Xã hội

Làng nghề khó thu hút nhân lực chất lượng cao

Bài và ảnh: Hà Hương 18/07/2025 09:29

Mặc dù có nhu cầu nhưng doanh nghiệp tại các làng nghề hiện rất khó tuyển lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải sớm có giải pháp để vừa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển vừa duy trì sức sống làng nghề trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn.

Công ty cổ phần gốm Chu Đậu được thành lập năm 2001, đóng trên địa bàn xã Thái Tân, TP. Hải Phòng. Công ty đang sử dụng 228 lao động, trong đó, có 1 nghệ nhân ưu tú, 9 nghệ nhân được UBND tỉnh Hải Dương (cũ) phong tặng, 27 nghệ nhân làng nghề Việt Nam và 120 lao động làng nghề - tay nghề cao. Mặc dù có lợi thế về nguồn lao động từ chính làng nghề, nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển, Công ty vẫn đặt mục tiêu mỗi năm tăng trưởng ít nhất 10% nhân lực chất lượng cao và có thêm ít nhất 5 nghệ nhân.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thăm một cơ sở sản xuất gốm Chu Đậu, Hải Dương
Đoàn giám sát của UBTVQH khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất gốm Chu Đậu

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Công ty cổ phần gốm Chu Đậu gặp nhiều khó khăn khi ở xa trung tâm thành phố; người lao động có tay nghề cao thường chọn làm cho công ty lớn mang tính thương mại chứ không phải theo hướng sản xuất. Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức, khó khăn lớn nhất của ngành gốm sứ là tuyển dụng và đào tạo thợ vẽ tay nghề cao. Việc đào tạo nhân lực trên địa bàn thông qua các trường nghề hiện chỉ giải quyết được nhu cầu sử dụng lao động phổ thông, còn lao động chất lượng cao vẫn chủ yếu phụ thuộc vào chính sách đào tạo, thu hút của chính doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của UBTVQH, lãnh đạo địa phương cho biết, chế độ, chính sách đối với nghệ nhân làng nghề hiện nay chủ yếu thông qua hỗ trợ gián tiếp, như quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng thương hiệu; khen thưởng đối với cá nhân có tay nghề cao, có sản phẩm chất lượng. “Do ngân sách địa phương hạn chế nên chúng tôi không thể hỗ trợ đồng đều được”.

Vật chất đã thế, khía cạnh tinh thần cũng không khá hơn. Để được công nhận là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân đòi hỏi nhiều tiêu chí, như theo quy định để được công nhận là nghệ nhân nhân dân phải có 20 năm trong nghề, nhưng xác minh thế nào là cả vấn đề, hoàn thiện hồ sơ cho họ rất khó khăn. Vì thế, thợ giỏi các làng nghề hầu như không nghĩ đến việc làm giỏi để được công nhận là nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Họ cứ làm vậy thôi, không nghĩ đến danh hiệu!

Lua Van Phuc1
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, làng dệt lụa Vạn Phúc, giới thiệu với khách tham quan cách dệt lụa truyền thống của làng

Trên thực tế, khó khăn về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao không chỉ xuất hiện ở làng nghề gốm Chu Đậu. Ngay với hai làng nghề của Hà Nội mới gia nhập Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới là gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc cũng trong tình trạng tương tự. Nỗi lo của các nghệ nhân hiện nay là tìm người truyền dạy để giữ nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, làng dệt lụa Vạn Phúc, chia sẻ, gia đình bà sống nhờ lụa, từ đời ông cha chưa bao giờ bỏ nghề. Thế nhưng giờ đây, nỗi trăn trờ của bà cũng như các nghệ nhân cùng thời chính là thế hệ kế cận. Ngay cả việc hướng con cháu tiếp cận, yêu nghề và giữ nghề truyền thống của Vạn Phúc cũng vô cùng khó khăn.

“Thời đại công nghiệp, đô thị hóa, nhà nào cũng chỉ 1 - 2 con và đều mong muốn con học đại học. Mà một khi đã học đại học thì hiếm khi con cháu quay lại làm nghề truyền thống của gia đình. Trong khi nghề này không phải cứ hướng dẫn là làm được, mà phải am hiểu quá trình vận hành của nghề dệt, sử dụng máy dệt”, bà Tâm giải thích.

Chia sẻ với doanh nghiệp và địa phương, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Minh Nam - thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH cho rằng, phải tận dụng các chính sách đang có để đưa ra giải hỗ trợ lực lượng lao động chất lượng cao đặc thù như nghệ nhân làng nghề. Theo đại biểu Lê Minh Nam, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang được hình thành… đều có thể đề xuất xem xét nguồn hỗ trợ nhân lực chất lượng cao.

“Đặc biệt với nhóm nhân lực chất đặc thù là nghệ nhân thủ công, những người nắm giữ kỹ năng, bí quyết nghề, mang hồn cốt dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, mang lại giá trị thương hiệu cho làng nghề, có thể xem xét có chính sách như miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng loại hình lao động này”, đại biểu Lê Minh Nam nói.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làng nghề khó thu hút nhân lực chất lượng cao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO