Chấm dứt tình trạng bạo lực, trừng phạt trẻ em

Lắng nghe trẻ em

- Thứ Hai, 16/11/2020, 06:14 - Chia sẻ
Mặc dù chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em cũng như xử lý vi phạm về xâm hại đối với trẻ em đã được quy định khá đầy đủ tại các văn bản quy phạm pháp luật, song tình trạng bạo lực, trừng phạt thể chất lẫn tinh thần trẻ em vẫn diễn ra khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc thực thi chính sách pháp luật về quyền trẻ em vẫn chưa nghiêm.

Bạo lực, trừng phạt trẻ em vẫn gia tăng

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em. Cụ thể, ngay từ những năm 1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này từ Luật Trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... Các văn bản này đều quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan ban ngành trong việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là thẩm quyền của các cơ quan và biện pháp can thiệp khi trẻ bị bạo hành. 

Báo cáo Khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam năm 2020 của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và SCI, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ đã từng chứng kiến việc trẻ em bị trừng phạt tại gia đình và tỷ lệ cũng rất cao tại nhà trường. Tại sao vậy? Ấy là bởi rất nhiều cha mẹ và thầy cô đã cho rằng mình có quyền làm cha mẹ, rằng mình luôn đúng, rằng con không biết gì, và không giữ được kiên nhẫn hay bình tĩnh để con được là chính mình, được vấp ngã, mắc lỗi để lớn lên.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đã khá hoàn thiện. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại bạo lực trẻ em, trẻ em bị bạo hành luôn luôn diễn ra thường ngày, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy cứ 8 phút là xảy ra 1 vụ xâm hại trẻ em và ở đâu đó trẻ em bị tước đi quyền sống của mình. Đó là chưa kể việc có không ít trẻ đã và đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực cả về tinh thần, phát triển do thường xuyên bị người lớn như ông bà, cha mẹ, thầy cô trừng phạt - Phó Ban giám sát Hội bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam Hà Đình Bốn khẳng định.

Báo cáo khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam do Tổ chức cứu trợ trẻ em thực hiện từ tháng 9.2019 - 5.2020 với sự tham gia của 1.700 trẻ em ở 3 miền Bắc, Trung, Nam về thực hiện quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em chỉ ra rằng, việc trừng phạt thể chất, tinh thần và bạo lực đối với trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, có tới hơn 80% trẻ em đã từng trực tiếp chứng kiến các bạn và anh, chị em của mình bị người lớn trừng phạt khi mắc lỗi; 74% trẻ chứng kiến bạo lực xảy ra tại chính gia đình mình, và cứ 5 trẻ có 1 em chứng kiến trẻ khác bị người lớn trừng phạt ở địa phương điểm công cộng cũng như tại trường học... Đáng chú ý, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, việc trừng phạt trẻ trở nên phức tạp và gia tăng mức độ nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực cả về tinh thần, sự phát triển của trẻ em...

Cha mẹ, thầy cô phải biết được quyền trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, tuy nhiên ngoài yếu tố thuộc về quan điểm "yêu cho roi cho vọt” của người lớn, thì một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là do chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; việc thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong khi đó, việc tập huấn và phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em tới các cấp chưa được thực hiện tốt nên nhiều trường hợp không biết hoặc cố tình trốn tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em…

Tại buổi đối thoại “Tiếng nói trẻ em và các bên liên quan về Quyền trẻ em và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, em Nguyễn Vũ Thảo Nhi - lớp 8C, Trường THCS Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ: rất nhiều trẻ em, trong đó có em khi chưa tham gia nhóm trẻ em nòng cốt gần như không tiếp cận được các quyền của trẻ em. Những khái niệm về quyền trẻ em là gì, và trẻ em thì có những quyền gì... gần như không nắm rõ. Vì vậy, nhiều khi bản thân mình hay bạn bè, hoặc là trường hợp nhìn thấy trẻ em hàng xóm bị bố mẹ, thầy cô mắng, trừng phạt, mình cảm thấy rất bức bối, nhưng không biết phải làm cách nào để giải quyết, hoặc làm cách nào để cho người lớn hiểu và chấm dứt việc trừng phạt con trẻ.

Để chấm dứt tình trạng này, hơn 30 trẻ em trong nhóm nòng cốt của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho rằng: việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em cần được tăng cường để chính cha mẹ, thầy cô, và các em hiểu hơn về các chính sách pháp luật là cần thiết, qua đó để người lớn thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử và kỷ luật đúng mực với con trẻ. Bởi, “do chúng em chưa có nhận thức đầy đủ về thế giới quan xung quanh nên có thể mắc lỗi, nhưng nếu được nói chuyện, được khuyến khích, chúng con sẽ tự nhận ra, sửa chữa, cải thiện bản thân, nếu cứ đánh mắng trẻ em chúng con có thể chống đối và cố tình mắc lỗi. Việc trừng phạt chỉ khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò bị tổn thương, làm rạn nứt mối quan hệ, thui chột sức sống, niềm tin nơi trẻ”.

Phản hồi lại những thông điệp của trẻ em, các tổ chức xã hội tại buổi đối thoại, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Nga khẳng định: Thực tế, tiến trình xây dựng các chương trình quốc gia năm 2021 - 2025 đều được xây dựng dựa trên khảo sát ý kiến của trẻ em với sự hỗ trợ cả chuyên môn lẫn thực hiện bởi các tổ chức xã hội. Lắng nghe ý kiến của trẻ em và các tổ chức xã hội, chúng tôi thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức năng lực, can thiệp và hỗ trợ, bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần kết nối tất cả các bên liên quan cùng chung một mục tiêu là để mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.

Bài và ảnh: Hải Thanh