Lần sửa đổi Hiến pháp này, cần bảo đảm để Nhà nước mang đầy đủ đặc tính của mình
Pgs. Ts NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT, ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH cho rằng, điều quan trọng trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 này là phải bảo đảm để Nhà nước mang đầy đủ đặc tính của mình. Có như thế thì trong quá trình hoạt động, việc tách bạch chức năng, nhiệm vụ hay phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước sẽ tự vào guồng, không cần một quyết định hành chính. Muốn vậy thì phải bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cần làm tròn vai của mình, tích cực triển khai chủ trương của Đảng bằng những hành động cụ thể.
Tổ chức quyền lực nhà nước là một nội dung quan trọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992 lần này. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Qua thực tiễn thi hành Hiến pháp 1992 và tình hình chính trị, kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi đòi hỏi phải cải cách bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của những cơ quan này. Tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa X đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 với trọng tâm là sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức bộ máy nhà nước làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan trọng bộ máy nhà nước. Từ đó đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi, trong khi, bối cảnh quốc tế đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, nội dung tổ chức quyền lực nhà nước tiếp tục được đưa ra xem xét, nghiên cứu để có những điều chỉnh trong sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này. Về nội dung này, tôi cơ bản đồng tình với những vấn đề được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp đưa ra. Tôi quan tâm đến việc thể hiện rõ vai trò của nhân dân như là chủ thể gốc của quyền lực nhà nước; vấn đề phân công, tổ chức các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Hiến pháp 1992 đã khẳng định tương đối rõ ràng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vậy thể hiện rõ hơn vai trò của nhân dân ở đây nên hiểu như thế nào, thưa Ông?
- Nguyên tắc quyền lực tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ở nước ta đã được khẳng định tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, sự phân công quyền lực nhà nước lại chưa được xác định thật rõ và thống nhất giữa các quy định của Hiến pháp. Ví dụ như Điều 6 quy định nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng dân nhân, còn các quy định khác chưa thể hiện được vai trò này. Vì thế, vai trò của nhân dân như chủ thể gốc của quyền lực nhà nước chưa được thể hiện rõ ràng. Cơ chế bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân chưa hoàn thiện, đồng bộ. Cơ chế dân chủ đại diện có nơi, có lúc vẫn còn một số biểu hiện hình thức. Ngoài ra, Hiến pháp hiện hành mới tập trung nhấn mạnh dân chủ đại diện, mà chưa chú trọng đúng mức đến việc thực hiện dân chủ trực tiếp. Trên thực tế, mặc dù Hiến pháp năm 1992 ghi nhận cho QH quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, kể cả quyết định trưng cầu ý dân và quyết định cả những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân. Song quy định này chưa được triển khai thực hiện. Để nguyên tắc này được bảo đảm trong thực tiễn thì hiến pháp cần cụ thể hóa theo hướng ghi nhận những vấn đề trọng đại cần được trưng cầu ý dân; luật pháp chỉ là văn bản cụ thể hóa quy trình, thủ tục này. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần xem xét việc ghi nhận quyền được bầu các vị trí chủ chốt trong cơ quan hành pháp của người dân trong hiến pháp. Tất nhiên không thể học tập máy móc các phương thức ở nước ngoài, bởi điều kiện của nước ta có một số điểm khác biệt. Nhưng có thể thấy, khi dân trực tiếp bầu cán bộ chủ chốt thì mỗi cá nhân này sẽ nhận thấy rõ sinh mệnh chính trị của mình phụ thuộc vào người dân. Khi đó, một cách tự nhiên cán bộ công quyền sẽ phải lắng nghe, chú ý nguyện vọng, tâm tư của người bỏ phiếu bầu cho mình. Thiết chế hành pháp sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ được lợi ích thiết thực của quảng đại quần chúng nhân dân.
Đối với tổ chức quyền lực Nhà nước, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) có một nét mới là đặt vấn đề phối hợp và kiểm soát bên cạnh phân công nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp?
