Lan tỏa sức sống của nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại
Ngày 23.11, tại Thái Bình, diễn ra hội thảo quốc tế "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại”. Sự kiện do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức.
Thúc đẩy đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Thái Bình được biết đến là cái nôi của nghệ thuật hát chèo. Năm 2023, nghệ thuật chèo ở Thái Bình được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Khoa Các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố Bắc Bộ xây dựng hồ sơ Nghệ thuật chèo.
"Đến nay, các bước quy trình đang tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và hội thảo lần này là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lập hồ sơ”, ông Nguyễn Khắc Thận cho biết.

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: Được sáng tạo và trao truyền qua bao thế hệ, đến nay, chèo truyền thống vẫn lan tỏa mạnh mẽ và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt ở Bắc Bộ. Người dân nhiều làng xã ở các tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng... vẫn mê hát chèo và tham gia CLB chèo để được hát, được diễn. Các gánh chèo xưa tuy không còn, nhưng chèo vẫn được duy trì trong lễ hội làng truyền thống, trong các hội thi, hội diễn, trong ngày vui của gia đình và cộng đồng.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Hội thảo chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan và làm sáng tỏ những ý nghĩa xã hội và kinh tế của di sản, nhìn nhận đầy đủ vai trò của di sản trong sự thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa. Thành công của hội thảo cũng sẽ góp phần mở rộng khái niệm về di sản văn hóa, lồng ghép di sản sống vào các chính sách và chương trình ở cấp quốc gia và thiết lập vững chắc các nỗ lực bảo vệ ở cấp độ quốc tế”.
Gìn giữ và phát huy di sản chèo trong xã hội đương đại
Với sự tham gia của các học giả đến từ 6 quốc gia: Mỹ, Thụy Sỹ, Anh, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Trung Quốc, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, tổ chức, trường đại học tại Việt Nam, đại diện cộng đồng chủ thể di sản, hội thảo "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” tập trung vào 4 chủ đề: Nghiên cứu di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo từ cách tiếp cận liên ngành; sự đa dạng của di sản trình diễn dân gian ở Việt Nam và các nước trên thế giới; sự biến đổi và phát triển của nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại; bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại.

Từ cách tiếp cận liên ngành, các ý kiến cho thấy sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn dân gian cùng chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại các nước. Cụ thể ở Trung Quốc là kịch truyền thống dân tộc Choang, múa truyền thống ở làng của người Thái, múa Nuo; Hàn Quốc là múa dân gian Gigak, múa mặt nạ, kịch nghệ hài hước và châm biếm…
Các nghiên cứu trong nước về nghệ thuật trình diễn dân gian Huế, trình diễn dân gian tổng hợp ở Sết Bọc Mạy của người Thái (Thanh Hóa), nghệ thuật trình diễn bài chòi (Khánh Hòa); quá trình phát triển chèo tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ... với những kinh nghiệm trong giữ gìn, bảo vệ các giá trị di sản, giúp nghệ thuật chèo truyền thống lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội đương đại, hướng tới sự phát triển bền vững các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nhiều tham luận phân tích, làm sáng tỏ sự biến đổi và phát triển của nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại, tiếp tục khẳng định nghệ thuật chèo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Thanh Phương, Viện Sân khấu, Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, chèo là một thành tố của văn hóa, nên không thể tách khỏi đời sống văn hóa. Bên cạnh sự kế thừa truyền thống, thì việc cách tân, hướng tới nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng đương đại đã tạo nên sự biến đổi của diễn xướng âm nhạc chèo. Sự biến đổi ấy là tất yếu khách quan của âm nhạc chèo trong tiến trình phát triển, phản ánh quy luật kế thừa và phát triển của văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên, có những thời điểm, do sự cách tân quá đà mà diễn xướng âm nhạc gần như mất hẳn yếu tố dân gian, vô tình đẩy chèo sang hình thức sân khấu mới. Hiện nay, có thể nói âm nhạc chèo đã trở về trong hướng kế thừa, sáng tạo và phát triển tinh hoa âm nhạc dân gian.
Đánh giá về nghệ thuật chèo của Việt Nam, PGS. TS. Filip Kraus, Trường Đại học Palacky, Cộng hòa Séc, cho biết: “Với lịch sử lâu đời, chèo cùng với rối nước là gương mặt, tâm hồn của văn hóa Việt Nam, đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định ghi danh của UNESCO. Sự phóng khoáng tươi mới của chèo với nội dung về đời sống hằng ngày trong xã hội đương đại Việt Nam, sự đa dạng vùng miền phát triển của chèo sẽ là những yếu tố cần được bảo tồn cho thế hệ mai sau”.