Lắng nghe ý kiến người dân

- Thứ Hai, 16/11/2020, 05:43 - Chia sẻ
Chỉ trong vòng một ngày, sau khi công bố dự thảo nghị định mới đề xuất tăng học phí ở tất cả cấp học, trước bức xúc của dư luận về thời điểm tăng học phí không phù hợp khi ảnh hưởng dịch Covid-19 và thiên tai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút lại công bố này và đề xuất giữ nguyên mức học phí như hiện hành.

Mặc dù mức tăng học phí bậc đại học tăng 12,5%; học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% từ năm học 2021 - 2022 nằm trong lộ trình tăng học phí theo các văn bản luật ban hành thời gian qua. Thực tế cho thấy, thu học phí chỉ chiếm 6,32% tổng chi thường xuyên cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tức là thu học phí chưa đạt lộ trình tính đủ chi phí. Do đó, dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86 là nhằm mở rộng mức trần học phí, chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học, tiến tới thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy vậy, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19, sinh kế từng gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì mức tăng nào, dù nhỏ, cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến từng gia đình. Bên cạnh đó còn thiên tai, bão lũ hoành hành, người dân gặp thêm nhiều khó khăn... Vì thế, dễ hiểu khi việc đưa ra dự thảo nghị định nói trên về học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo gây phản ứng gay gắt trong dư luận. Đáng lẽ, trong tình hình hiện tại, Bộ phải tính đến việc giảm học phí, đặc biệt miễn giảm học phí cho con em các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh mới là chính sách nhân văn.

Ai cũng thấy trước được năm 2021 sẽ là năm đặc biệt khó khăn, mọi chính sách tác động đến người dân trong thời điểm này đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2021, trong đó không tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, không điều chỉnh chuẩn nghèo. Nguồn lực này sẽ để dành phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện an sinh xã hội. Vậy thì vì sao ngành giáo dục lại có ý tăng học phí vào thời điểm này, khi đây là lĩnh vực tác động tới mọi người dân, nhất là người nghèo?

Kiến nghị tạm hoãn tăng học phí đã đưa ra kịp lúc, cho thấy sự cầu thị và chia sẻ khó khăn với phụ huynh. Nhưng đây cũng chỉ là hoãn tăng chứ không phải là không tăng. Rõ ràng, khung học phí tới đây cũng phải bảo đảm hợp lý, phải lắng nghe ý kiến của người dân để có được sự đồng thuận cao nhất về chính sách tài chính mới. Phải có sự khảo sát cụ thể để xác định nhu cầu cần kinh phí so với kinh phí hiện có được từ mức thu hiện nay ở từng bậc học, từng vùng miền. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đề xuất lộ trình tăng học phí phù hợp so với khả năng đóng góp ở người dân từng vùng miền sao cho phù hợp.

Về lâu dài, điều Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần quan tâm là quyết liệt hơn về chống lạm thu ở các trường phổ thông, tiểu học, mầm non. Học phí dù tăng nhưng có chừng mực và lộ trình, các khoản ngoài học phí mới thực sự là gánh nặng của phụ huynh, khi các khoản thu ngoài học phí gấp 5 - 7 lần học phí.

Duy Anh