- Bên cạnh sự giám sát của người dân thì cũng cần hình thành cơ chế kiểm soát nội bộ trong các cơ quan công quyền, để từng thiết chế phải cư xử đúng mực, không lạm quyền. Nhìn lại sự phát triển của các mô hình nhà nước trên thế giới có thể thấy, càng ngày kiểm soát và trách nhiệm của quyền lực nhà nước càng gắn bó mật thiết với dân chủ. Sự kiểm soát quyền lực là một quy luật khách quan của phát triển xã hội, khi mà xã hội cần đến nhà nước. Và kiểm soát quyền lực được quy định thành luật để mọi chủ thể nắm quyền lực nhà nước phải chấp hành. Sự hiện diện của những quy định về kiểm soát quyền lực trong hiến pháp là dấu hiệu của dân chủ, tiến bộ. Nhưng trước khi quy định về kiểm soát quyền lực thì phải tách bạch rõ ràng quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Không thể kiểm soát quyền lực nhà nước trong tình trạng quyền lực đó không rõ ràng, tách bạch với nhau. Nếu dẫm chéo chân nhau thì rất khó có thể xác định trách nhiệm, sai sót, hạn chế thuộc về cơ quan nào. Tôi xin nhấn mạnh điều quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là phải làm sao để Nhà nước mang đầy đủ đặc tính của mình. Có như thế trong quá trình hoạt động, việc tách bạch chức năng, nhiệm vụ hay phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước sẽ tự vào guồng, không cần một quyết định hành chính. Muốn vậy thì phải bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cần làm tròn vai của mình, tích cực triển khai chủ trương của Đảng bằng những hành động cụ thể.
Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước đã được xác định rõ. Nhưng để nguyên tắc này được áp dụng thống nhất, xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện hiến pháp thì cần chú ý đến những yếu tố nào, thưa Ông?
- Tính tối cao của hiến pháp chỉ được bảo đảm một khi có cơ chế tài phán hữu hiệu, cho phép tất cả hành vi ứng xử của mọi chủ thể trong đời sống chính trị, pháp lý dưới sự giám sát và phán xét khách quan dựa vào quy tắc lập hiến. Điều này chỉ có được khi cơ quan bảo hiến có điều kiện làm việc độc lập, không bị ràng buộc, chịu sự tác động hay sức ép của bất kỳ chủ thể nào để đưa ra đánh giá vô tư. Trong logic tổ chức, vận hành của guồng máy nhà nước trong xã hội hiện đại, hoạt động bảo hiến thường có đối tượng là các hành vi pháp lý do cơ quan hành pháp thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Bởi các hoạt động của cơ quan hành pháp trong khuôn khổ thực hiện chức năng quản lý của mình đều tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Những tác động này dễ kích thích phản ứng từ các đối tượng, thậm chí là người có quan tâm đến hoạt động của chính quyền như các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội. Mặt khác, hiện cũng chỉ có cơ quan hành pháp mới có đủ các điều kiện cần thiết để xây dựng các dự thảo luật, sau đó trình ra cơ quan lập pháp xem xét, thông qua. Nhưng các luật được cơ quan hành pháp đề xuất dễ có tư tưởng phải làm như thế nào để tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhất cho mình. Khi đó khó tránh được trường hợp có đòi hỏi quá đáng, dẫn đến tranh cãi về tính chính đáng của giải pháp lập pháp. Xem xét yếu tố này càng thấy tính độc lập của thiết chế bảo hiến phải được ghi nhận cả trong tổ chức và quá trình hoạt động.
Để thiết chế bảo hiến độc lập trong cả tổ chức và hoạt động thì một giải pháp dễ được nghĩ đến là thành lập cơ quan chuyên trách. Với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay thì nên đi theo mô hình nào, thưa Ông?
