![Phố đi bộ Đồng Đăng sẽ đi vào hoạt động từ tối ngày 6.2 3478d09c-7203-499d-8574-2dcc065262cb.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/bb7caf2cc7ddffb4132f3db5dbdffef2cbdae150bac1d281542111590e0962b835a977bcdb614006f40e0ea7ea9ebd6a7271760712bb0da94a3473384f4d1d46092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108/3478d09c-7203-499d-8574-2dcc065262cb.jpg)
Theo đó, nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại chương trình như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại Lễ hội Đồng Đăng; khai trương không gian văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện Cao Lộc; Hội thi múa Sư tử Mèo, chơi dân gian và triển lãm văn hóa...
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định về xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Pháo đài Đồng Đăng. Theo Quyết định, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng tại quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Pháo đài Đồng Đăng ở ngay giữa thị trấn Đồng Đăng. Theo các tư liệu lịch sử, pháo đài được xây từ thời Pháp thuộc, khoảng những năm 1939 - 1941. Đây là công trình quân sự kiên cố của thực dân Pháp nhằm án ngữ phía Bắc. Pháo đài được xây dựng thành 3 tầng, bên trong được thiết kế phức tạp. Tầng cao nhất được thiết kế làm nơi quan sát; tầng thứ hai có đủ các phòng và lỗ châu mai để chiến đấu; tầng thứ 3 là nơi chứa quân trang, đạn dược, lương thực, phòng họp, phòng ngủ, nhà bếp... Ngoài ra hệ thống đèn chiếu sáng và các cửa hầm thoát hiểm cũng được thiết kế rất bài bản, khoa học…
Trong chiến dịch Biên giới 1950, quân dân ta chiến thắng ở Đông Khê (Cao Bằng), Thất Khê (huyện Tràng Định, Lạng Sơn), quân Pháp phải rút chạy về xuôi theo đường đường số 4. Đến thị trấn Đồng Đăng, chúng đã kịp dùng thuốc nổ để phá hoại pháo đài nhằm không cho quân ta chiếm giữ một điểm quân sự quan trọng. Tuy nhiên, do được thiết kế kiên cố bằng bê tông cốt thép nên pháo đài chỉ bị hư hỏng nhẹ. Di tích Pháo đài Đồng Đăng được xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 2.10.2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn.
![Nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Đồng Đăng 476210894-1158941705595793-5000646250039144476-n.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/bb7caf2cc7ddffb4132f3db5dbdffef2156d7878fd6ff29c9a88f1d1df3f6b8babd5f3b54c6bd06c93bec2b9a408a25b8df61151ac5ba417c96eef911f6d3d5b82b08c75246485de7ba4d6c405540e2a/476210894-1158941705595793-5000646250039144476-n.jpg)
Điểm nhấn chương trình là đưa vào hoạt động phố đi bộ Đồng Đăng. Theo đó, không gian phố đi bộ có 4 tuyến đường tổng chiều dài 1.442m. Có 230 hộ đăng ký tham gia buôn bán về đêm khi tuyến phố bắt đầu đi vào hoạt động. Đồng thời mở 26 kiot trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Để tuyến phố đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện đã quan tâm đầu tư kinh phí để chỉnh trang lòng đường, vỉa hè và đang tiếp tục đầu tư các hạng mục cơ bản khác như cổng chào, trang trí đường điện chiếu sáng... Đặc biệt, UBND huyện đã thành lập Ban Quản lý phố đi bộ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến Nhân dân trên địa bàn về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng phố đi bộ, hoạt động của phố đi bộ.