Làn sóng manga ở Châu Âu
Truyện tranh Manga, “đặc sản” nổi tiếng, món hàng xuất khẩu đắt khách của Nhật Bản đang có xu thế thống trị và làm thay đổi thị trường truyện tranh tại nhiều quốc gia, trong đó có Anh và Pháp.

Ngoại giao “truyện tranh” Manga giờ không còn chỉ là vấn đề gây cười ở Nhật Bản nữa khi nước này vừa công bố Giải thưởng Truyện tranh Quốc tế (International Manga Award), dành cho các họa sỹ nước ngoài, nhằm thúc đẩy nghệ thuật này và tăng cường sự hiểu biết về văn hóa Nhật. Giải thưởng sẽ được trao hàng năm (năm nay sẽ vào tháng 7 tới). Phần thưởng, ngoài tiền là một chuyến đi thăm Nhật Bản 10 ngày, được gặp gỡ các họa sỹ và nhà sản xuất manga. Theo AFP |
Say mê manga đang trở thành làn sóng lan rộng trên khắp nước Anh. Cùng với nhu cầu dịch các ấn phẩm manga từ Nhật như Giỏ trái cây (Fruits Basket), Thái không phi thử (Astro Boy) tăng vùn vụt, các họa sỹ Anh đang cố gắng tham gia tái tạo truyện tranh truyền thống Nhật Bản thông qua hình thức liên kết với các NXB nước này để cho ra đời phiên bản manga các tác phẩm của nhà soạn nhạc danh tiếng William Shakespeare và thậm chí cả kinh thánh. Họa sỹ John Aggs, người vừa giành chiến thắng trong một cuộc thi vẽ manga tại Anh và Ireland do NXB Tokyopop tổ chức nói: “Tại Anh, say mê manga đang lên tới đỉnh điểm… Đây là điều kỳ diệu. Nhật Bản là một đất nước xa xôi. Vậy mà giờ đây nó trở nên thời thượng, lôi cuốn mọi người”.
Nghệ thuật tranh biếm họa của Nhật Bản đã ra đời từ thời Trung cổ, nhưng từ manga, nghĩa đen là “Bức tranh kỳ quái” chỉ xuất hiện khi họa sỹ khắc gỗ người Nhật thế kỷ XIX Katsushika Hokusai sử dụng nó để mô tả các tác phẩm của mình. Đến đầu thế kỷ XX, manga mới mang ý nghĩa như hiện nay - dùng để chỉ toàn bộ nghệ thuật truyện tranh Nhật Bản. Sau Thế chiến II, phong cách này thực sự nổi tiếng nhờ các tác phẩm của Osama Tezuka, “vị thánh của manga”, người tạo ra các nhân vật nổi tiếng mà điển hình là Astro Boy. Khác Tintin, Astérix, Lucky Luke hay Tarzan… truyện tranh Nhật Bản hút hồn độc giả trên toàn thế giới bởi phong cách vẽ độc đáo, sống động, nhiều màu sắc và đa dạng về nội dung, từ kinh dị, lãng mạn đến hài hước, phù hợp với mọi lứa tuổi.

Từ các dịch phẩm xuất hiện lần đầu như Dorêmon, Thuỷ thủ mặt trăng, Conan, Teppi, Pokémon… cho đến Cuộc sống hoang dã, Mặt nạ thủy tinh, Hoàng tử sa mạc, Tình yêu học trò, Rock man… manga Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và cả lòng hâm mộ của giới trẻ ở Anh, Pháp, với hàng triệu bản in mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2006, trong số hơn 4.000 đầu sách thiếu nhi được xuất bản tại Pháp và châu Âu, có tới gần phân nửa là các dịch phẩm manga của Nhật Bản, điển hình là bộ truyện tranh dài tập Naruto của Masashi Kishito với gần 130.000 bản in. Xu thế trên ít nhiều đã khiến các NXB ở Anh, Pháp và châu Âu đổ dồn khai thác kho truyện tranh đặc sắc manga.
Sự phổ biến của manga đã truyền cảm hứng cho các NXB để họ tìm lớp khán giả mới. David Moloney, Giám đốc biên tập sách về Thiên chúa giáo của NXB Hodder & Staughton, quyết định cho ra đời phiên bản kinh thánh manga tiếng Anh đầu tiên nói: “Manga là một hình thức kể chuyện rất phổ biến hiện nay. Vậy sao chúng ta không thử lồng nội dung của kinh thánh vào?”. Siku, họa sỹ tài năng từng nổi tiếng với nhân vật Judge Dredd trong loạt truyện tranh 2000AD, là người được giao thực hiện công việc này. Hiện Siku đã cho ra đời cuốn manga Tân Ước, xuất bản tại Anh tháng 2 vừa qua và đang tiếp tục hoàn thành toàn bộ bản manga kinh thánh. Dự định cuốn sách sẽ được ra mắt vào tháng 7 tới và năm sau sẽ được NXB Doubleday phát hành tại Mỹ. Ngày 1.3 vừa qua, các phiên bản Romeo và Juliet, Hamlet của văn hào William Shakespeare đã ra mắt tại Anh và đang được tiến hành xuất bản tại Mỹ và Nhật. Tới đây, các NXB của Anh sẽ ra mắt giới thiệu công chúng các tác phẩm của Shakespeare như Bão tố, Giấc mộng đêm hè và Richard III trong kế hoạch xuất bản toàn bộ các tác phẩm của tác gia vĩ đại này.

Tại Pháp, nghệ thuật manga thôi thúc nhiều nhà sản xuất chuyển sang kinh doanh các sản phẩm có in hình manga, kể cả đồ dùng phục vụ cuộc sống, như: quần áo, cặp, mũ, túi sách… hay các món đồ lưu niệm như khung tranh, tượng gỗ… Thành công đến với họ ngoài mong đợi khi các fan của manga ùn ùn kéo đến các cửa hiệu. Avignon là ví dụ điển hình về sự tràn ngập các cửa hàng như vậy. Đi đến đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những khẩu hiểu như “Thế giới manga trong tay bạn” hay “Chúng ta yêu manga”… Elsa Champavert, mẹ của hai fan manga, đồng thời là chủ một cửa hàng kiểu này cho biết: “Trước đây, tôi chưa từng bán manga Nhật Bản cùng các sản phẩm liên quan, nhưng từ khi nắm bắt được nhu cầu của giới trẻ đối với loại nghệ thuật này ngày càng lớn, tôi đã chuyển hướng kinh doanh. Hiện nay, lợi nhuận từ các sản phẩm này đang chiếm 30-40% doanh thu của cửa hàng”.
Phương Hằng
Theo Voir.ca, Yahoo