Lâm Sơn - Vùng sinh thái vườn hấp dẫn của Khánh Hòa
Mỗi độ tháng 7, khi tiết trời miền Trung oi ả, xã Lâm Sơn, tỉnh Khánh Hòa lại rộn ràng đón bước chân du khách phương xa về với mùa thu hoạch trái cây. Với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng màu mỡ và mô hình du lịch sinh thái gắn vườn cây ăn trái đang phát triển mạnh, nơi đây được ví như “miền Tây giữa lòng Khánh Hòa” - một điểm đến mới lạ, đáng trải nghiệm trong bản đồ du lịch xanh của khu vực Nam Trung Bộ.
Nằm ở độ cao từ 1.400 - 1.600m so với mực nước biển, Lâm Sơn có điều kiện khí hậu tương đồng với các vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng của Lâm Đồng. Những năm gần đây, người dân địa phương đã mạnh dạn đưa vào canh tác các loại cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo nền tảng cho việc phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn đang được nhiều địa phương hướng tới.

để phục vụ du khách.
Theo ghi nhận, tại khu trung tâm xã trên Quốc lộ 27 - nơi được định vị là điểm đến của tuyến du lịch vườn trái cây Lâm Sơn - các tổ liên kết như Xuân Hùng, Quang Lai, Thảo Nguyên… đang vận hành hiệu quả mô hình “du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp”. Không gian xanh mát được chăm chút tỉ mỉ, lối đi bê tông thông thoáng, bảng hiệu bắt mắt, khuôn viên nhà vườn bố trí nội quy sinh hoạt, wifi, quầy trưng bày sản phẩm, khu ẩm thực… tạo cảm giác chuyên nghiệp và hiếu khách.
Điểm đáng chú ý là các nhà vườn ở Lâm Sơn đã nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Ngay từ tháng 5 hàng năm, người dân nơi đây đã chủ động quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội, tương tác trực tiếp với du khách để đặt lịch, hẹn thời gian tham quan. Nhờ đó, mô hình du lịch trải nghiệm hái trái tại vườn không chỉ lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh mà còn thu hút đông đảo du khách từ Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh… đến thưởng ngoạn.
Tại đây, du khách được tự tay hái trái cây chín mọng trên cây để thưởng thức tại chỗ - điều khiến chị Ngô Thị Thoa (du khách đến từ Lâm Đồng) năm nào cũng quay lại. “Vé vào vườn chỉ 40.000 đồng/lượt mà trải nghiệm thì rất xứng đáng. Không gian mát mẻ, cảnh sắc đẹp, món ăn dân dã lại ngon, đặc biệt là món gỏi măng cụt xanh trộn thịt gà đồi hay gỏi chôm chôm trộn gà vườn khiến chúng tôi nhớ mãi”, chị chia sẻ.
Hơn chục năm qua, vùng Lâm Sơn đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, được cấp nhãn hiệu chứng nhận, tạo tiền đề để phát triển chuỗi giá trị nông sản. Tuyến Quốc lộ 27 đi qua địa bàn cũng mang lại lợi thế lớn cho việc đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ và logistics. Cùng với trải nghiệm nhà vườn, du khách còn có thể ghé thăm các thắng cảnh nổi bật như đèo Ngoạn mục, thác Sakai, thủy điện Đa Nhim…
Chủ vườn Xuân Hùng - ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay sản lượng trái cây đạt cao, đặc biệt là chôm chôm, sầu riêng và măng cụt. Cây ra trái đều, hương thơm ngát cả vườn. Chúng tôi cũng tuân thủ chặt chẽ quy định của xã về niêm yết giá vé, giá bán, tạo sự công bằng, minh bạch và hài lòng cho du khách”.
Đáng chú ý, “Lễ hội trái cây Lâm Sơn” năm nay còn mở rộng không gian trải nghiệm khi các nhà vườn kết nối với hộ sản xuất bản địa để giới thiệu đặc sản vùng miền như thịt gà đồi, cá suối, lợn đen; gùi tre, đàn Chapi, rượu cần, trang phục dân tộc Raglai; các sản phẩm chế biến từ nho, táo, mật táo… Những sản vật này góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa đặc trưng, tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch Lâm Sơn.

ở xã Lâm Sơn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn Đoàn Văn Hùng, hiện toàn xã có hơn 500ha cây ăn quả, trong đó có 30 hộ đang khai thác du lịch sinh thái vườn trái cây. Chỉ tính từ đầu tháng 7/2025 đến nay, mỗi ngày có từ 700-900 lượt khách đến tham quan, cuối tuần tăng lên 1.500-2.000 lượt. Tổng doanh thu ước đạt gần 1 tỷ đồng, hộ cao nhất đạt khoảng 100 triệu đồng trong mùa vụ.
Định hướng đến năm 2030, Lâm Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng. Xã đang xúc tiến phối hợp các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các đoàn famtrip, presstrip khảo sát và xây dựng tour - tuyến kết nối Lâm Sơn với các điểm đến khác trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, địa phương vận động người dân nâng cao ý thức làm du lịch, bảo đảm môi trường sinh thái và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Chia sẻ về định hướng lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng cho biết: “Tỉnh khuyến khích mở rộng vùng trồng cây ăn quả đặc sản tại Lâm Sơn, hướng đến đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động cải tạo đất, lựa chọn giống mới, nâng cao giá trị sinh thái và cảnh quan, tạo nền tảng phát triển du lịch xanh bền vững”.
Lâm Sơn hôm nay không chỉ là “miền Tây thu nhỏ” của Khánh Hòa, mà còn là điển hình sinh động cho hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, văn hóa cộng đồng. Khi nông dân trở thành “người làm du lịch”, mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần làm xanh thêm bản đồ du lịch Việt Nam.