Lành
Truyện ngắn của Phạm Hương Giang

09/10/2008 00:00

      Tôi đang ngồi lim dim trên ghế, vắt chân lên cho cô thợ nail làm móng thì tiếng chuông điện thoại réo rắt. Con bạn thân từ thời đại học. Tôi gắt nhẹ:
      - Tao đây, làm gì mà như cháy nhà thế?
      - Chẳng cháy cũng phải cháy - Tiếng con bạn nhấm nhẳn - Có việc nhờ mày đây.
      - Mày mà cũng có lúc nhờ tao? À, mời cưới chứ gì? Chúc mừng nhá. Chờ lâu quá đấy. Con út nhà tao cứ nhắc khi nào cô Lành cưới thì cho con đi nâng váy.
      - Không đùa đâu. Có tiền không cho tao vay một triệu?
      - Hả? – Tôi giật nảy người lên khiến cô thợ đang chúi mũi vào bàn chân tôi ngơ ngác. Độp ngay vào chuyện như sợ tốn tiền điện thoại không phải là thói quen của tôi và Lành. Hơn nữa, người như Lành chả lẽ lại thiếu đến từng triệu bạc - mụ tư sản lại đi vay nông dân. Việc gì thế?
      - Nói nhỏ thôi, tao đang sốt hết cả ruột đây - Tôi cảm thấy rõ cô bạn già đang run run - Tao đi... đi... đi phá thai.
      Tôi vội vàng vứt lại một tờ tiền, mặc cho cô thợ tay đầy dụng cụ ngơ ngác, lập cập trèo lên xe, ngón chân cái với chiếc móng to đùng đang sơn dở đỏ loét. Lâu lắm rồi con bạn già mới liên lạc. Nó mất hút kể từ ngày ăn phải bùa thằng người yêu trẻ ranh, kém những hơn chục tuổi. Không ngờ lại đến cơ sự này.
      Ngõ nhỏ nhà nó trở nên khó đi lạ kỳ, tôi chực đâm vào hết bờ tường này đến bờ tường khác. Ngôi nhà hai tầng xinh xắn hiện ra, mang một màu rêu mốc xa lạ vì lâu lắm tôi không đặt chân đến. Đang cữ tháng ba, hoa loa kèn trên ban công rực rỡ. Chỉ dãy hoa này là quen thuộc. Lành có thói quen sắm sanh rất nhiều chậu hoa, cây cảnh, rồi chán lại mang cho, riêng dãy hoa này thì bất di bất dịch kể từ ngày bố mẹ nó còn sống. Ngoài những bông hoa màu nắng chói chang kia, tôi không thấy bất cứ lẵng hoa, giỏ cây nào nữa. Chẳng lẽ Lành lại thiếu thời gian đến thế?
      Sau cánh cửa gỗ, một gương mặt lưỡi cày xám ngoét hiện ra, ngơ ngác, thảng thốt. Tôi len vào. Thằng trẻ ranh quần áo xốc xếch, lầm lỳ gục gặc cái đầu với những dẻ tóc xanh đỏ dài lượt thượt. Lành kéo nó ra sau bếp. Cả hai thì thào điều gì đó rất lâu. Tôi tranh thủ ngắm lại căn phòng một thời tôi gần như là chủ. Những bức ảnh phong cảnh chúng tôi chụp trong những lần đi dã ngoại được thay bằng một tấm chụp Lành và thằng trẻ ranh cười rạng rỡ ở bờ biển. Mảnh áo tắm sọc ngang sọc dọc Lành mặc như dán sát vào người thằng trẻ ranh. Tấm ảnh choán gần hết nửa bức tường, nên trên đuôi mắt Lành những đường những rãnh tự nhiên tung tăng tố cáo sự chênh lệch không gì hàn gắn được giữa nó và mối tình không tuổi. Ngăn sách bụi phủ dầy chứng tỏ thói quen ngốn và mua sách của bạn tôi đã bị đánh bật ra khỏi căn phòng hạnh phúc, nhường chỗ cho những gấu, những chó bông to nhỏ treo lủng lẳng, những nét vẽ non nớt, nguệch ngoạc mà Lành thường tự hào: “Người yêu tớ là sinh viên năm thứ hai trường Mỹ thuật. Nghệ sỹ lắm”. Tôi chẳng muốn nhìn tiếp xuống đống chăn đệm nhàu nát, nơi mình đã từng ngủ vùi suốt cả thời sinh viên, thì Lành quay lại. Thằng trẻ ranh đi qua cửa, lại lầm lỳ gục gặc cái đầu. Lành với lấy chùm chìa khóa, chạy theo. Lát sau, tiếng xe Spacy Nhật, niềm ao ước của tôi từ những ngày mới ra trường còn long đong kiếm việc làm, rít lên xành xạch. Lành quay lại cười gượng gạo:
      - Anh ấy đi đến nhà thầy. Khổ, ngày xưa tao học cao học đâu có căng thẳng như bây giờ.
