Dư âm Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Lan tỏa và thúc đẩy hoạt động của Hội đồng Nhân dân

- Thứ Năm, 18/11/2021, 04:53 - Chia sẻ
Trong điều kiện khó khăn bởi dịch Covid-19, những đổi mới, linh hoạt trong công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã tạo niềm tin, phấn khởi trong lòng cử tri và Nhân dân cả nước. Không chỉ vậy, thành công, ấn tượng trong tổ chức kỳ họp đã tác động lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động của HĐND các cấp, nhất là đối với kỳ họp cuối năm sắp tới.

Chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học

Đầu nhiệm kỳ, đại biểu HĐND rất cần học hỏi những kinh nghiệm từ Quốc hội để nâng cao hơn nữa hoạt động HĐND tại kỳ họp và nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Những ấn tượng trong công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã giúp cho Thường trực HĐND các cấp những kinh nghiệm, bài học quý giá để không ngừng đổi mới, linh hoạt theo tình hình thực tế từng địa phương. Qua đó, nâng cao hơn nữa công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Trong bối cảnh tuy dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được tiến hành từ sớm, kỹ lưỡng với các phương án tối ưu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều lần bàn thảo công tác chuẩn bị kỳ họp trong tình hình thực tế. Với chủ trương thời gian đầu họp trực tuyến, sau đó mới tổ chức họp tập trung tại hội trường Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng các báo cáo liên quan đến kỳ họp với dung lượng ngắn gọn, đầy đủ những nội dung thiết yếu. Thời gian tổ chức kỳ họp được rút ngắn, họp cả ngày nghỉ và phải bảo đảm chương trình, nội dung với chất lượng cao nhất.

Được sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội với những “công xưởng, hậu cần” tập trung quyết liệt chuẩn bị cho kỳ họp trong điều kiện dịch bệnh. Nhờ tính chuyên nghiệp và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin nên hiệu suất công tác rất cao với chất lượng được bảo đảm. Không những thế, trong điều kiện khó khăn lại nảy sinh những sáng tạo; tích cực “tác chiến” cả ngày nghỉ, giờ nghỉ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ phục vụ kỳ họp; nhạy bén, linh hoạt chuẩn bị nội dung, nghị sự kỳ họp khoa học, thích ứng an toàn nhất trong điều kiện dịch bệnh.

Kỳ họp linh hoạt, quyết liệt

Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được tổ chức giai đoạn đầu với các phiên họp trực tuyến để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Dù xa cách địa lý, nhưng công nghệ thông tin đã kết nối các đại biểu với Chủ tọa kỳ họp, các Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội với nhau. Tuy họp trực tuyến, nhưng sự chuẩn bị kỹ từ sớm nội dung, phương tiện nên việc xem xét các báo cáo rất đầy đủ; các phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến sát thực. Đáng chú ý hơn, nhờ có phiên họp trực tuyến nên các điểm cầu ở địa phương có sự tham gia của đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ngành liên quan đến nội dung cụ thể từng phiên họp.

Khi Quốc hội tiến hành họp trực tiếp tại hội trường, vẫn có Đoàn phải họp trực tuyến để bảo đảm an toàn về phòng dịch. Những ngày họp tập trung, chương trình chủ yếu những phiên họp thảo luận ở hội trường; chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận thông qua những dự án luật và nghị quyết. Mặc dù đầu nhiệm kỳ nhưng các đại biểu đã vào cuộc chững chạc, mạch lạc. Những ý kiến phát biểu thẳng thắn, trí tuệ, nội dung thảo luận cụ thể, chất lượng. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội tâm huyết đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng không những với các trưởng ngành mà cả với Thủ tướng Chính phủ, buộc những người chịu sự chất vấn lắng nghe, ghi chép, chuẩn bị trả lời.

Dấu ấn kỳ họp để lại trong lòng cử tri và Nhân dân, thể hiện rất rõ ở điều hành của Chủ tọa từng phiên họp, nhất là phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp. Chủ tọa kỳ họp điều hành linh hoạt, dứt khoát theo tình hình thực tế của đất nước và ý chí, nguyện vọng của cử tri. Trong lúc nhiều đại biểu Quốc hội tích cực đăng ký phát biểu hay chất vấn, Chủ tọa điều tiết hợp lý, khách quan, dân chủ; quan tâm gợi mở, nhắc nhở để đại biểu đi đúng trọng tâm phiên họp; nhất là lúc kết thúc vấn đề rất trí tuệ, khái quát, dễ hiểu. Qua đó, tạo sự đồng thuận để đại biểu Quốc hội yên tâm khi thông qua các luật và nghị quyết.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV về quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Ảnh: Ngọc Mai 

Lan tỏa mạnh mẽ

Mới kỳ họp năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội nhưng những đổi mới, linh hoạt, quyết liệt và thành công trong công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp thứ Hai đã tác động, lan tỏa rất lớn đến hoạt động cơ quan dân cử địa phương. Được dự các phiên họp trực tuyến đồng thời theo dõi các phiên họp trực tiếp, Thường trực HĐND các địa phương rất phấn khởi, tiếp thu và học tập được rất nhiều kinh nghiệm từ Quốc hội. Thường trực HĐND nhiều địa phương có nhiều thành viên mới, công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp còn lúng túng. Vì vậy, qua theo dõi kỳ họp của Quốc hội đã học hỏi được nhiều vấn đề. Qua đó, cần phải chủ động, linh hoạt để không những thích ứng, an toàn với dịch bệnh mà nâng cao hơn nữa hoạt động của HĐND.

Trong công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND cần chủ động, sáng tạo, kỹ lưỡng hơn nữa. Thời gian tổ chức kỳ họp có thể rút ngắn, nên yêu cầu các tài liệu phải ngắn gọn, chứa đựng được nội dung thiết yếu. Không những yêu cầu UBND và các ngành mà ngay Văn phòng, các Ban của HĐND cũng chuẩn bị các văn bản chặt chẽ, rõ ràng. Tại kỳ họp, Chủ tọa điều hành khoa học, đúng thời gian quy định; tạo điều kiện để đại biểu ở cơ sở phát biểu, hạn chế các ngành kể lể công việc. Học tập Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nên điều hành theo phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn” hướng đại biểu chất vấn đúng vấn đề, theo đến cùng; tạo hứng khởi để đại biểu chất vấn Chủ tịch UBND. Kinh nghiệm từ Quốc hội, Chủ tọa từng phiên họp khi kết thúc vấn đề ngắn gọn, chặt chẽ; Thường trực HĐND nên chuẩn bị dự thảo nghị quyết phiên họp chất vấn để HĐND xem xét.

Phiên cuối của kỳ họp, HĐND thường thông qua các nghị quyết có khi còn đơn giản, dễ nhất trí, ít thảo luận. Chủ tọa điều hành phiên họp cần dẫn dắt nêu những ý kiến thảo luận còn khác nhau, hay còn khác với dự thảo nghị quyết để đại biểu thảo luận kỹ trước khi biểu quyết thông qua, tạo cho nghị quyết có hiệu lực hơn.

Trần Đình Huề- Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình