Làng hiếu học Mão Điền

Cao Sơn 23/09/2012 08:58

Không phải một vùng đất có truyền thống khoa bảng nhưng từ sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, dòng họ, mỗi gia đình…; sự nỗ lực của chính thầy và trò trong xây dựng xã hội học tập, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã được cả nước biết đến là địa danh có truyền thống hiếu học.

Các bậc cao niên trong làng kể lại, sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã ra chiếu lấy một phần đất làng Đình Bảng để xây dựng khu lăng mộ, đền Lý Bát Đế, nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh nên đã diễn ra một cuộc di dân lớn về dựng làng, lập ấp ở vùng đất Mão Điền ngày nay. Đất chật, người đông lại xa trung tâm, ngoài nghề nông, người dân Mão Điền còn làm thêm đủ thứ nghề phụ, từ chăn nuôi, làm cá giống, sản xuất bún, bánh đến thu mua phế liệu, làm thuê... nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên đời sống vẫn rất khó khăn. Cách nào để nâng cao đời sống nhân dân, để thoát khỏi đói nghèo? Vấn đề này đã được các cấp chính quyền xã Mão Điền tính đến từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Theo Chủ tịch UBND xã Mão Điền Vũ Văn Độ, sau khi họp bàn và thống nhất xã đã ra chủ trương phải đưa địa phương phát triển đi lên thông qua con đường tri thức. Ngay từ cuối năm 1980, Hội đồng Giáo dục xã Mão Điền đã được thành lập, với thành viên ban đầu là các cán bộ chủ chốt của xã. Đây là một bước đi trước của Mão Điền, bởi phải đến những năm 2000 mới có chủ trương xây dựng hội khuyến học ở các địa phương. Từ chủ trương đúng đó, đến nay 100% đoàn thể, nhà trường, thôn xóm ở Mão Điền đã có chi hội khuyến học; 70% dòng họ có chi hội khuyến học; 35% dân số là hội viên hội khuyến học trong khi toàn tỉnh là 12,5%; 75% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình hiếu học... Đặc biệt, hàng năm số học sinh của Mão Điền thi đỗ trong các đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng luôn chiếm tỷ lệ cao và nơi đây được mệnh danh là “làng đại học”.



Mão Điền được đánh giá là xã có phong trào khuyến học phát triển toàn diện nhất của huyện, của tỉnh. “Nhiều lãnh đạo địa phương lân cận gặp tôi thường thắc mắc: tại sao xã tôi, huyện tôi giàu có hơn, khấm khá hơn mà các cháu học sinh lại không học giỏi, đỗ đạt bằng bên xã anh? Tôi nói rằng, đầu tư cho sự nghiệp trồng người cần cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Đôi khi cái sự nghèo cũng là một động lực để người ta vươn lên. Thực ra là do quan niệm sống của mỗi người, mỗi làng có người mê làm kinh tế, mê làm giàu, còn với người dân Mão Điền họ lại muốn đầu tư vào chính con em mình. Bao nhiêu tiền của, tâm sức họ đầu tư vào nuôi dạy con cái ăn học với phương châm: cho con nén vàng không bằng cho con gang chữ” - ông Vũ Văn Độ chia sẻ.

 Theo thống kê của Hội Khuyến học xã Mão Điền, từ năm 2006 - 2011, toàn xã có tới 1.151 học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ (ĐH 556, CĐ 595). Riêng năm 2012, toàn xã có 164 học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ (123 ĐH, 41 CĐ), là xã có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH, CĐ cao nhất tỉnh Bắc Ninh.

Hơn 20 năm gắn bó với công tác khuyến học xã nhà, thấu hiểu hoàn cảnh riêng của từng gia đình trong xã, Phó bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch Hội khuyến học Mão Điền Vũ Trọng Hùng cho biết, quyết tâm của người dân Mão Điền trong việc nuôi nấng con em ăn học thành tài không phải chỉ là học để lấy bằng cấp, mà họ thực sự mong muốn con em mình được học nghề, có nghề theo đúng nghĩa. Chính vì thế, nhiều gia đình trong xã có hoàn cảnh khó khăn nhưng để có tiền cho con ăn học họ đã không nề hà bán đi những tài sản quý giá của gia đình. Có gia đình đã bán đi cả mảnh đất hương hỏa của tổ tiên để có tiền trang trải cho con cái ăn học như gia đình ông Nguyễn Duy Hán, ông Đào Duy Nhất... Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Tám ở xóm Công, chồng chết sớm một mình tần tảo nuôi 4 người con ăn học đến đại học. Thậm chí, người con cả sau khi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, đến lúc chuẩn bị xây dựng hạnh phúc gia đình đã quyết định lùi ngày cưới để lấy tiền chăm lo cho em út vào đại học... Những điều tốt đẹp ấy quả thật sẽ khó thấy ở nơi nào khác ngoài vùng đất hiếu học Mão Điền.

Đường tới trường
Đường tới trường
Để công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học thu được hiệu quả cao nhất, Hội Khuyến học xã Mão Điền hàng năm còn tổ chức gặp gỡ sinh viên các trường đại học là con em xã nhà trong mỗi dịp các em về nghỉ Tết Nguyên đán. Những buổi gặp mặt này, từ sự chia sẻ của các anh chị sinh viên đi trước đã giúp các em học sinh sắp bước vào ngưỡng cửa đại học có thêm kinh nghiệm, ý chí quyết tâm, phấn đấu. Ông Vũ Trọng Hùng cho rằng, trước mỗi kỳ thi các em phải chịu khá nhiều áp lực và kết quả đạt được có thể như ý, có thể không như ý, cho nên trách nhiệm của hội khuyến học là đến từng gia đình động viên, đả thông tư tưởng các bậc phụ huynh để nếu các em không đạt được kết quả như mong muốn, mỗi gia đình phải là nguồn động viên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các em tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Dẫu không có lịch sử là một làng khoa bảng, nhưng có thể khẳng định, với chủ trương đúng đắn, sự hiếu học và những kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, Mão Điền xứng đáng với danh hiệu làng hiếu học, làng đại học. Như lời của nguyên Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Ninh Lê Nho Nùng: Mão Điền đang thực hiện một cuộc di dân lớn ra các thành phố lớn, các trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước. Cuộc di dân đó đang được người Mão Điền thực hiện bằng con đường học vấn. Riêng tôi cho rằng, truyền thống của một vùng đất là do chính con người nơi ấy tạo dựng nên qua nhiều thế hệ và Mão Điền đã và đang làm tốt điều đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làng hiếu học Mão Điền
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO