Xem xét thông qua 29 nghị quyết
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu cho biết: Trong năm 2024, HĐND tỉnh đã tổ chức 10 kỳ họp (trong đó 8 kỳ họp chuyên đề, 2 kỳ họp thường lệ). Trong quá trình triển khai thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành chuyên môn của UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, thống nhất. Thực hiện xây dựng dự thảo nghị quyết, các Ban HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt nội dung ngay từ khâu soạn thảo; đồng thời phối hợp tổ chức khảo sát một số nội dung, qua đó nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban và tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Các báo cáo thẩm tra ngắn gọn, rõ nội dung và có tính phản biện cao được đại biểu HĐND tỉnh đồng tình, ghi nhận, làm cơ sở cho việc thảo luận và thông qua các nghị quyết. Việc soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được các đơn vị thực hiện trên tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm đúng quy trình; việc gửi tài liệu cho đại biểu và thông tin tuyên truyền về kỳ họp được thực hiện đầy đủ; công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ hậu cần, an ninh trật tự, an toàn trong thời gian diễn ra các kỳ họp được các ngành, đơn vị chức năng lên phương án cụ thể, thực hiện nghiêm túc.
Ngay sau các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, thư ký kỳ họp và Ban Pháp chế HĐND tỉnh hoàn thiện nghị quyết, biên bản kỳ họp trình Chủ tịch HĐND tỉnh ký chứng thực và gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu cho biết: Tại kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, trên cơ sở xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét thông qua 29 nghị quyết gồm: Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Đề án đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn…
Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu kỹ các báo cáo, tập trung thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; Phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách; Chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó hiến kế các giải pháp, đưa ra quyết định sát, đúng các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh: Năm 2024 tình hình thế giới có nhiều biến động, thời tiết diễn biến thất thường. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND, HĐND đã tiếp tục nỗ lực, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lắng nghe ý kiến Nhân dân và bám sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Để kỳ họp thành công, đề nghị các đại biểu HĐND tập trung trí tuệ, đánh giá sát kết quả đạt được, những tồn tại khó khăn điểm nghẽn việc triển khai các nghị quyết đã thông qua. Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt, phát huy tinh thần trách nhiệm nêu những điểm nghẽn khó khăn cần được quan tâm giải quyết. Những cá nhân được chất vấn phải đưa ra giải pháp trước cử tri và HĐND.
Phấn đấu GRDP đạt 8%
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cho biết: Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Những thuận lợi đó là: tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các điểm nghẽn của nền kinh tế được tập trung tháo gỡ; các nguồn lực được Trung ương quan tâm phân bổ đầu tư tạo động lực thúc đẩy phát triển; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các dự án trọng điểm, nhất là các dự án có tính chất kết nối vùng, liên vùng được tập trung đẩy mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng cao, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, môi trường đầu tư được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại được mở rộng. Tuy nhiên, những khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng, thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản; doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2024 phát triển toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,01%, trong đó: Nông lâm nghiệp tăng 2,78%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,8%, dịch vụ tăng 6,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,17%. Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,51%; công nghiệp - xây dựng 23,71%; dịch vụ 50,31%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,47%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,1 triệu đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, thành lập mới 1.200 doanh nghiệp, đạt 200% kế hoạch, tăng 57,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 9.805,5 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được triển khai thực hiện tốt, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cũng cho biết: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn thách thức. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xảy ra bão, lũ, ngập úng, đặc biệt là bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại về người, tài sản, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp; công tác triển khai hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả của bão số 3 còn chậm, chưa tạo được sự động viên kịp thời đối với người dân bị ảnh hưởng. Công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại một số địa phương còn bị động. Việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn một số vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy chưa được giải quyết kịp thời. Tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc; một số dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu, còn chậm so với kế hoạch.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), tạo tiền đề cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ giai đoạn 2026 - 2030; nhu cầu kinh phí cho đầu tư phát triển, thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, dự án, đề án của tỉnh, đối ứng kinh phí để thực hiện các chương trình dự án đã cam kết... rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách nhà nước còn khó khăn. Doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách của Trung ương ảnh hưởng đến số thu ngân sách như chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, hỗ trợ về thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất...
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong năm 2025 phấn đấu đạt 7,7 - 8%; Xây dựng thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Phát triển toàn diện ngành du lịch, từng bước phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn..., tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư. Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia vào thị trường. Tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là các dự án du lịch trọng điểm; Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.