Bác động viên thanh niên “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền”. Người khích lệ các cụ già “Tuổi cao chí càng cao”. Hoặc giải thích về đại đoàn kết bằng bài thơ “Hòn đá to” rất mộc mạc, dễ hiểu. Người không bao giờ nói những ngôn từ chung chung, sáo rỗng, càng không thích hô hào, đánh trống khua chiêng…

Học tập lối sống của Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét thói xa hoa lãng phí, thù nghịch với lối quan liêu, hách dịch. Hưởng ứng phong trào diệt giặc đói, Người tự nguyện bớt phần ăn của mình để bỏ vào hũ gạo cứu đói; cuốc đất trồng rau. Chiếc áo cũ sờn vai nhưng còn lành lặn, Bác bảo chưa cần phải thay thế. Mỗi khi đi công tác, Người thường không báo trước vì không muốn địa phương đón rước linh đình. Ra ngoại thành Hà Nội thăm bà con nông dân, Bác đi chân đất, xắn quần và cùng tát nước với dân. Đêm giao thừa Bác lặng lẽ vi hành ra Bờ Hồ xem nhân dân đón Tết…
Với nhân dân mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi và ân cần. Người đồng cam cộng khổ với đồng bào giữa rừng Việt Bắc, cùng hành quân với chiến sỹ, nói chuyện với các cụ già ở đình làng, vui trung thu cùng cháu nhỏ… Với bạn bè quốc tế, Người đối xử trước sau như một, lịch lãm mà không khách khí. Người có nhiều bạn bè là các nhà lãnh đạo Trung Quốc, mỗi lần sang thăm Bác đều đến gia đình những người bạn, gia quyến của họ cũng coi Bác như người nhà. Một lần thăm Trung Quốc, bà Tống Khánh Linh đón Bác ở sân bay. Khi bước xuống cầu thang thì trời đổ mưa, Bác đã lấy chiếc mũ của mình che mưa cho bà Tống. Một lần đi dự hội nghị ở Liên Xô, ngồi trên ghế đoàn chủ tịch, nhìn thấy người bạn cũ là nhà báo Bớcsét, Bác đã rời ghế chạy xuống dưới bắt tay và ôm hôn người bạn. Những hành động vượt lên trên cả nghi lễ ngoại giao đó luôn làm cho người khác cảm động và kính phục.
Vậy đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thuyết phục mọi người bởi lối sống giản dị và chân thành, trước sau như một. Trọn cuộc đời, Người sống đúng như lời Người nói là “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Người là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta học tập và noi theo.
Xuân Phương