Triển khai đồng loạt và rộng khắp
TS. Lê Vệ Quốc cho biết, với sự hướng dẫn, chỉ đạo rất sớm của Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL Trung ương và trước đó là sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành cũng như 63 tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam.
Trong đó phải kể đến việc triển khai những hình thức trực quan sinh động như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, rất nhiều thông điệp để lan tỏa tinh thần của ngày Pháp luật Việt Nam đến với Nhân dân. Đặc biệt, chú trọng truyền tải đầy đủ thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về quyết tâm đổi mới trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý vừa khơi thông nguồn lực để đổi mới sáng tạo... Theo đó, xây dựng pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống phải được thực hiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, trở ngại mà người dân và doanh nghiệp đang vướng phải.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động mang tính chuyên môn sâu như hội thảo, tọa đàm, xây dựng các bộ công cụ, ấn phẩm để phục vụ công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đơn cử như tối 7.11 vừa qua, Bộ Quốc phòng tổ chức khai trương cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Quốc phòng; ngày 5.11, Bộ Tư pháp công bố Bộ pháp điển Việt Nam, giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, tháng 10.2024, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp". Diễn đàn đưa ra những vấn đề nóng liên quan đến thủ tục triển khai các dự án đầu tư và sử dụng đất; các vấn đề về thuế, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp. Diễn đàn được tổ chức trực tiếp cùng trực tuyến tại 63 điểm cầu trên toàn quốc, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của báo giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp; được các hiệp hội đánh giá cao và có những phản ứng tích cực.
Tại các tỉnh: Cao Bằng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng… các địa phương năng động, khởi sắc triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam. Tại Hải Phòng, tổ chức tuyên truyền chống đánh bắt hải sản ở huyện đảo Cát Hải...
Phù hợp với từng nhóm đối tượng
Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo một cách sâu rộng, không chỉ tập trung vào một số bộ ngành, cơ quan điển hình mà lan tỏa đi khắp nơi; đặc biệt ở các tỉnh miền núi xa xôi. Trước đây, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam làm cầm chừng, hiện nay, triển khai hoạt động rất sinh động.
Theo TS. Lê Vệ Quốc, ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 được tổ chức sớm hơn các năm và các hình thức hoạt động đa dạng hơn, phong phú hơn, có chiều sâu hơn, có sức mạnh hơn; truyền tải nhiều thông điệp mà Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ gửi gắm trong những ngày gần đây ở nhiều diễn đàn khác nhau liên quan đến công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo đó, phát huy tối đa quyền dân chủ, vai trò làm chủ của người dân; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam một cách vững chắc; pháp luật không chỉ là công cụ quản lý mà phải là công cụ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong xã hội, người dân; đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân để kiến tạo và phát triển xã hội, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, ngày Pháp luật Việt Nam năm nay đã tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đơn cử như Hà Nội, tập trung tuyên truyền cho nhóm học sinh, có những đối tượng rất nhạy cảm, với câu chuyện đạo đức, liên quan đến ứng xử trong xã hội để tạo nên một xã hội tốt đẹp trong tương lai... Ngày 8.11, tại Hà Nội diễn ra vòng chung khảo Cuộc thi Tuyên truyền viên pháp luật người khiếm thị Hà Nội; đồng thời, tích cực tuyên truyền, giới thiệu Luật Thủ đô 2024 để Luật đi vào cuộc sống.
Điểm đổi mới của ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác tuyên truyền; Cổng, trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương có các banner cổ động, tuyên truyền về ngày Pháp luật Việt Nam rất sinh động, không làm truyền thống như bây giờ mà được đăng tải, đặt trên các trang trên mạng xã hội.
Bộ Tư pháp huy động các mạng viễn thông nhắn tin qua số thuê bao để gửi thông điệp hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam tới từng người dân. Theo đó, ứng dụng công nghệ vào truyền tin, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai rộng khắp, có chiều sâu so với trước và được chú trọng hơn.
Bên cạnh đó, các bài viết trên chuyên trang, chuyên mục của ấn phẩm điện tử, cơ quan báo chí ngày càng nở rộ, phong phú, với nhiều nội dung đa dạng. Bài viết, bài nghiên cứu, bình luận, các tọa đàm, talk show trên đài truyền hình, trên các trang pháp luật của báo điện tử... cũng giúp lan tỏa ý nghĩa sâu sắc, thiết thực của ngày Pháp luật Việt Nam.