Lắng nghe con nói

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 16:40 - Chia sẻ
Là thông điệp được các chuyên gia tâm lý, giáo viên, học sinh đưa tại Livestream: Cha mẹ đồng hành với chủ đề “Người chiến thắng không ngừng cố gắng”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS tại Hà Nội thông qua xây dựng và vận hành phòng tham vấn học đường” - Speakout 2 được tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Good Neighbors Việt Nam (GNI) và tỉnh Gyeonggi – Do, Hàn Quốc.
Các khách mời tham gia chương trình​​​​​​

Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo TS.Hoàng Trung Học cho rằng: mong muốn được tôn trọng, được thấu hiểu, được khẳng định mình... là những nhu cầu của trẻ ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, cách thể hiện của các em nhiều khi cứng nhắc, đôi khi lại quá cảm xúc. Bởi vậy, nếu cha mẹ không lắng nghe và thấu hiểu sẽ dễ dẫn đến tranh cãi, xung đột. Lắng nghe bằng cả trái tim và hành động từ những điều nhỏ nhất chính là chìa khóa để cha mẹ - con cái hiểu nhau hơn. Từ đó, cha mẹ và con có thể đồng hành trên con đường phát triển và hoàn thiện bản thân.

Phương Vy, học sinh Trường THCS Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ những khó khăn khi học online

Điều này có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dạy – học trực tuyến. Em Phương Vy, học sinh Trường THCS Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội – khách mời của chương trình đã chia sẻ những áp lực trong học tập cũng như những tác động ngoài mong muốn khi em học online, nhất là khi học online mà tin nhắn từ các mạng xã hội cứ hiện lên liên tục, em không ngăn được sự tò mò, nên ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức, mong phụ huynh chia sẻ, đồng hành “Con làm tốt sẽ được khen, thưởng và ngược lại”… Tham gia vào Livestream này, nhiều học sinh cũng chia sẻ, mong phụ huynh tôn trọng những lựa chọn về nghề nghiệp của con, làm nghề gì, có vào học đại học hay không?.

Đứng ở góc độ quản lý giáo dục, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội Nguyễn Thế Hảo cho rằng, trong bối cảnh dạy và học online, giáo viên không thể sâu sát, uốn nắn từng học sinh được, chính vì thế rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Ông Hảo cho rằng, cùng con xây dựng mục tiêu, kế hoạch và duy trì thực hiện hằng ngày. Để làm được điều này, phụ huynh cần hiểu được những điểm mạnh, yếu, sở trường của con.

Chia sẻ tại sự kiện, Điều phối viên Dự án Lê Thu Trang cho biết, từ năm 2019 đến nay, tổ chức GNI đã hỗ trợ thiết lập và duy trì vận hành thành công 1 mô hình phòng tham vấn 3C (Chuyên môn - Chuyên nghiệp - Chuyên trách) với 4 phòng tham vấn học đường đã thu hút hơn 4.000 lượt tham vấn và hàng ngàn lượt học sinh tham gia các chương trình phòng ngừa. Bên cạnh đó, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho các mạng lưới hỗ trợ xung quanh học sinh như cha mẹ, thầy cô giáo cũng được tập trung thông qua các chương trình tập huấn, các chương trình chia sẻ hàng tháng. GNI tin rằng, "điều cuối cùng của một nền giáo dục thành công là những con người hạnh phúc". Trong thời gian tới, GNI sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ban Giám hiệu các trường, phụ huynh và các em học sinh hướng tới nâng cao sức khỏe tinh thần cho các em học sinh THCS.

Đình Khoa