Chất lượng đại biểu là yếu tố then chốt
Thực tế cho thấy, phần lớn đại biểu HĐND các xã biên giới ở Hà Giang là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; do đó, việc tiếp tận thông tin, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng không được thường xuyên, dẫn đến hoạt động bị thụ động, đặc biệt khả năng tham gia đóng góp cho việc quyết định các vấn đề cần có chuyên môn như: xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu phải kiêm nhiệm các công việc khác nên thời gian thu thập và phân tích thông tin còn hạn chế; tình trạng đại biểu nể nang, ngại va chạm vẫn còn dẫn đến chất lượng giám sát chưa cao; hoạt động TXCT còn hình thức, chưa phản ánh được hết ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Tháo gỡ những "nút thắt" trên, ngày 17.2.2023, Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã tại Hà Giang”, với 2 địa phương được lựa chọn là xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì và thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc. Mô hình này được triển khai với 5 nội dung chính và 31 tiêu chí, cụ thể: trách nhiệm và mối quan hệ với cử tri của đại biểu HĐND xã; phẩm chất và thái độ tích cực của người đại biểu; phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực, phương thức làm việc của người đại biểu; nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, tự tin, phát huy vai trò đại biểu trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp; đổi mới phương thức TXCT; rèn luyện kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong hoạt động giám sát; xây dựng kế hoạch làm việc nhóm; lắng nghe ý kiến góp ý của cử tri. Thay vì đánh giá chung chung như trước đây, hàng năm, HĐND xã căn cứ bộ tiêu chí để chấm điểm, đánh giá vai trò, trách nhiệm, mức độ hoàn thành công việc của đại biểu.
Bám sát nội dung đã đề ra, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đại biểu về thực hiện chức năng quyết định của HĐND các cấp, tổ chức kỳ họp, thẩm tra văn bản, giám sát, chất vấn, thuyết trình, TXCT, tiếp công dân. Qua đó, giúp đại biểu nhận thức sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND trong hệ thống chính quyền địa phương, áp dụng các hiểu biết, kỹ năng vào thực tiễn hoạt động. Đồng thời, tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND các cấp, tạo diễn đàn cần thiết, quan trọng để đại biểu giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hay, bài học quý; tổ chức cho đại biểu đi học tập kinh nghiệm hoạt động ở các tỉnh trong nước…
“Trái ngọt” đến từ đổi mới, sáng tạo
Tham dự Diễn đàn “người dân nói đại biểu lắng nghe” do HĐND thị trấn Mèo Vạc tổ chức vào cuối năm 2023, cảm nhận rõ tính dân chủ, sự thẳng thắn, cởi mở của diễn đàn. Tại đây, các ý kiến trong đời sống xã hội của người dân đều được các đại biểu lắng nghe, làm rõ, tiếp thu gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết như: công tác thu hồi đất đai; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chức danh, kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố… Ông Vừ Phái Pó, thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc bày tỏ: diễn đàn giúp người dân chúng tôi có cơ hội bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình. Các ý kiến, kiến nghị của người dân đều được tiếp thu cũng như trả lời thỏa đáng nên người dân chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng.
Hài lòng về những đổi mới của cơ quan dân cử thời gian qua, Bí thư Chi bộ Tổ 2, thị trấn Mèo Vạc Nguyễn Thị Vân cho biết: mô hình nâng cao chất lượng đại biểu HĐND cấp xã tại thị trấn Mèo Vạc đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo Chủ tịch HĐND huyện Vương Thị Thủy, sau hơn 1 năm triển khai mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Các đại biểu dân cử đã thể hiện được bản lĩnh, chủ động luôn gần dân, sát dân, lắng nghe dân. Cùng với đó, các kỹ năng thuyết trình, giao tiếp với cử tri đều được nâng lên; phương pháp điều hành kỳ họp linh hoạt, mềm dẻo, phát huy được trí tuệ tập thể trong thảo luận, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo đồng thuận cao trong việc thông qua nghị quyết; từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những thành quả trên thể hiện sự sáng tạo, quyết tâm đổi mới của cơ quan dân cử nơi địa đầu Tổ quốc. Nếu như trước đây, không ít đại biểu còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thì nay, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thực sự đã làm “nóng” nghị trường. Hầu hết tài liệu được dẫn chứng bằng hình ảnh, phóng sự sinh động phản ánh rõ thực trạng vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành phải có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để, đáp ứng mong mỏi, tạo niềm tin trong nhân dân.
Thời gian tới, để nâng cao hoạt động, HĐND cấp xã sẽ tiếp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể, khoa học, trọng tâm, hiệu quả. Thông qua giám sát, nắm bắt được những bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước, trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường TXCT bằng nhiều hình thức, mở rộng đối tượng tiếp xúc.
Đặc biệt, kỳ họp HĐND phải bảo đảm 3C (chủ động, chu đáo, chuyển đổi số); đại biểu HĐND bảo đảm 4T trong TXCT và hoạt động giám sát (tươm tất, thân thiện, thời gian, trí tuệ) và 4N trong hoạt động tiếp công dân (nói, nghe, nhìn, nhận), gần dân, sát dân, hiểu dân, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Qua đó, phát huy dân chủ, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.