Sau khi nghe báo cáo nhanh của UBND phường Phúc Xá, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã thị sát tại số 117 An Xá, ngõ 127 Phúc Xá. Đây là 2 địa điểm có vị trí thấp nhất của quận Ba Đình. Báo cáo nhanh của UBND phường Phúc Xá cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận Ba Đình, UBND phường đã xây dựng hai phương án ứng phó với mưa lũ theo cấp độ cảnh báo.
Với cấp độ 1, khi có khả năng xảy ra lũ, mực nước trong sông, suối dâng cao, bắt đầu gây ngập ở các vùng đất thấp và đe dọa các phần bờ cao, sẽ có 155 người phải di dời (144 người thuộc xóm trọ và 9 người tại bãi giữa sông).
Để ứng phó với tình huống lũ ở cấp độ 1, từ tối 9.9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Phúc Xá đã tổ chức ứng trực và thực hiện công tác kiểm tra tại các địa bàn bãi giữa sông Hồng và khu vực xóm trọ thuộc tổ 3, cụm 2.
Trước khi cơn bão số 3 đổ vào Hà Nội, Ban Chỉ huy phường Phúc Xá đã triển khai công tác tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu người dân đang canh tác tại khu vực bãi giữa sông Hồng và sinh sống ở khu vực bờ sông chủ động di dời người và tài sản lên bờ để bảo đảm an toàn.
Đến tối 9.9, đoàn kiểm tra và phát hiện, di dời 4 hộ (9 người) khỏi bãi giữa trong đêm (trong đó, có 3 hộ có nhà ở Phúc Xá, 1 hộ ở quận Long Biên); tiếp đó di dời thêm 191 người đang sinh sống tại các phòng trọ.
Hiện UBND phường Phúc Xá đang tập trung tuyên truyền nội dung cảnh báo cấp độ 2; yêu cầu các hộ dân chuẩn bị di dời đến nơi tạm trú tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, số 67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình.
Đồng thời, phường Phúc Xá cũng chuẩn bị điểm tập trung người dân tại Trường Trung cấp Kinh tế (102 phố Tân Ấp).Công tác bảo đảm hậu cần, chuẩn bị suất ăn cho người tạm cư do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và các đoàn thể đảm nhận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các lực lượng chức năng quận Ba Đình và phường Phúc Xá đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” ở khu vực nguy hiểm theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài.
Cũng trong chiều 10.9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại quận Bắc Từ Liêm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu quận Bắc Từ Liêm thực hiện nghiêm túc việc vận hành, huy động các lực lượng ứng trực, canh đê và bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong chỉ đạo, điều phối các hoạt động ứng phó với thiên tai, mưa lũ.
“Cắt điện, nước cũng cần thông báo rõ thời gian, tránh gây hoang mang cho người dân đổ xô đi tích trữ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, phải kiên quyết, quyết liệt thực hiện công tác vận động quần chúng để người dân nhận thức mối nguy hại của thiên tai với tài sản, tính mạng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu nơi nào cần di chuyển người dân thì phải di chuyển triệt để cả người và tài sản; chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống, nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân.
Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Báo cáo của lãnh đạo quận cho biết, những ngày qua, nước sông Hồng dâng cao, làm ngập úng nhiều nơi, khiến cuộc sống của một số hộ dân ven sông tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khảo sát thực địa của UBND phường Chương Dương cho thấy, từ 19h ngày 9.9, mực nước sông Hồng tại trạm là 7,5m, đến lúc 8h ngày 10.9 là 9,18m (xấp xỉ mức báo động 1 là 9,5m).
Hiện tại, có 46 hộ dân ven sông Hồng tiếp giáp với phần kè trên (gồm 162 nhân khẩu). Các nhà dân ở đây đã được tổ dân phố, cảnh sát khu vực vận động di dời sang nhà hàng xóm hoặc nhà người thân ở khu vực địa hình cao hơn trong phố.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan của quận Hoàn Kiếm tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai; rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lập danh sách các hộ dân cần sơ tán. Đồng thời, quận cần chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, bảo đảm đủ phương tiện thiết yếu để phòng, chống lũ như: Xuồng máy, trang thiết bị, phao cứu sinh… và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân. Quận thực hiện sơ tán ngay, bảo đảm người dân đến nơi an toàn trong chiều 10.9.