      Ấy là Lành khoe người yêu Lành đã tốt nghiệp và tiếp tục học lên, chẳng chịu kém cạnh ai. Nhoắng cái, từ ngày lần đầu tiên nó khoác tay thằng trẻ ranh đến mừng nhà mới một đứa bạn khiến bao nhiêu đứa bu vào tra hỏi tôi vì là bạn thân nhất của Lành. Nào nó có thèm tường trình gì với tôi, chỉ biết, tụ tập, ta thán, tâm sự loãng dần rồi mất hẳn. Nó chỉ xin tôi hãy thông cảm cho nó. Tôi thì chồng lên chức, con mỗi ngày mỗi lớn, bao nhiêu mối phải lo, dần dần cũng phải quen với sự dạn dĩ bất thường này, cười trừ, nói đỡ cho nó mỗi khi họp lớp, tang ma cưới hỏi và thấp thỏm chờ ngày vác tiền đi mừng đám cưới nó, gọi là trả nợ những gì nó đã giúp đỡ mình thuở cơ hàn. ấy vậy mà...
      Tôi trợn mắt:
      - Bao lâu rồi?
      Lành bối rối, cụp mắt xuống, lý nhí:
      - Mới chậm năm ngày thôi. Tao sợ để lâu to quá!
      - Sao bây giờ mới có? Tao tưởng phải có lâu rồi chứ?
      Lành mím môi, cúi đầu không nói gì. Tôi gắt lên:
      - Thế thằng trẻ ranh... À, Sáng tính sao?
      - Anh ấy cũng bảo tao phải đi làm sớm.
      Tôi nghiến răng:
      - Sao không cưới?
      Lành ngẩng lên, thảng thốt:
      - Cưới thế nào được mà cưới?
      Tôi điên tiết thật sự:
      - Nói chuyện với mày chán bỏ mẹ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, yêu nhau lâu thế, giờ lại có bầu, chả cưới thì được với chăng cái gì?
      Lành buồn rầu, bật khóc:
      - Mày cứ nghĩ mọi chuyện đơn giản lắm. Nếu cưới được thì tao đã chả phải khổ thế này.
      - Biết khổ sao còn đâm đầu vào?
      Lành càng khóc to. Hai mắt trũng sâu sũng nước. Tôi đành dịu giọng mà vỗ về nó:
      - Chẳng ai nỡ từ chối đâu, con cháu người ta thì người ta phải xót chứ. Không chớp lấy cơ hội này thì biết đến bao giờ?
      Lành nghẹn ngào:
      - Sáng bảo để anh ấy học xong cao học, xin được việc ở đây thì bố mẹ anh ấy không cấm cản được nữa. Cũng chỉ gần một năm nữa thôi mà.
      - Thế là chúng mày đã quyết định rồi?
