Lan tỏa tấm gương trung trinh “vị quốc quên thân” Hoàng Diệu

Sử liệu về cuộc đời, sự nghiệp và công cuộc giữ thành Hà Nội của Tổng đốc Hoàng Diệu có thể là gợi ý cho các nhà sáng tạo nghệ thuật trong việc lan tỏa tấm gương trung trinh “vị quốc quên thân” với Thủ đô Hà Nội cuối thế kỷ XIX.

Tuẫn tiết với thành Hà Nội

Hoàng Diệu tên chữ là Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh năm Kỷ Sửu (1829) tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), lúc 25 tuổi, Hoàng Diệu dự thi Đình và đậu Phó bảng, được cử giữ chức Hàn lâm kiểm thảo rồi đi nhậm chức tại các huyện Bồng Sơn, Tuy Viễn (Bình Định), Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Năm 1877, ông được thăng Hình bộ Tham tri rồi chuyển sang Lại bộ kiêm quản Đô sát viện. Sử triều Nguyễn chép: “Phàm có việc thuyên chuyển, đề cử đều một lòng công bằng, người ta đều khen là liêm chính”…

Từ năm 1879 - 1882, Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh, quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và vùng phụ cận. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25.4.1882 (tức 8.3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu đã tự vẫn tại Võ Miếu để không rơi vào tay giặc.

Về cái chết của Hoàng Diệu, sử sách ghi rõ, sáng 25.4.1882, Đại tá Henri Rivière của Hải quân Pháp gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, đòi ông phải giao thành cho chúng. Đến 10 giờ, quân Pháp bắt đầu nổ súng. Lúc đó, Hoàng Diệu mặc dầu đang ốm vẫn cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng dẫn đầu tướng sĩ xông lên mặt thành đánh giặc. Ông cho đóng chặt cửa Đông và cửa Bắc để dồn quân vào giữ cửa Nam và cửa Tây. Đến khi quân Pháp xông lên mặt thành thì một cuộc ác chiến nổ ra. Đến 11 giờ trưa, kho thuốc súng trong thành nổ tung làm cho tinh thần quân sĩ hoang mang.

d3.jpg
"Hà thành chính khí" của Nhà hát Kịch Hà Nội tái hiện chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu. Ảnh: HTL

Thừa lúc rối ren, quân Pháp dồn lực lượng đánh cửa thành phía Tây và phía Bắc. Giặc ùa vào bên trong, quân ta tan rã. Trước tình thế ấy, Hoàng Diệu quay về dinh, mặc triều phục chỉnh tề, vào hành cung bái vọng mà khóc: “Sức thần đã hết rồi”. Ông cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội cho vua Tự Đức: Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng... Sau đó, để bảo toàn khí tiết, ông đến bên cây đa trước cửa Võ Miếu thắt cổ đúng vào giờ Ngọ, ngày 8.3 năm Nhâm Ngọ, hưởng dương 54 tuổi.

Tin Hoàng Diệu tuẫn tiết khiến Nhân dân Hà Nội vô cùng thương tiếc. Ngay hôm sau, dân tập trung và rước quan tài của Hoàng Diệu an táng tại khu vườn dinh Đốc học (nay là phố Trần Quý Cáp, sau ga Hà Nội). Trong lễ tang, các sĩ phu ở Hà Nội có bài điếu: Cô thành chống giữ một mình thôi/ Khảng khái như ông được mấy người/ Cựu lục nghìn năm gương tiết dọi/ Cô thần một chút tấm trung phơi/…/ Nghìn thủa Nùng Sơn nêu chính khí/ Anh hùng đến thế lệ cùng rơi.

Tôn vinh xứng đáng

Chia sẻ nhân dịp ra mắt công trình “Cuộc đời, sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu và công cuộc giữ thành Hà Nội”, tưởng nhớ 143 năm ngày hy sinh của Tổng đốc Hoàng Diệu (8.3 âm lịch), nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Đinh Quang Hải, khẳng định: Tổng đốc Hoàng Diệu là một anh hùng dân tộc, một tấm gương hy sinh anh dũng bảo vệ thành Hà Nội. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng đốc cần tiếp tục được tôn vinh xứng đáng với những đóng góp của ông đối với đất nước, với dân tộc. Phát huy giá trị di sản của danh nhân Tổng đốc Hoàng Diệu trong hiện tại và tương lai cũng là góp phần tôn vinh, tri ân công lao vô cùng to lớn ấy.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, có nhiều cách thức để gìn giữ, phát huy các di sản liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Tổng đốc Hoàng Diệu, trong đó những công trình nghiên cứu đầy xác tín về ông chính là cơ sở để các nhà biên kịch thực hiện những bộ phim lịch sử. "Trong thời gian dài, chúng ta không có cứ liệu đầy đủ về giai đoạn lịch sử cận đại, về chân dung các nhân vật thời kỳ này, trong đó có Tổng đốc Hoàng Diệu. Với những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, rất khó tự tổng hợp, khảo cứu dữ liệu, bởi công việc này đòi hỏi nhiều nỗ lực nghiên cứu, xác minh thông tin, đồng thời phải cân bằng giữa tính chính xác lịch sử và tính hấp dẫn nghệ thuật. Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và công cuộc giữ thành Hà Nội của Tổng đốc Hoàng Diệu đã giải đáp những băn khoăn của chúng tôi về điều kiện cần thiết trước khi thực hiện những dự án phim lịch sử”.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Doãn Minh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học, cho biết: “Chúng ta đã có những nguồn tài liệu là bằng chứng lịch sử xác tín để xây dựng những kịch bản điện ảnh, sân khấu. Trong bối cảnh hiện nay có thể sử dụng các phương pháp công nghệ như kỹ thuật số để giới thiệu về di sản, cũng như tổ chức các sự kiện kỷ niệm, xây dựng băng hình, sa bàn để gìn giữ và quảng bá, kết nối các nhân vật và địa danh lịch sử liên quan đến Tổng đốc Hoàng Diệu. Việc phát huy và quảng bá di sản không chỉ để tôn vinh cá nhân Tổng đốc mà còn giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai".

Xây dựng phim, tác phẩm sân khấu, truyền hình, âm nhạc về các nhân vật lịch sử không phải là vấn đề mới, tuy nhiên theo NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, với Tổng đốc Hoàng Diệu, đây còn là một thiếu hụt. Tổng đốc cần được tôn vinh xứng đáng với những đóng góp của ông đối với đất nước, với dân tộc. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tổ chức xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đúng với thực tế lịch sử đã diễn ra trong thành Hà Nội, xứng đáng với tầm vóc của sự kiện và nhân vật, anh hùng dân tộc, vừa để tôn vinh, tri ân những cống hiến lớn lao và sự hy sinh của Tổng đốc Hoàng Diệu".

Văn hóa - Thể thao

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.