Lan tỏa văn hóa Việt tới bạn bè Bắc Âu

- Thứ Sáu, 24/01/2014, 14:55 - Chia sẻ
Gần chục năm qua, Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội (Hanoi Asian Art House - HAAH) tại Thụy Điển của gia đình họa sỹ Công Quốc Hà đã góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới đông đảo bạn bè Bắc Âu. Đây cũng là nơi tổ chức trại sáng tác dành cho các họa sỹ Việt Nam và quốc tế.

Tranh thờ của dân tộc Dao đang được trưng bày
tại HAAH
HAAH đang trưng bày giới thiệu bộ tranh thờ của người Dao đỏ, với 30 bức tranh khổ lớn vẽ màu trên giấy niên đại khoảng năm 1950. Đây là bộ tranh đẹp trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Trung tuần tháng 4 tới, HAAH sẽ tổ chức triển lãm chuyên đề tranh đồ họa của các tác giả Việt Nam và quốc tế, như: Trần Văn Cẩn, Công Quốc Hà, Sanvado Dali, Joan Miro, Tu Lau Trec, Elli Biller, Hans Dahl...

- Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội ra đời thế nào, thưa họa sỹ? Tại sao ông lại chọn Thụy Điển làm nơi lan tỏa văn hóa Việt Nam tới bạn bè Bắc Âu?

- Năm 2000, tôi có dịp giới thiệu và triển lãm các tác phẩm sơn mài của mình tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc tế Oslo (Na-Uy). Được trưng bày cùng tác phẩm của các danh họa của Việt Nam như Tô Ngọc Vân (khắc gỗ), Bùi Xuân Phái (sơn dầu), Văn Đa (sơn dầu), tôi rất vinh dự và hạnh phúc. Triển lãm diễn ra 2 tuần - thời gian tương đối dài cho một triển lãm tại châu Âu. Bạn bè đồng nghiệp Na-Uy và quốc tế sống và làm việc tại Oslo đến xem triển lãm ngày càng đông cho tới khi bế mạc. Các bạn chân thành ghi lại những cảm nghĩ về hội họa Việt Nam, ngỡ ngàng với những thành tựu về nghệ thuật mà các tác phẩm trong triển lãm mang lại.

Sau triển lãm tại Oslo, tôi đã viếng thăm một phòng trưng bày nghệ thuật tại Stockholm - thủ đô của Thụy Điển để bàn về việc tổ chức triển lãm của tôi và 4 họa sỹ nữa vào năm 2002. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển lúc đó là Phạm Ngọc Trường đã tới dự khai mạc triển lãm này. Ông phấn khởi nhưng cũng không giấu vẻ ngạc nhiên khi thấy thông qua triển lãm các tác giả đã phần nào giúp bạn bè Bắc Âu hiểu biết thêm về hội họa Việt Nam những thập kỷ Đổi mới trong văn học nghệ thuật và sau Nghị quyết Trung ương V của Đảng. Tinh thần tự do trong sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ được thể hiện rõ nét trong từng tác phẩm.

Qua 2 triển lãm trên, tôi bàn với con gái là Công Nữ Hoàng Anh (đang sống và làm việc tại Thụy Điển) thành lập phòng trưng bày nghệ thuật mang tên Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội (Hanoi Asian Art House), với mong muốn nghệ thuật Việt Nam sẽ lan tỏa tới bạn bè Bắc Âu trong một tương lai gần. Thu xếp thời gian, tài chính, sức lực, đến năm 2005, ngôi nhà nghệ thuật chính thức hoạt động với mặt bằng diện tích khiêm tốn 120m2.


Góc trưng bày nghệ thuật đương đại
- Sự đón nhận của công chúng và các họa sỹ Bắc Âu với địa điểm nghệ thuật này thế nào? Những mối quan hệ sẵn có của ông với đồng nghiệp Thụy Điển cũng như quốc tế có giúp hoạt động của Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội thuận lợi hơn không?

- Thuận lợi cũng có, vì bạn bè đã biết và luôn chờ đón các triển lãm mà HAAH tổ chức. Bởi đó là những triển lãm đa dạng về phong cách tác giả và phong phú về chất liệu thể hiện. Gần như thành thông lệ, cứ 2 năm Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội lại tổ chức triển lãm tranh, tượng và hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp như sơn mài, thêu ren, mây tre... để dần mở rộng sự hiểu biết về văn hóa Việt với bè bạn quốc tế, đặc biệt là Bắc Âu.