      Lành cắn môi gật đầu. Tôi nhìn trân trân vào nó, người tôi chọn làm bạn chí cốt ngay từ ngày đầu còn là con bé tỉnh lẻ ngơ ngác lên chốn phồn hoa. Có lẽ ở nó toát lên sự giản dị, gần gũi, thậm chí dè dặt hơn rất nhiều so với những cô gái thành phố hoặc quê mùa nhưng gồng mình lên ra dáng thành phố khác. Sau này tôi phát hiện ra nhà Lành khá giàu. Nhiều đứa trong lớp bảo tôi khôn, lợi dụng Lành. Nhưng giữa tôi - người mà bố mẹ nó coi như con đẻ - và nó, dường như không tồn tại thái cực nào. Ở bên cạnh nó, tôi không phải là một hoa khôi đài các kiêu sa, đố kỵ với tất cả những đứa con gái có tý nhan sắc khác. Cứ thế, tôi dựa vào nó mà sống cho đến khi lấy chồng, sinh con, bám trụ và thích nghi với thành phố. Còn nó, dựa vào tôi mà hòa nhập với bạn bè và không phải chạnh lòng trước những lời bóng gió, trước những bông hoa “phát chẩn” mỗi độ lễ lạt, hội hè.
Nhưng, tôi không thể hình dung thân hình của một người phụ nữ đã 35 tuổi mà chỉ cao 1 mét 46, nặng chưa đầy 34 kg kia sẽ nằm trên bàn sản như thế nào. Rồi người ta sẽ đưa vào đó những dụng cụ lạnh ngắt cùng những mũi kim buốt nhọn của sự khinh bỉ, sẽ ngoáy, sẽ chọc, sẽ hút đến rã rời... Tôi nhắm mắt lại. Lành nằm đó, thiêm thiếp, đôi mắt quầng thâm khép chặt, tấm ga trắng tinh chỉ khẽ gợn. Có tiếng ai đó: “Chồng đâu mà để em chồng phải đưa đi thế này? Yếu thế, có bầu được là phúc lại còn... Chả biết lần sau có đẻ được không?”. Tôi mở choàng mắt ra. Lành chăm chắm nhìn tôi cầu khẩn. Tôi ngập ngừng vọc tay vào ví, chợt giật phắt lại.
      - Thế, mày túng thiếu đến mức ấy sao?
      Lẽ ra tôi không nên nói thẳng như vậy. Nhưng tôi và Lành, không thể chọn cách nói nào khác. Lành cũng không bất ngờ.
      - Tao vừa vét hết đóng học phí cho anh ấy. Ngành Mỹ thuật tốn kém chứ không như bọn mình. Nói thật, tao chỉ còn mấy chục lẻ tiêu cho đến tháng lương sau thôi.
      Sợ tôi không tin, Lành với tay lấy cái ví, đổ tung ra, mấy đồng xu lăn lông lốc, xoay tròn. Tôi kiên nhẫn nhìn Lành đếm. Cả những đồng tiền nhàu nát, đúng là chưa đến 100 nghìn. Hóa ra, bạn tôi đã tự nguyện, hạnh phúc cho một loài ký sinh đeo bám suốt bao nhiêu năm trời, để đến nỗi kiệt quệ thế này. Không những thế, nó lại còn có sức mạnh phi thường để chống lại cả tôi, rồi đến đường cùng không còn ai khác lại cầu cứu, lại đổ lên tôi cái trách nhiệm nặng nề này. Nó bảo tôi phải cùng chia sẻ cái tội lỗi mà tôi đã gắng sức nhưng bất lực không ngăn chặn nổi. Sao cái lúc nó vênh mặt lên, đôi mắt như con cún con hàm ơn chủ và say sưa ca ngợi người tình, nó không thấy tôi khinh bỉ kẻ đã thần thánh hóa một gã trai chỉ vì gã đó dám ngủ với mình. Và để được thế, nó bất chấp hậu quả. Nhưng không đời nào, với tôi, giết một sinh linh, dù là trong ý nghĩ cũng đã là phạm tội, tôi phải tích đức cho chồng, cho con, cho cả những rủi ro sẽ gặp phải trên cõi đời đầy bất trắc này. Tôi đứng phắt dậy:
      - Tao khuyên mày nên giữ đứa bé lại. Tao linh cảm sẽ không có lần sau nữa đâu. Đầy người sinh con mà không có chồng. Cứ sinh đi rồi cưới sau cũng được mà. Mặc kệ ai nói, tao ủng hộ mày.