- Trước khi xác định mô hình bảo hiến cho Việt Nam thì cần chú ý một đặc điểm là trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau như Tòa án bảo hiến, Ủy ban bảo hiến, Hội đồng bảo hiến... Rõ ràng, mỗi quốc gia trên thế giới đều căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở kinh tế, dân trí, loại hình nhà nước của mình... để tìm một mô hình phù hợp cho mình. Khi xem xét các mô hình tôi thấy mô hình Hội đồng bảo hiến của Pháp có thể sẽ phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay, nhất là khi hệ thống tư pháp đang trong quá trình cải cách. Nhưng dù sao, hoạt động bảo hiến có những yêu cầu phải thỏa mãn ngay từ bây giờ: phải bảo đảm tính tối cao của hiến pháp; mọi hoạt động trong xã hội đều phải tuân thủ hiến pháp; có tiếng nói để hiến pháp có nhiều quyền uy. Do đó, để mô hình này có sức sống lâu dài thì các thành viên phải chuyên nghiệp. Một khi được bổ nhiệm phải dấn thân, dành toàn bộ thời gian, công sức của mình cho công việc này. Ngoài ra, khi đề cử thành viên hội đồng bảo hiến thì phải tính đến nhiều yếu tố khác như: uy tín cá nhân, đủ sức khỏe, năng lực chuyên môn về luật...
Công tác bảo hiến có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi đất nước. Theo Ông, cần chú ý những yếu tố nào để lựa chọn, sắp xếp thành viên để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan tài phán bảo hiến?
- Cách tốt nhất để thẩm phán hoàn toàn độc lập với các chủ thể quyền lực là được bầu trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân. Tuy nhiên, hầu như không hệ thống nào trên thế giới chọn giải pháp này để tổ chức cơ quan tài phán hiến pháp. Lý do đơn giản là khác với các vị trí có thể được dân bầu, thẩm phán là chức danh dành cho những người thỏa mãn một số điều kiện tương đối đặc biệt về chuyên môn. Cử tri phổ thông thường không đủ khả năng đánh giá các điều kiện này của ứng viên. Khi giải pháp dân bầu không khả thi thì một số quốc gia lựa chọn hình thức thẩm phán bảo hiến được chỉ định hoặc được cơ quan lập pháp bầu ra. Trong trường hợp này đòi hỏi người được lựa chọn không lệ thuộc vào ý chí của cơ quan hành pháp hay cơ quan lập pháp, mà phải dung hòa được giữa hai quyền lực. Ngoài ra, một số nước đã chọn tổ chức tổ chức bảo hiến theo hướng sẽ có thành viên đương nhiên và thành viên được bổ nhiệm. Trong đó, thành viên đương nhiên là các tổng thống mãn nhiệm, các thành viên khác do tổng thống, chủ tịch thượng viện và chủ tịch hạ viện bổ nhiệm. Một số quốc gia khác thì tòa án tối cao được giao cả chức năng tài phán tư pháp và bảo hiến, với đặc điểm là thẩm phán do tổng thống chỉ định nhưng phải được thượng viện xác nhận thông qua biểu quyết. Bên cạnh những mô hình này, tôi cho rằng, còn có thể suy nghĩ về khả năng tổ chức cơ quan tài phán hiến pháp theo cách thành lập hội đồng trọng tài trong trường hợp các bên không có thỏa thuận gì đặc biệt.
Ngoài ra, khó có thể tránh khả năng các hiến pháp bảo hiến chịu sự can thiệp và sức ép của các chủ thể liên quan trong một vụ xung đột được đưa ra phân xử trong khuôn khổ tài phán hiến pháp. Vấn đề không phải là ngăn chặn sự tác động này, mà cần quan tâm về việc làm thế nào để sự tác động này không có hoặc có ít tác động nhất. Khi nhìn nhận trên góc độ này thì thấy thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ cảm thấy độc lập hơn so với thẩm phán thực hiện chức năng theo nhiệm kỳ, do không phải băn khoăn về rủi ro thay đổi vị trí. Tuy nhiên, biện pháp này có một nhược điểm là có thể tạo điều kiện cho sự thống trị của một trường phái lập hiến, được các thẩm phán bảo hiến xây dựng, cổ súy trong một thời gian dài. Vì vậy, có lẽ giải pháp bổ nhiệm theo nhiệm kỳ vẫn hợp lý hơn, song, cần có nhiệm kỳ tương đối dài, không được tái cử. Kinh nghiệm tại một số quốc gia cho thấy, một nhiệm kỳ tương đối dài sẽ giúp thẩm phán sẽ có đủ thời gian để lại dấu ấn của mình trong hoạt động chuyên môn.
Xin cám ơn Ông!