Gỡ vướng tình trạng thiếu nguyên vật liệu; ô nhiễm môi trường
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Vàng Thị Tuyết Mai (Tổ đại biểu huyện Bát Xát) nêu: tại huyện Bát Xát có dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đồng Sin Quyền, đất, đá bóc ra đổ ở bãi thải với khối lượng rất lớn, có nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường. Đá thải của mỏ đồng đã được cấp có thẩm quyền thẩm định có đủ điều kiện đưa vào làm vật liệu để phục vụ các công trình giao thông nhưng những dự án đầu tư công trình giao thông trên địa bàn huyện vẫn phải mua từ nơi khác.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai Vũ Lân giải trình: Đất, đá thải phát sinh trong quá trình khai thác tại mỏ đồng Sin Quyền là khai thác khoáng sản đi kèm, không phải là tận thu khoáng sản, do vậy thẩm quyền cấp phép thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Sở đã phối hợp địa phương, các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài Nguyên và Môi trường về vấn đề này.
Năm 2022, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có văn bản đồng ý cho Tổng Công ty Khoáng sản - TKV khai thác khoáng sản đi kèm là đá thải. Tổng công ty có trách nhiệm lập phương án xác định trữ lượng, xác định nhu cầu của các chủ đầu tư để lập phương án trình cơ quan chức năng phê duyệt. Sở Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ đầu tư dự án cung cấp nhu cầu cho Tổng Công ty Khoáng sản - TKV. Nhưng đến nay, Tổng Công ty Khoáng sản - TKV vẫn chưa hoàn thiện phương án này.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc Tổng Công ty Khoáng sản - TKV phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thành sớm việc lập và trình phương án thực hiện việc cung cấp đất, đá thải trong quá trình khai thác mỏ đồng Sin Quyền cho các dự án phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời tận thu cho ngân sách các loại thuế, phí liên quan.
Đối với tình trạng khan hiếm nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại chỗ; những vướng mắc khi các điểm mỏ nằm trong khu vực thực hiện các dự án thuỷ điện, khu vực lòng hồ thuỷ điện...được các đại biểu: Trần Bích Sửu (Tổ đại biểu huyện Si Ma Cai); Nguyễn Công Tư (Tổ đại biểu huyện Bảo Yên) và Hà Tất Định (Tổ đại biểu huyện Bắc Hà) chất vấn. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, việc cấp phép thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản chịu tác động của nhiều quy định của pháp luật. Hầu hết các điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đều có những khó khăn nhất định trong việc cấp phép thăm dò và khai thác.
Đối với những điểm mỏ nằm trong khu vực lòng hồ thuỷ điện, theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 thì không được cấp phép khai thác. "Tuy nhiên, Luật Khoáng sản - Địa chất năm 2024 mới được thông qua, khi có hiệu lực cho phép khai thác khoáng sản trong các lòng hồ thủy điện. Khi đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, đồng thời nạo vét lòng hồ các mỏ cát trong lòng hồ thuỷ điện". Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Vũ Lân thông tin.
Cơ bản đồng tình với phần trả lời của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Vũ Lân, Đại biểu Hà Tất Định (Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà) kiến nghị, trong thời gian đợi Luật Khoáng sản - Địa chất năm 2024 có hiệu lực, đề nghị sở có giải pháp hỗ trợ cho các địa phương về nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh.
Tại huyện Bảo Yên, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp các ngành, địa phương rà soát từng mỏ. Theo đó: Đối với những mỏ nằm trong phạm vi lòng sông Chảy đã được cấp phép khai thác và được cấp phép đầu tư nhưng chưa được thuê đất, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý theo hướng không yêu cầu chủ mỏ phải làm thủ tục thuê đất nhưng các nghĩa vụ tài chính về đất đai và các nghĩa vụ tài chính khác, chủ đầu tư vẫn phải thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Đối với các mỏ nằm trong phạm vi lòng sông Hồng đã được UBND tỉnh cấp phép, UBND tỉnh thống nhất theo hướng cho phép các chủ mỏ thuê đất trong phạm vi lòng sông Hồng, và chỉ được thuê trong thời gian được khai thác khoáng sản…
Trả lời chất vấn của đại biểu Thào Thị Mỷ (Tổ đại biểu huyện Bảo Thắng) về trách nhiệm của Sở Tài Nguyên và Môi trường đối với công trình xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Bảo Thắng do Sở làm chủ đầu tư hoạt động không hiệu quả, vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai Vũ Lân thẳng thắn thừa nhận: "Sở Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường dù lớn hay nhỏ đều có trách nhiệm của Sở, và sở hoàn toàn nhận trách nhiệm về việc này".
Về giải pháp, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát toàn bộ bãi chôn lấp rác trong toàn tỉnh để lập báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải pháp đầu tư và kêu gọi đầu tư các công trình đốt rác có quy mô phù hợp. Trong thời gian đó, đề nghị huyện Bảo Thắng và các địa phương có bãi chôn lấp rác thải thực hiện đúng quy trình vận hành bãi chôn lấp rác thải, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Tranh luận thêm về vấn đề này, đại biểu Thào Thị Mỷ cho biết: "Cử tri rất quan tâm về vấn đề lãng phí sau đầu tư bởi công trình xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Bảo Thắng chỉ vận hành, hoạt động duy nhất 1 lần khi bàn giao, còn từ đó đến nay không vận hành và đưa vào sử dụng được. Huyện Bảo Thắng đã có tờ trình đề xuất đầu tư lò đốt rác giai đoạn 2, mong Sở Tài Nguyên và Môi trường quan tâm, sớm trình UBND tỉnh để triển khai thực hiện".
Kiên quyết xử lý những dự án nông nghiệp chậm tiến độ
Cũng không kém sôi động, phần chất vấn đối với lĩnh nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tạo được nhiều sự quan tâm chú ý của đại biểu và cử tri. Đại biểu Thào Thị Lan (Tổ đại biểu huyện Mường Khương) chất vấn về những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án phát triển chăn nuôi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Duy giải trình: Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống vật nuôi bản địa đáp ứng yêu cầu của Luật Chăn nuôi; Cục Chăn nuôi đã được giao xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22 ngày 30.11.2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi bản địa cho các địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nếu chăn nuôi theo hướng bản địa, nông hộ thì người chăn nuôi chỉ hòa vốn và lỗ, kèm theo đó là vấn đề phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường… rất khó khăn. Do đó, để tăng hiệu quả và lợi nhuận cho người dân, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh theo hướng: Đối với địa bàn vùng thấp, cơ bản phải xác định chăn nuôi các dòng lợn lai, theo hướng gia trại, trang trại.
Đối với chất vấn của Đại biểu Lý Thị Hào (Tổ đại biểu huyện Bắc Hà) về sự phù hợp của Quyết định số 90/QĐ-SNN ngày 27.4.2020, ban hành tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật một số cây, con giống thực hiện các chương trình, dự án, mô hình trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn cho biết: quyết định này được ban hành trước khi có 3 Chương trình mục tiêu quốc nên sắp tới Sở sẽ đề nghị thu hồi quyết định này.
Về một số dự án nông nghiệp sau khi được phê duyệt, được giao đất và thuê đất nhưng nhà đầu tư không còn năng lực tài chính để thực hiện như: Dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao tại xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) của Công ty TNHH MTV Nam Anh làm chủ đầu tư không hiệu quả, gây bức xúc, mất niềm tin của những hộ tham gia dự án mà đại biểu Chu Gì Xú (Tổ đại biểu huyện Bát Xát) nêu: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kiểm tra, giám sát cho thấy chủ đầu tư không thực hiện đúng thủ tục đầu tư như chưa hoàn thành thủ tục thuê đất; vi phạm quy định về sử dụng đất; không chấp hành các chế độ báo cáo, giám sát theo định kỳ. Đến thời điểm này, dự án không hoạt động, UBND tỉnh đã có văn bản về việc kiểm tra, đánh giá dự án. Các Sở, ngành liên quan đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh hiện có 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 15 dự án đang hoạt động bình thường; 17 dự án đang gặp khó khăn đa lĩnh vực (thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng, vùng nguyên liệu, thị trường…); 17 dự án đang dừng hoạt động; 21 dự án chậm tiến độ (trong đó có dự án của Công ty Nam Anh). UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành theo các lĩnh vực phụ trách từng dự án, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất các hình thức giải quyết phù hợp…
Nhận xét khi điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Lào Cai Khóa XVI, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Xuân Cường cho rằng: Giám đốc các Sở Tài Nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời chất vấn trách nhiệm, bám sát vào câu hỏi; trả lời đúng trọng tâm, trực tiếp không né tránh. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cũng như các giải pháp.
Thời gian tới, HĐND đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, có những giải pháp tích cực nhất để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đại biểu, giải quyết các tồn tại đã được đề cập trong 2 lĩnh vực được chất vấn".