Làm sống lại cây đàn bầu cổ

Nguyễn Hà An 21/12/2010 00:00

Những người yêu nhạc dân tộc và thậm chí cả những nghệ sỹ chơi đàn bầu, rất ít người được mục sở thị cây đàn bầu cổ, mà chỉ biết đến đàn bầu điện vẫn được sử dụng rộng rãi. Con đường tìm kiếm và phục dựng cây đàn bầu cổ là cả một hành trình gian nan.

04-lai-song-35510-300.jpg

NSND Xuân Hoạch kể, trong Nhạc hội Đàn bầu tổ chức tại Hà Nội năm 1978, ông và nhạc sỹ Thao Giang (hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Âm nhạc Việt Nam) đã tận mắt được xem ông Nguyên, lúc đó là một trong những trùm xẩm nổi tiếng của Hà Nội chơi một cây đàn bầu rất lạ. Nó không chỉ khác về hình dáng mà âm thanh cũng nổi trội hơn. Điều đặc biệt là không cần kích điện nhưng tiếng của nó rất to và vang. Trở về, ông cùng nhạc sỹ Thao Giang tìm trong các tư liệu về đàn bầu thì chỉ có những ghi chép sơ qua mà không có hình ảnh minh họa. Nhạc sỹ Thao Giang đã phải nhờ một người bạn bên Pháp tìm cho bức ảnh mà người Pháp đã chụp hai người Việt hát xẩm trước cổng chợ chơi cây đàn mà ông đã được nhìn thấy ông trùm Nguyên chơi.

Năm 1992, NSND Xuân Hoạch bắt tay phục dựng cây đàn cổ. Nguyên liệu được ông lựa chọn là tre. Theo ông, đàn làm bằng tre dễ làm hơn và mang đậm phong cách dân gian. Nói thì dễ nhưng ông cũng mất 17 năm để phục dựng được nó. Trong quá trình phục dựng, ông đã hiểu vì sao người hát xẩm xưa lại điều khiển cây đàn một cách dễ dàng như vậy. Cần đàn hay còn gọi là vòi đàn được uốn cong như chiếc vòi voi và cao đến 70cm. NSND Xuân Hoạch giải thích, cần cao như vậy giúp cho người hát xẩm khiếm thị vốn đã không nhìn thấy gì, không phải cúi mặt xuống mỗi khi đánh đàn. Khi khép nách lại tạo cự ly vừa phải để có thể đánh đàn mà không phải bò soài trên cây đàn. Dây của cây đàn cổ cách mặt đàn 45cm, cao hơn rất nhiều so với cây đàn cách tân chỉ cách 10cm. Cần đàn được ví như chiếc cổ con hạc “Trường cổ thì đại thanh”, nên người làm đàn xưa đã áp dụng nguyên lý đó để tạo cho tiếng đàn có thể vang xa.

Sau khi làm cây đàn bằng tre, NSND Xuân Hoạch vẫn chưa thỏa mãn. Ông quyết định làm một cây đàn bằng gỗ. Bởi cây đàn ông được nhìn thấy và cây đàn do người Pháp chụp ảnh đều được làm bằng gỗ. Nếu làm cây đàn bằng tre ông phải mất 17 năm thì chuyển sang làm cây đàn bằng gỗ ông chỉ mất 2 tháng. Bởi tất cả những nguyên lý về âm thanh, những khiếm khuyết của cây đàn tre ông đã nắm rất rõ. Điều khó nhất là tìm gỗ để làm đàn. Người xưa thường có câu: “Bầu sòi vòi nhãn”, tức là bầu đàn được làm bằng gỗ sòi, vòi đàn được làm bằng gỗ nhãn. Sở dĩ chọn gỗ nhãn để làm vòi đàn bởi gỗ nhãn có độ dẻo cao giúp người chơi dễ dàng chỉnh âm. Người xưa quan niệm bầu đàn được coi như một bào thai âm thanh từ trong phát ra chứ không phải từ ngoài dội vào nên phải chọn gỗ sòi làm bầu để bảo đảm âm thanh vừa trong vừa vang xa. Không tìm được gỗ sòi ông quyết định chọn lõi thông thay thế. Lõi thông cũng chịu được thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam và âm thanh cũng chuẩn không kém gì gỗ sòi. Sau khi hoàn thành việc phục dựng cây đàn bầu cổ bằng gỗ, ông quyết định thêm một chi tiết nữa vào chân đàn, là bộ gõ, giúp người hát xẩm có thể một mình vừa gẩy đàn, vừa gõ, vừa hát.

Những cố gắng của NSND Xuân Hoạch đã được đền đáp. Hầu hết những CD hát xẩm hay độc tấu đàn bầu đều được chơi bằng cây đàn do ông phục chế. Điều ngạc nhiên là nếu chỉ nghe, người nghe tưởng như có hai người gõ đệm cho một người chơi đàn.

Vui vì đã phục dựng được cây đàn cổ nhưng NSND Xuân Hoạch vẫn đau đáu một nỗi niềm, là đến nay chưa có ai thực sự muốn học đánh cây đàn cổ. Bởi để học được nó cũng khó khăn như quá trình ông tìm cách phục dựng nó. Ông cười bảo: nếu có ai say mê nó như tôi, tôi sẽ đóng cửa chỉ ở nhà truyền dạy miễn phí cho họ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Làm sống lại cây đàn bầu cổ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO