Lắng đọng hồn dân tộc

Lê Thư 28/10/2017 08:28

Chiếc quạt từ lâu đã gắn bó với người dân Việt. Lên sân khấu, quạt biến hóa trên tay nghệ sĩ, uyển chuyển theo làn điệu, ướm trổ nhân cách, số phận trong từng vở chèo. Bắt nhịp nghệ thuật truyền thống, quạt không chỉ là đạo cụ phụ trợ các vai diễn, mà còn thể hiện quan niệm sống, lắng đọng tâm hồn người xưa.

Tôn chất chèo cổ

Lớp ra trò của nữ chính như Thị Kính (vở Quan âm Thị Kính) thì bước đi, tay cầm quạt đều ngay ngắn, vuông vắn; nghe tiếng cha đòi gương soi phấn đánh, lược giắt châm cài bước ra, nhìn trộm chàng Thiện Sĩ thì làm thành vòng đưa qua mặt, để liếc qua khe hở của nan cầm. Lớp ra trò của Thị Mầu điệu đà, tà áo phô ra, quạt đặt lệch, động tác phẩy quạt lả lướt theo từng lời. Hay đối với các nam lệch, nam chính, quạt phối hợp ăn ý với tổng thể điệu múa, âm nhạc, lời hát để thể hiện tính cách nhân vật. Có thể nói, quạt góp phần nói lên câu chuyện, thay cho lời nói, cách điệu hóa các hình tượng trong chèo.

Vượt ra ngoài giá trị sử dụng, quạt thể hiện cái duyên và tinh tế của nghệ thuật truyền thống. Theo NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam, ở đời thường người ta chỉ dùng quạt để tạo gió mát, nhưng với vai trò đạo cụ trong chèo, quạt vô cùng quan trọng. Các nhà hát chèo thường dùng logo là hình cái quạt để tôn vinh vật dụng này. Quạt biến hóa theo phong cách nhân vật, mượn phong cách ấy mà gửi gắm câu chuyện nhân cách con người. Chẳng hạn, chiếc quạt chập lại thì như trụ âm dương trời - đất, mở ra là biểu thị quảng đại chúng sinh, qua đó mà nói về thuyết ngũ hành. Cùng là khuấy quạt trên đầu nhưng hoa tay mềm dẻo tượng trưng mây trời vần vũ, hoa tay thoắt nhịp giống như chỉ lối đưa đường. “Từng cử chỉ nhỏ đều có sự tính toán kỳ công. Động tác quạt tung ra phải thu vào như quan niệm sống ngàn đời có vay có trả”, NSƯT Thanh Ngoan nhận định.

Thực hành các động tác cơ bản của múa quạt trong chèo cổ Ảnh: Đặng Ngọc Thái
Thực hành các động tác cơ bản của múa quạt trong chèo cổ Ảnh: Đặng Ngọc Thái

Với giá trị ấy, mỗi nghệ sĩ bắt đầu tiếp xúc với chèo là học động tác múa quạt. Người có tâm không sử dụng quạt cho có mà phải vận công lực để diễn tả các động tác, đường quạt mới uyển chuyển, thấm đượm ý nghĩa vở chèo. Số phận của chiếc quạt cũng thăng trầm theo cuộc đời nhân vật. Một ông trùm phường chèo như Cả Hân (vở Đường trường duyên phận) lúc thăng hoa tột đỉnh, quạt tung lên nhẹ bẫng như bay, nhưng khi rơi vào bi kịch, quạt trĩu xuống nặng nề. Theo NSƯT Thanh Ngoan: “Múa quạt mà không có hồn thì cũng vô nghĩa như một bông hoa không hương sắc. Hồn dân tộc được gửi vào đây cũng theo năm tháng, theo các nhân vật để truyền tải giá trị truyền thống”.

Cầu nối với truyền thống

Cùng với sự ra đời nhiều vở diễn đề tài hiện đại, quạt ít xuất hiện trên sân khấu chèo, nhưng trong lớp diễn cổ, quạt vẫn là đạo cụ quan trọng nhất, thể hiện sự tài hoa của nghệ sĩ. Khi Nhà hát Chèo Việt Nam chuyển thể truyện Đào sen của họa sĩ Lê Thiết Cương thành vở Đường trường duyên phận, NSƯT Vũ Bá Dũng đã lồng ghép sáng tạo các động tác múa quạt cho nhân vật Cả Hân. Các thế quạt xòe, quạt trụ, các ngón quạt xoay được biến hóa, hòa trộn vào nhau. NSƯT Vũ Bá Dũng nói: “Năng khiếu là một nhưng cũng phải tập luyện ghê gớm mới thể hiện hết được ý nghĩa của cái quạt trên tay. Người nào yêu nghề, đam mê tìm hiểu mới thấy cái hay của nó, còn không thì chỉ là cầm thế thôi chứ quạt không toát lên thần thái chuyển động”.

NSƯT Thanh Ngoan nhớ lại lần giao lưu văn hóa giữa Nhà hát Chèo Việt Nam và các nghệ sĩ Nhật Bản, hai bên cùng giới thiệu về quạt và các bài múa quạt, qua đó cho thấy nét độc đáo trong văn hóa của từng quốc gia. “Nghệ sĩ Nhật Bản bảo rằng múa quạt trong chèo Việt Nam rất khó, bởi đôi khi vòng quay của quạt ngược so với các nước. Bởi theo quan niệm riêng của từng dân tộc mà quạt có kiểu dáng, được trang trí và động tác múa quạt có ý nghĩa khác nhau. Gắn với chèo, quạt được tôn lên tính chất thuần Việt, mà gắn với quạt, chèo cũng mang đậm nét truyền thống”.

Mới đây, một chương trình về quạt truyền thống được mở ra dành cho học sinh tại Hà Nội. Nghệ sĩ chèo được mời đến để giới thiệu, hướng dẫn các em những động tác múa quạt cơ bản. Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Hài Hòa Nguyễn Thị Thủy cho biết, khi hình ảnh chiếc quạt truyền thống ngày càng xa lạ với các bạn nhỏ thành phố và cả nông thôn, chương trình trải nghiệm này là cơ hội tìm về giá trị tốt đẹp đang dần mai một. “Chúng tôi hy vọng các em sẽ học được điều gì đó để cùng lắng đọng truyền thống dân tộc”. Đấy cũng chính là cách gợi nhớ thế hệ trẻ về giá trị của cha ông, như lời họa sĩ Lê Thiết Cương: “Các bạn nhỏ được vẽ lên chiếc quạt bất cứ cái gì tưởng tượng, được xem múa quạt để thấy quạt có thể diễn tả đầy đủ tâm trạng con người, để biết được trong chèo cổ, bên cạnh âm nhạc là đàn nhị hồ và tiếng trống, đạo cụ điển hình là quạt”…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lắng đọng hồn dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO