Làm thế nào để phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực và hiệu quả?
Có nên tách phổ biến pháp luật ra khỏi vấn đề giáo dục pháp luật không, đối tượng được phổ biến giáo dục pháp luật, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật... là những vấn đề còn ý kiến khác nhau khi UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật sáng 27.9.
Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Chúng ta đã, đang tiếp tục làm và càng ngày càng làm tốt hơn nữa công tác phổ biến và giáo dục pháp luật
Về mục đích, yêu cầu, đúng là cần thiết phải ra luật hay không tôi còn đang suy nghĩ. Vì quy trình phổ biến luật là sau khi QH thông qua bao giờ cũng phổ biến qua đài, báo rồi in chuyển cho các cơ quan, các bộ chuyên ngành luật đó. Như vậy là việc phổ biến pháp luật đã làm rất nhiều và rất tích cực, điều đó tôi thấy rất rõ. Việc giáo dục pháp luật ta cũng có làm, tập trung qua hoạt động của các trường đào tạo chuyên ngành, lĩnh vực nào cũng đều có nội dung về các văn bản có quy phạm pháp luật được phổ biến trong ngành đó, thậm chí được giảng dạy trong nhà trường. Vậy bây giờ có cần phải có luật hay không, tôi rất băn khoăn. Tôi thấy giả sử không có luật này thì chúng ta vẫn đã, đang tiếp tục làm và càng ngày càng làm tốt hơn nữa công tác phổ biến và giáo dục pháp luật, không phải chờ khi có luật này chúng ta mới tập trung vào việc phổ biến và giáo dục pháp luật.
Về các đối tượng, cách đặt vấn đề như thế này tôi thấy chỉ là tương đối. Nhưng vì là luật, nguyên tắc của luật là khi đã chỉ ra người phải thực hiện và cũng có thể không thực hiện những vấn đề mà luật không bắt buộc. Ví dụ, Điều 16: Phổ biến pháp luật cho phụ nữ để bảo đảm vấn đề bình đẳng giới. Tôi nghĩ bình đẳng giới không chỉ phụ nữ học mà chính đàn ông phải học.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Đối tượng được phổ biến giáo dục pháp luật chưa rộng rãi, một số nội dung chưa hợp lý
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một quá trình đồng bộ khép kín để đạt được mục tiêu, bảo đảm việc thực thi pháp luật trong toàn xã hội. Trong quá trình đó, giữa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục là quá trình đan xen và có kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong tuyên truyền có phổ biến, trong phổ biến cũng phải có hoạt động tuyên truyền. Trong giáo dục cũng phải thực hiện phổ biến chứ không có nghĩa trong nhà trường không có phổ biến pháp luật hoặc trong phổ biến thì không có nghĩa không có giáo dục. Tôi nghĩ đó là quá trình đan xen và có tác động qua lại thành một thể thống nhất để bảo đảm mục tiêu là thực thi pháp luật.
Tôi đồng tình với quan điểm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là dường như chúng ta chỉ quan tâm đến đội ngũ chuyên nghiệp hóa, chuyên trách trong giáo dục pháp luật, tức là đối tượng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, trong khi đối tượng được phổ biến giáo dục pháp luật không được rộng rãi và có một số nội dung chưa hợp lý. Ví dụ tại Mục 2 về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù cho một số đối tượng. Tôi nghĩ không phải nông dân đi phổ biến, giáo dục pháp luật về luật cho nông dân nông thôn, không phải quân đội chỉ giáo dục cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh, không phải đoàn thanh niên đi giáo dục cho thanh niên về công tác đoàn... Giáo dục nhà trường cũng vậy, giáo dục trong nhà trường không những chỉ là giáo dục pháp luật mà trong đó có cả giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục công dân, giáo dục thể chất... Nó phải kết hợp rất nhiều hình thức chứ không phải chỉ giáo viên, trong khi giáo viên chuyên nghiệp ở hệ thống nhà trường từ cơ sở trở lên hiện nay chưa có. Do vậy có ban hành luật cũng chưa chắc đã thực hiện được.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương: Khi nào phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết?
