Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Hà Mạnh Cường cho biết, khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn (tại huyện Hữu Lũng, khởi công xây dựng hạ tầng tháng 6.2024) với quy mô sử dụng đất gần 600 ha, đang triển khai giai đoạn 1 với diện tích 200ha. UBND huyện Hữu Lũng đã tổ chức kiểm đếm đối với hơn 490 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án; hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích hơn 57ha…
Tuy nhiên, dự án này gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Phần diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư chưa đủ để triển khai thực hiện thi công xây dựng hạ tầng. Chính quyền địa phương và nhà đầu tư dự án lý giải, nguyên nhân là do dự án có quy mô lớn, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phải có thời gian kiểm tra, xác minh việc quy chủ, kiểm kê số liệu về tài sản trên đất, ranh giới các thửa đất... để bảo đảm xác định đúng đối tượng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định...
Theo Sở Công Thương tỉnh, toàn tỉnh có 9 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 372 ha đã có quyết định thành lập, bao gồm các Cụm Công nghiệp: Hợp Thành 1, 2 (huyện Cao Lộc); Bắc Sơn 2 (huyện Bắc Sơn); Đình Lập (huyện Đình Lập); Hồ Sơn 1, Hoà Sơn 1 (huyện Hữu Lũng); Na Dương 1 và Na Dương 3 (huyện Lộc Bình). Trong đó, mới chỉ có Cụm Công nghiệp địa phương số 2 (huyện Cao Lộc), diện tích 8,5ha đang hoạt động, đã lấp đầy 100%; còn lại 8 cụm công nghiệp đang trong giai đoạn triển khai thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các cụm công nghiệp đang xây dựng hạ tầng đều gặp khó về thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư...
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định, tỉnh xác định kiên trì phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm cho người dân; phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế, công nghiệp. Tỉnh hướng tới mục tiêu đến năm 2030, phát triển khu, cụm công nghiệp là một trong 4 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội địa phương và phấn đấu đến năm 2050, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp xanh, đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, để hoàn thành mục tiêu trên, các huyện, thành phố, sở, ngành, đơn vị, nhà đầu tư hạ tầng cần tập trung, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình xây dựng, hình thành các khu, cụm công nghiệp, nhất là phải đẩy nhanh tiến độ các khu, cụm công nghiệp lớn có tác động đến đời sống Nhân dân và nền kinh tế của tỉnh như: Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn...
Các huyện, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị liên quan đến các khu, cụm công nghiệp để tháo gỡ ngay những "điểm nghẽn" về thủ đầu tư, giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị theo chức năng, thẩm quyền của mình dồn lực giải quyết những vấn đề phát sinh, không để tồn đọng, kéo dài gây ảnh hưởng, làm chậm tiến độ dự án.
Các địa phương chủ động xây dựng, đưa vào quy hoạch diện tích đất phát triển công nghiệp, xây dựng khu tái định cư. Khi có quyết định thành lập các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải bắt tay ngay vào triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, gắn trách nhiệm người đứng đấu với việc thực thi nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị chức năng cần thẩm định, đánh giá đúng năng lực tài chính, khả năng triển khai dự án của các nhà thầu, tránh trường hợp thay đổi nhà đầu tư dự án do năng lực yếu.
Các nhà đầu tư dự án xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh; kiến nghị với UBND tỉnh những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, nhà đầu tư bố trí nguồn vốn để chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng cho các hộ dân theo phương án đã được phê duyệt; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực để tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên phần diện tích sạch đã được bàn giao.