Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo thiêng liêng” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức, nhằm công bố và giới thiệu các hình ảnh, tư liệu tiêu biểu phản ánh lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quá trình đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của quân dân Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, gần 200 tài liệu, bản đồ, hình ảnh lưu trữ quý tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hải quân và các tài liệu sưu tầm từ cơ quan Lưu trữ, Thư viện quốc gia Pháp, Mỹ… được lựa chọn kỹ lưỡng và đưa ra giới thiệu một cách hệ thống.
Đặc biệt, triển lãm lần đầu tiên công bố nhiều tài liệu trong Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam từ thế kỷ XIX đến nay, trong đó có các tài liệu Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.
Hoàng Sa, Trường Sa - Cương vực tự bao đời
Đây là chủ đề của phần 1 triển lãm, chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam, điều này đã được khẳng định qua các thời kỳ lịch sử.
Các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã thực hiện nhiều phương thức quản lý, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này, như: thành lập đội Hoàng Sa, thu lượm sản vật, của cải; khảo sát, đo đạc, ghi nhật ký, vẽ bản đồ, cắm mốc, trồng cây, dựng bia miếu, cứu hộ thuyền buôn nước ngoài. Nội dung này đã được ghi trong các văn bản hành chính của triều đình nhà Nguyễn (tấu, sớ, phụng dụ…) và chép lại trong bản gốc khắc in các bộ chính sử của Vương triều Nguyễn.
Thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa Pháp nhiều lần lấy danh nghĩa bảo hộ cho Chính phủ Nam triều ra các văn bản tuyên bố và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa, sau đó từng bước chuyển giao hai quần đảo này cho Việt Nam quản lý. Tài liệu lưu trữ quốc gia ghi lại các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền như: xây dựng trạm khí tượng, dựng bia chủ quyền, đảm bảo giao thông, liên lạc, thành lập, sáp nhập các đơn vị hành chính; cho các công ty thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác dịch vụ hàng hải tại Hoàng Sa, Trường Sa; khen thưởng các viên chức, binh lính làm việc tại Hoàng Sa và Trường Sa…
Bên cạnh đó, một số bản đồ do các nước phương Tây vẽ về Châu Á, khu vực Biển Đông, xuất bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tên gọi quốc tế là Pracel hay Paracels thuộc lãnh thổ của Đế chế An Nam (Việt Nam)… cũng là bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa
"Nhà nước Việt Nam (qua các thời kỳ) đã quản lý, thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, hòa bình, tuân theo quy định của luật pháp quốc tế", Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định.
Tài liệu lưu trữ quốc gia và nhiều tư liệu lịch sử đã ghi lại một cách chân thực các sự kiện như: xây dựng trạm vô tuyến điện; các hoạt động tăng cường tiếp viện hàng tháng cho các đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa; việc canh phòng Hoàng Sa; phụ cấp đặc biệt cho binh sĩ đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa; việc chia tách, sáp nhập về mặt hành chính, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện tại hai quần đảo; các văn bản xác nhận và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các dự án đồn trú và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Bên cạnh đó là tư liệu, hình ảnh liên quan đến việc phản đối hành động xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và dư luận quốc tế về việc này…; quá trình tiếp quản các đảo trên quần đảo Trường Sa của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày giải phóng; hoạt động tuần tra, huấn luyện và bảo vệ đảo trên quần đảo Trường Sa cũng như các văn bản thể hiện lập trường của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tự hào biển, đảo quê hương
Kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha ta trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các lực lượng khai thác, phát triển kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, góp phần tạo môi trường hòa bình cho sự phát triển bền vững đất nước.
Sự quan tâm, lãnh đạo đó được biểu hiện ở các mặt như: xác định đường lối, chủ trương, đổi mới phương thức lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ, thực thi pháp luật trên biển; phát triển kinh tế biển (khai thác dầu khí, phát triển nghề cá…) gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển khoa học, nghệ thuật tác chiến biển, đảo; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo, về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Với những bằng chứng lịch sử chân thực, khách quan, cụ thể, triển lãm mong muốn góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho cán bộ, chiến sĩ và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: "Triển lãm ngày hôm nay sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ cùng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và các đơn vị trong toàn quân phối hợp thực hiện. Đây là nhiệm vụ chính trị không chỉ của riêng ngành Lưu trữ, mà cần sự chung tay, vào cuộc của toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".