Việc cần thiết ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật hay không còn rất nhiều băn khoăn. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đều có những quy định việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tất cả các ngành, các cấp ở địa phương đều thực hiện việc này. Quan trọng là làm thế nào để thực hiện những điều đã quy định một cách nghiêm túc và quán triệt đầy đủ chủ trương, phương pháp, sự chỉ đạo một cách thống nhất và thông suốt từ Trung ương xuống địa phương. Có như vậy, việc giáo dục phổ biến pháp luật mới có hiệu quả cao nhất.
Tôi thấy cái yếu hiện nay chúng ta muốn khắc phục đó là cơ quan chủ trì, người chịu trách nhiệm chính về việc thực hiện nhiệm vụ này cho Chính phủ. Theo dự án luật thì có một cách là thành lập Hội đồng giáo dục, phổ biến pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật giao cho các Bộ, ngành như Bộ GD - ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc... nhưng tôi thấy còn rất chung chung, chưa quy định được một cơ quan chủ quản nào trực tiếp là người chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ để thực hiện việc này. Nếu dự án luật này không tiếp tục được đầu tư, chỉnh sửa để quy trách nhiệm chính cho đơn vị, tổ chức nào thì có sửa cũng chưa thể thay đổi được, chưa nâng cao được tình hình phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo tôi, thứ nhất, nếu chúng ta ban hành văn bản pháp luật này thì phải tập trung làm rõ công tác quản lý Nhà nước và cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm chính về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Kinh nghiệm ở các địa phương là trách nhiệm này thuộc về Bộ tư pháp, tức là về ngành tư pháp các cấp. Hệ thống trong ngành tư pháp sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Nhà nước về việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân. Thứ hai, việc ban hành luật mới nhằm mục đích làm thế nào đó để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, đồng thời phải tạo dựng được thói quen về việc tôn trọng pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân hiện nay. Hiện nay nhìn chung việc chấp hành cũng đã ngày càng có tiến bộ rất nhiều, tuy nhiên cũng còn nhiều việc chấp hành rất lỏng lẻo. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao kiến thức pháp luật của người dân; tạo dựng, hình thành thói quen tôn trọng pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật thì cũng cần đặt ra các thiết chế để bảo đảm cung cấp các văn bản pháp luật khi người dân có nhu cầu. Thứ ba là các đối tượng cần được phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dự án luật có 8 đối tượng gọi là đặc thù, tôi thấy ở đây không có tính đặc thù. Nếu nói giáo dục pháp luật đến cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang là đặc thù thì tôi cho không phải. Tôi thống nhất với ý kiến thẩm tra của của Ủy ban Pháp luật. Nếu nói đến đặc thù thì ta phải nói đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, các đối tượng có trình độ thấp, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng là phạm nhân, những người có trình độ thấp, không am hiểu và không có điều kiện tiếp cận kiến thức pháp luật thì mới là đặc thù. Bên cạnh đó, việc phổ biến, giáo dục pháp luật là thường xuyên và không phải một lần, cho nên tôi đồng ý việc đưa vào các hệ thống trong các nhà trường để phổ biến, tiếp cận cũng như giáo dục pháp luật.
Một điểm nữa là không nên thành lập Hội đồng liên ngành, Hội đồng Chính phủ. Trong dự án luật có ghi là Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng liên ngành khi cần thiết. Vậy phổ biến giáo dục pháp luật khi nào là cần thiết trong khi hệ thống luật pháp ra đời ngày một nhanh và nhiều, chưa kể luật nào là cần thiết. Việc thành lập Hội đồng này, tôi cho rằng chỉ giải quyết những vấn đề tức thời, không mang tính liên tục trong việc giáo dục, phổ cập kiến thức.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Làm thế nào để phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân?
Tôi thấy rằng việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân là việc làm vẫn rất cần thiết của mỗi quốc gia, kể cả những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng bằng cách nào để làm được việc này, đây chính là câu hỏi cần phải trả lời.
Nước ta là một trong những nước thực thi pháp luật chưa được nghiêm, thế có phải là vì thiếu luật không? Thứ hai, khi ra luật này thì việc thực thi pháp luật có thể được tốt hơn không? Như vậy đối tượng tiếp cận, thông thường khi xây dựng luật hay bất cứ một nội dung nào đấy thì nhằm vào đối tượng yếu nhất, đối tượng cần phải thực thi nhất. Ví dụ có phải cán bộ, công nhân viên chức là đối tượng thực thi pháp luật kém nhất không? Tại sao chúng ta lại tập trung vào đấy? Tôi nghĩ đối tượng đó đã nắm khá rõ hơn, tốt hơn. Chỗ này cần phải lý giải. Theo tôi nghĩ phải tập trung vào những đối tượng có điều kiện khó khăn, không đủ điều kiện để tiếp cận, hoặc tiếp cận những đối tượng lâu nay không thích thực thi pháp luật thì phải tập trung vào đấy để người ta thực thi pháp luật, để đất nước kỷ cương. Một vấn đề nữa là tại những nước thực thi pháp luật tốt lại không có luật này. Đấy là điều cần làm rõ.
Về cách viết luật này rất trôi chảy, nhưng tôi có cảm giác nó giống như kết luận một báo cáo khoa học hay một nghiên cứu gì đấy mà từ lâu nay tôi vẫn thường hay được tiếp cận. Do vậy thôi cảm giác hơi băn khoăn. Ví dụ, phổ biến pháp luật là gì? Là hoạt động tuyên truyền văn bản pháp luật, tài liệu liên quan về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật để làm rõ tinh thần và nội dung của các quy định pháp luật cần phổ biến. Những câu hình như không đúng với tinh thần phổ biến pháp luật, chính đấy là truyền đạt văn bản pháp luật tài liệu liên quan đến nội dung pháp luật, còn những cái khác thì nó lại khác. Câu giáo dục pháp luật là gì? Là hoạt động động giảng dạy học tập pháp luật trong nhà trường, các cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu thế thì hẹp quá, đọc thì rất trôi chảy, rất suôn sẻ, rất dễ hiểu nhưng đến khi hiểu rồi thì thấy nó cũng không chuẩn...
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Các nội dung quy định trong luật này chưa có gì mới lắm
Tôi đồng tình với việc cần thiết phải có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn một số điều băn khoăn. Sau khi luật này ban hành thì liệu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có được nâng lên không? Có thể thấy các nội dung quy định trong luật này chưa có gì mới lắm mà chỉ là luật hóa vào đây mà thôi. Ví dụ, Hội đồng giáo dục pháp luật hiện nay từ tỉnh, huyện, xã đang làm rất tốt và có hiệu quả, tuy nhiên còn có chỗ nọ, chỗ kia nhưng nói chung là có hiệu quả. Một việc hiện nay chúng ta đang làm là phổ biến về pháp luật tách ra làm đôi, một bên là phổ biến pháp luật riêng, một bên là giáo dục pháp luật riêng nhưng bản chất vẫn là một. Như việc tổ chức xây dựng pháp luật chẳng hạn, hiện nay gần như 90%, thậm chí 100% các xã chúng ta đều có, có nghĩa là không phải là vấn đề gì mới. Thứ ba, ngày pháp luật Việt Nam mặc dù hiện nay chúng ta chưa luật hóa được nhưng đã tổ chức, 63 tỉnh, thành phố và 6 bộ đang làm, cũng không phải là việc gì mới cả, chỉ là chúng ta đưa vào luật thôi.
Trong thực tế công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân còn hạn chế rất nhiều, kể cả trong Báo cáo giải trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng có xu hướng tăng lên, khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng. Hòa giải thì rất hiệu quả nhưng chi kinh phí cho hòa giải lại không đáng bao nhiêu, tính ra ở địa phương có 50.000 đồng một cuộc hòa giải, có khi mất 1 năm, 2 năm cho một cuộc hòa giải nhưng kết quả cuối cùng được có 50.000đồng, đây cũng là điểm rất hạn chế trong tài chính của chúng ta.
Tôi đề nghị quan tâm nhiều đến đối tượng ở khu vực nông thôn; thứ hai là công nhân các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Về phương pháp tuyên truyền pháp luật tôi nghĩ nên đa dạng hơn, nhiều hình thức hơn, đặc biệt ở nông dân. Bên cạnh đó, không nên tách bạch việc giáo dục pháp luật với việc phổ biến pháp luật.