      Nói xong những lời giả dối ấy, tôi xăm xăm ra về. Tôi biết, Lành đứng rất lâu, dưới tán những bông hoa chói gắt mầu nắng, nơi bố mẹ Lành đã cưu mang tôi như con đẻ để nhìn theo dáng đi rất dứt khoát của tôi. Và có lẽ, tôi đã suốt đời bỏ mặc Lành như thế, nếu trên đường về hôm ấy, tôi không tình cờ bám theo chiếc xe mang biển số ngày sinh quen thuộc của Lành. Chiếc xe nổ máy hơi to, khiến người đi đường khó chịu. Cô gái ngồi sau xe hình như cũng biết điều đó nên hét lên:
      - Anh đổi xe khác đi, không lần sau đi taxi đi chơi đấy. Người ta cứ nhìn. Em mà phải ngồi trên chiếc xe cà khổ này à?
      Một bàn tay thò ra phía sau bóp đùi cô gái rất chặt khiến cô “oái” lên một tiếng. Liền sau đó là một tràng cười rinh rích.
      - Cứ bình tĩnh nào. Tháng sau, anh quyết rồi. Thanh lý cái đồ già lão cũ rích này đi. Anh sẽ tậu xe hoa rước người đẹp đi chơi, được chưa?
      Chiếc xe rồ ga lướt hút vào dòng người ồn ào phía trước, khạc lại một bãi khói xanh đậm. Tôi phi như điên đến cột rút tiền. Rồi cũng lại như điên, tôi phi đến nhà Lành. Tôi đặt cộp cọc tiền năm triệu trước cái lưỡi cày xanh xao ngơ ngác. 
      - Tao đã nghĩ kỹ. Đi làm sớm đi. Đừng tiếc tiền bồi dưỡng.
      Tôi quày quả bỏ đi, chạy trốn ngôi nhà rực rỡ hoa loa kèn ấy. 
      Đêm ấy tôi nằm mơ. Lành đang bóc từng giọt máu của mình ra, nặn thành từng bông hoa, treo lên những cuống xanh mướt. Bố mẹ Lành thay phiên nhau dốc những bình nước màu đỏ sậm, lấp lóa dưới nắng lên từng gốc hoa. Một dòng nước lạnh ngắt ngoằn ngoèo bò đến. Tôi vã mồ hôi, hai tay ôm đầu, miệng ú ớ.
Tôi đứt liên lạc với Lành từ đấy.
      Nhưng những giấc mơ thì liên tục hành hạ. Một ngày nọ, đứa con gái út mười tuổi của tôi hơ hải đạp xe về, nằng nặc:
      - Mẹ chở con đến nhà cô Lành đi mẹ.
      Tôi không muốn nhìn thấy sự ích kỷ, vô ơn của mình. Tôi càng không muốn con gái mình biết điều đó. Nhưng con bé hồn nhiên, hớn hở:
      - Cô Lành chở một em bé xinh lắm, vừa đi qua ngõ nhà mình. Cô bảo con đến chơi với em.
      Mắt hoa, tai ù, tôi bỗng thấy mình lơ lửng trên không trung như một quả bóng bay rồi đáp xuống một cánh hoa trên ban công nhà Lành, bàn chân tôi bỏng rát. Dưới mảnh sân ngập tràn nắng, con bé mặc chiếc váy đỏ rực, xập xòe như cánh bướm. Lành vừa chạy theo nó vừa vỗ tay, miệng líu lo, đôi mắt sáng và khuôn mặt rạng ngời.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lành <br><i>Truyện ngắn của Phạm Hương Giang</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO