Lần đầu tiên Việt Nam có ngành đào tạo đại học chuyên sâu về giáo dục trẻ rối loạn phát triển
Ngành Giáo dục học – chuyên ngành Giáo dục trẻ rối loạn phát triển của Học viện Quản lý Giáo dục là ngành học hoàn toàn mới tại Việt Nam, ra đời trên cơ sở yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn đời sống.
Ngành học đón đầu xu hướng giáo dục về trẻ tự kỷ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó ước tính có khoảng 1 triệu người mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Tỷ lệ trẻ tự kỷ gia tăng đáng kể trong 15 năm trở lại đây, trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Thống kê cho thấy, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, chiếm khoảng 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.
Phó Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục TS. Cao Xuân Liễu cho biết, việc tỷ lệ trẻ tự kỷ gia tăng nhanh chóng đặt ra áp lực đối với hệ thống giáo dục trẻ đặc biệt, đòi hỏi phải có sự đầu tư về nguồn nhân lực cũng như đội ngũ giáo viên có chuyên môn chuyên sâu về trẻ tự kỷ để có thể giúp các em được học tập và phát triển, trưởng thành như bao đứa trẻ khác.
Nắm bắt được xu hướng này, năm học 2024-2025, Học viện Quản lý Giáo dục đã chính thức tuyển sinh Ngành Giáo dục học – chuyên ngành Giáo dục trẻ rối loạn phát triển. Đây là ngành học hoàn toàn mới tại Việt Nam, ra đời trên cơ sở yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn và nền tảng pháp lý rõ ràng.

TS. Cao Xuân Liễu nhấn mạnh, sự ra đời của ngành học này là một bước đi tất yếu, khi nước ta đang từng bước hoàn thiện chính sách giáo dục vì sự phát triển toàn diện và bình đẳng cho mọi đối tượng người học.
Theo TS Liễu, về cơ sở pháp lý, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH là dấu mốc đầu tiên rối loạn phổ tự kỷ được công nhận là một dạng khuyết tật phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước cam kết tạo điều kiện để trẻ rối loạn phát triển được tiếp cận giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 25/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Văn bản này xác lập rõ nhu cầu cần có một lực lượng chuyên môn đủ năng lực làm việc với trẻ rối loạn phát triển.
"Về thực tiễn, số lượng trẻ rối loạn phát triển, đặc biệt là trẻ tự kỷ, đang tăng nhanh trong khi đội ngũ giáo viên và chuyên viên hỗ trợ còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản. Đó chính là lý do Học viện Quản lý Giáo dục quyết định tiên phong triển khai chương trình đào tạo cử nhân chính quy ngành này". TS. Cao Xuân Liễu khẳng định.
Ngành học mang tính nhân văn và tương lai rõ ràng, bền vững
Chia sẻ về cơ hội từ Ngành Giáo dục học – chuyên ngành Giáo dục trẻ rối loạn phát triển, TS. Cao Xuân Liễu cho rằng ngành học này mở ra một tương lai nghề nghiệp rất rõ ràng, bền vững và nhân văn.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục trẻ rối loạn phát triển có thể đảm nhiệm các vị trí:
Giáo viên tại trường chuyên biệt, trường hòa nhập, đảm trách xây dựng và triển khai chương trình giáo dục cá nhân hóa (IEP); Chuyên viên tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở phục hồi chức năng; Cán bộ tham vấn và kết nối dịch vụ cho phụ huynh và giáo viên trong các trường phổ thông;
Chuyên viên dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật; Cán bộ tại các phòng giáo dục, cơ quan quản lý, giảng viên tại các cơ sở đào tạo sư phạm.
Ngoài ra, mức phụ cấp ưu đãi nghề lên tới 70% cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật theo quy định hiện hành là một điểm hấp dẫn khác. Với xu hướng xã hội hóa và quốc tế hóa giáo dục hiện nay, sinh viên giỏi ngoại ngữ còn có thể tham gia các dự án hợp tác quốc tế, học bổng du học hoặc làm việc tại các tổ chức giáo dục toàn cầu.
Theo TS. Cao Xuân Liễu, đây là ngành học đòi hỏi cả tri thức chuyên môn lẫn trái tim nhân hậu và tinh thần trách nhiệm xã hội. Muốn theo đuổi và thành công trong lĩnh vực giáo dục trẻ rối loạn phát triển, người học cần:
Có lòng kiên trì, nhẫn nại và đồng cảm với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; Có năng lực tổ chức, giao tiếp, làm việc nhóm và phối hợp liên ngành; Tư duy linh hoạt, sáng tạo trong thiết kế chương trình và hoạt động giáo dục phù hợp với từng đối tượng; Nắm vững kiến thức nền tảng về giáo dục học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội và luật giáo dục.
Sinh viên sẽ được rèn luyện những phẩm chất và năng lực này thông qua chương trình đào tạo được thiết kế hiện đại, gắn với thực tiễn nghề nghiệp.
TS. Cao Xuân Liễu cho biết, nhà trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, chương trình đào tạo được xây dựng công phu bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành. GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến – chuyên gia hàng đầu về giáo dục đặc biệt tại Việt Nam đã trực tiếp tham gia thiết kế, biên soạn học liệu và chủ trì chuyên môn giảng dạy chương trình này.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên của Khoa Tâm lý – Giáo dục được tăng cường với các giảng viên có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tế lâu năm trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật và tham vấn học đường, được đào tạo bài bản từ nước ngoài.
Thứ ba, học viện đã xây dựng mạng lưới hợp tác rộng khắp với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ hòa nhập, các tổ chức phi chính phủ – nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp sau tốt nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa, dự án cộng đồng và diễn đàn chuyên đề về giáo dục đặc biệt để nâng cao nhận thức xã hội và phát triển kỹ năng mềm.