Thực tế cho thấy, dù còn non trẻ so với thị trường bảo hiểm thế giới, song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi đến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 31 cho thấy, tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022. Với sự tăng trưởng của thị trưởng bảo hiểm thời gian qua đã góp phần bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân. Qua đó, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những “điểm sáng”, những đóng góp của bảo hiểm Việt Nam thời gian qua là không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, trong hoạt động dịch vụ bảo hiểm thời gian qua, cũng đã phát sinh những bất cập không đáng có. Người đứng đầu ngành tài chính cũng chỉ rõ thực trạng, do phát triển nhanh, trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng - Bancassurance. “Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn.
Bên cạnh những ghi nhận tích cực về bảo hiểm thì những lo lắng, và cả nghi ngại về hoạt động này đã trở thành mối quan tâm của cử tri, Nhân dân thời gian qua. Trên diễn đàn Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng bày tỏ băn khoăn về thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo đại biểu, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, sau những bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Bà Thủy chỉ rõ, thông thường một bộ hợp đồng dày khoảng từ 70 - 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự “thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua”, nếu gặp phải những tư vấn viên không có tâm. Không ít tư vấn viên thay vì tư vấn rõ bản chất của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là phòng ngừa rủi ro thì lại cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm bảo hiểm để nhanh chóng chốt đơn, ký được hợp đồng. Trên cơ sở đó, bà Thủy đề nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Cần nhấn mạnh rằng, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm có ý nghĩa nhân văn, giúp con người kiểm soát rủi ro và tạo sự an tâm cho tương lai, là sản phẩm hữu ích cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, để bảo hiểm bảo đảm yêu cầu “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, rất cần những những giải pháp hữu hiệu đối với thị trường này. Trong đó, có việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mong rằng, những vướng mắc, những bất cập và cả những giải pháp căn cơ để lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ ở phiên chất vấn lần này. Có như vậy người dân mới thật sự an tâm khi tham gia thị trường bảo hiểm, tránh những rủi ro không đáng có.