Tuy nhiên, khó khăn cũng nhiều bởi nguồn kinh phí hạn chế. Thực tế, ngay từ cái tên cho thấy HAAH không chỉ giới thiệu nghệ thuật Hà Nội hay Việt Nam mà còn cả nghệ thuật châu Á. Thậm chí trong bộ sưu tập của chúng tôi còn có tác phẩm của các nghệ sỹ thế giới như: Sanva do Dali, Pablo Picasso, Joan Miro, Elli Biller...

- Sở trường của ông là tranh sơn mài, nên chắc hẳn Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội ưu ái cho nghệ thuật này?

- Chất liệu sơn mài quả là đặc biệt của các họa sỹ Việt Nam. Do vậy chúng tôi cũng có phần ưu tiên cho việc giới thiệu các tác giả thể hiện tác phẩm bằng chất liệu sơn mài. Thông thường tại các triển lãm tranh sơn mài, chúng tôi tổ chức workshop nhằm giúp người xem hiểu kỹ hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Thậm chí, họa sỹ còn trình diễn vẽ trực tiếp lên tấm vóc sơn mài, thếp vàng bạc lên mặt tranh hay cẩn trứng...


- Sau gần 10 năm Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội đi vào hoạt động, ông nhận thấy sự quan tâm của giới yêu nghệ thuật Bắc Âu dành cho văn hóa và mỹ thuật Việt Nam như thế nào?

- Chủ quan tôi nghĩ có thể xem số lượng tranh bán được tại các triển lãm (khoảng 80%) thì thấy rằng tác phẩm của họa sỹ Việt Nam được quan tâm và yêu thích. Sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp còn thể hiện qua việc số lượng học viên đăng ký tham dự các workshop ngày càng đông.

Bây giờ Nhà nghệ thuật châu Á - Hà Nội đã khang trang hơn. Toàn bộ tòa nhà rộng gần 1.000m2 sàn, gồm 2 tầng, nằm giữa khuôn viên bao quanh là vườn cây cổ thụ 200 năm tuổi với diện tích 6.000m2. Khu trưng bày và khu triển lãm là hai mảng chính của tầng 1 tòa nhà. Khu trưng bày gồm 2 phần: mỹ thuật cội nguồn Việt Nam (khu A) và mỹ thuật đương đại Việt Nam (khu B). Cả khu trưng bày có chức năng như một bảo tàng nghệ thuật với bộ sưu tập tranh thờ của một số dân tộc miền núi Việt Nam, các dòng tranh dân gian Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình... Ngoài tranh, còn có bộ sưu tập gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Móng Cái, Bình Dương..., nhằm giới thiệu phần nào nguồn gốc và tài năng, trí tuệ của cha ông chúng ta từ xa xưa cho tới những nghệ nhân tài hoa ngày nay. Với gần 200 tranh và tượng, phù điêu của các tác giả đương đại Việt Nam, người xem cũng phần nào hình dung được diện mạo mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Khu trưng bày còn dành một phòng lớn trưng bày bộ sưu tập tranh, tượng, mỹ nghệ đời sống của các nước châu Á và Bắc Âu. Khu triển lãm với chức năng tổ chức trưng bày tác phẩm thường xuyên, hội thảo về nghệ thuật... HAAH còn có xưởng in tranh đồ họa cỡ nhỏ để phục vụ các nghệ sỹ tham gia trại sáng tác tại chỗ.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ dành 2.000m2 vườn cây để kiến tạo thành khu vườn tượng ngoài trời, với các tác phẩm điêu khắc hiện đại. Tuy còn khó khăn về tài chính, song mục tiêu phấn đấu của HAAH sẽ là một địa chỉ văn hóa phi lợi nhuận và ước nguyện của chúng tôi đơn giản muốn đây trở thành NƠI LAN TỎA VĂN HÓA VIỆT TỚI BẠN BÈ BẮC ÂU.

- Xin cám ơn họa sỹ!

Ng.Anh thực hiện