Lễ khai hội làng Bát Tràng, sáng 23.3, có nhiều nghi lễ truyền thống như: Dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn), sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ. Đoàn cấp thủy thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ dâng hương tại Kim Trúc tự, nhà thờ Bác Hồ, đền Mẫu Bản Hương. Sau đó, hai đoàn rước thủy, bộ tập kết về Đình dâng lễ Tế Thánh.
Nhân dịp lễ hội, người dân và du khách được tham gia các hoạt động dâng lễ, thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật quần chúng…
Làng cổ Bát Tràng nằm ở ven sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội là làng gốm lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa đã được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế với các loại hình sản phẩm phổ biến như gốm tâm linh thờ cúng, gốm mĩ thuật trang trí, gốm gia dụng và gốm xây dựng….
Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Bát Tràng còn được biết đến như một ngôi làng mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa qua các công trình kiến trúc đồ sộ, lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo… của một ngôi làng gần nghìn năm tuổi. Tất cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đó được tái hiện trong những ngày hội làng.
Ông Phạm Minh Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng chia sẻ: Hàng năm, Bát Tràng tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, Thành hoàng làng đã giúp khai sơn lập địa, hình thành nên làng ngày nay. Tổ chức lễ hội cũng là dịp để làng quảng bá hình ảnh, văn hóa của người Bát Tràng đến với du khách, qua đó, tạo điều kiện phát triển du lịch cũng như hoạt động sản xuất thương mại của làng nghề.